Tất cả chuyên mục

Hai tháng sau ngày Quốc hội ra Quyết định hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh (30-10-1963), một trong những sự kiện có ý nghĩa trong những ngày đầu năm mới 1964 là sự ra đời của Đài Truyền thanh Quảng Ninh (tiền thân của Đài PT-TH Quảng Ninh hiện nay) và Báo Quảng Ninh. Nói là hai sự kiện có ý nghĩa, bởi đây là hai cơ quan ngôn luận quan trọng nhất, là tiếng nói của Đảng bộ và nhân dân Quảng Ninh trong những ngày đầu tiên thành lập tỉnh, cũng như trong suốt chặng đường xây dựng, trưởng thành và phát triển 50 năm qua. Ông Nguyễn Huy Trợ, nguyên Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ phụ trách công tác Tuyên truyền - Báo chí thời kỳ này và là Tổng biên tập Báo Quảng Ninh những năm 1966-1989, nhớ lại:
- Cuối năm 1963, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ trực tiếp làm việc với hai cơ quan Đài Truyền thanh Quảng Ninh và Báo Quảng Ninh để định hướng tuyên truyền; theo đó, trước mắt, tập trung phản ánh không khí phấn khởi, tự hào, hăng say lao động vì mục tiêu xây dựng tỉnh mới ngày một cường thịnh như Bác Hồ đã nhấn mạnh khi đặt tên tỉnh là Quảng Ninh (nghĩa là một tỉnh rộng lớn, yên bình…). Tôi còn nhớ, khi chuẩn bị cho buổi truyền thanh đầu tiên vào ngày 1-1-1964, cả Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và các cán bộ lãnh đạo của Đài đã ngồi nghe lại toàn bộ chương trình. Mọi người góp ý từng bài viết, thậm chí đến từng câu… Đặc biệt, việc chọn bản nhạc nào làm nhạc hiệu được mọi người bàn bạc rất sôi nổi. Cuối cùng tất cả thống nhất chọn tráng khúc “Bạch Đằng Giang” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước làm nhạc hiệu cho Đài Truyền thanh Quảng Ninh… Còn Báo Quảng Ninh thì ra số đầu tiên sau đó một ngày, tức ngày 2-1-1964. Những năm ấy báo chỉ ra mỗi tuần một số, 4 trang, khổ 54x79cm. Và nếu tôi nhớ không nhầm thì báo chỉ phát hành chưa tới 2.000 bản. Nói chung, về mặt kỹ thuật, trang thiết bị, cả Báo cũng như Đài thời kỳ này đều còn khá thô sơ, đội ngũ cán bộ, phóng viên thì không nhiều (như Báo Quảng Ninh cũng chỉ có 25 anh chị em vốn ở Báo Vùng mỏ cũ, cộng thêm 10 anh chị em từ Báo Hải Ninh chuyển về…). Thế nhưng khí thế làm việc của mọi người thì hăng hái, sôi nổi lắm…[links(right)]
Cũng qua ông Nguyễn Huy Trợ, được biết, tiếp sau những ngày đầu hợp nhất, Báo Quảng Ninh và Đài Truyền thanh Quảng Ninh đã rất khẩn trương kiện toàn đội ngũ, xây dựng kế hoạch tuyên truyền dài hơi. Đáng ghi nhận nhất là đợt tuyên truyền cho Nghị quyết của Tỉnh uỷ về đẩy mạnh sản xuất lương thực - thực phẩm… “-Trong thời gian này, Đài, Báo Quảng Ninh đã góp công rất nhiều trong việc tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến…” - Ông Nguyễn Huy Trợ nói - “Như phong trào trồng rau xanh ở xã Cẩm Bình, thị xã Cẩm Phả, phong trào nuôi tôm ở xã Liên Vị, huyện Yên Hưng v.v.. chẳng hạn. Đấy đều là những điển hình tiêu biểu được báo chí phát hiện…”.
Ông Nguyễn Huy Trợ còn kể cho tôi nghe nhiều chuyện khác nữa về những “bước đi đầu tiên” của hai cơ quan ngôn luận quan trọng nhất của tỉnh. Qua câu chuyện của ông, tôi có cảm nhận, ngay từ những ngày ấy, hoạt động báo chí đã được Tỉnh uỷ, chính quyền tỉnh đặc biệt quan tâm. Và cũng từ ngày ấy, Báo Quảng Ninh và Đài Quảng Ninh đã không ngừng phát triển để làm tròn trách nhiệm của mình. Cả Báo Quảng Ninh và Đài Quảng Ninh hôm nay đã có sự phát triển vượt bậc so với trước đây. Nhưng cho dù phát triển thế nào thì có một điểm xuyên suốt không thay đổi, đó là niềm tự hào được cống hiến sức mình cho hoạt động báo chí vì mục tiêu xây dựng Quảng Ninh giàu mạnh của các thế hệ những người làm báo tỉnh nhà.
Hoàng Long
(còn nữa)
Kỳ sau: Bài 4: Những lần đón Bác về thăm
Ý kiến ()