Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 12:31 (GMT +7)
Tác phẩm dự thi Giải Búa liềm vàng Quảng Ninh năm 2024: Làn gió mới từ những Nghị quyết gắn kết ý Đảng lòng dân Bài 2: Xây dựng Tiên Yên trở thành trung tâm văn hóa giàu bản sắc các dân tộc vùng Đông Bắc
Thứ 2, 21/10/2024 | 19:41:44 [GMT +7] A A
Kiên định với quan điểm văn hóa, con người là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là nguồn lực, là sức mạnh nội sinh cho sự phát triển, thời gian qua, huyện Tiên Yên đã kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc các dân tộc vùng Đông Bắc. Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững được ban hành như một luồng gió mới tiếp thêm động lực để Tiên Yên hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng huyện trở thành trung tâm văn hóa giàu bản sắc các dân tộc vùng Đông Bắc, trên nền tảng “Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc”.
Bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống
Nằm giữa trung tâm của thôn Đồng Đình (xã Phong Dụ), ngôi nhà nhỏ của bà Hoàng Thị Liên trở thành một lớp học đặc biệt. Ở đó, bà Liên là cô giáo và học viên là các em học sinh cùng những người dân đam mê với điệu hát Then, đàn Tính của dân tộc Tày. Lớp học có giờ sinh hoạt chính vào buổi chiều hoặc buổi tối, ở đây các học viên được bà Liên hướng dẫn tỉ mỉ từ cách chỉnh dây đàn, tập hát những điệu then truyền thống. Đây là lớp truyền dạy đàn tính, hát then được triển khai theo “Đề án Làng Văn hóa dân tộc Tày, thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên năm 2023" do UBND xã Phong Dụ tổ chức. Lớp học do nghệ nhân thuộc Câu lạc bộ (CLB) đàn Tính, hát Then của tỉnh và địa phương đứng lớp với gần 30 học viên đủ độ tuổi, từ học sinh tiểu học đến các chị, các cô năm nay đã gần 50 tuổi.
Sau một thời gian tham gia lớp học, các em nhỏ của địa phương đã biết được một số kỹ năng cơ bản như cách đánh đàn Tính; hát được một số làn điệu Then và các làn điệu dân ca Tày truyền thống cùng các điệu múa. Em Sái Thị Phương Mai, trường THCS Phong Dụ chia sẻ: “Khi xã mở lớp truyền dạy hát Then, đàn Tính, em đã đăng ký tham gia học vì em yêu thích các làn điệu Then truyền thống của quê hương. Khi tham gia câu lạc bộ, được bà Liên và các cô truyền dạy, em đã biết hát Then, đánh đàn Tính và hiểu thêm về những giá trị văn hóa đặc sắc trong làn điệu Then của dân tộc. Em hy vọng, thời gian tới sẽ có thêm nhiều bạn trẻ tham gia vào việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình".
Đồng chí Lã Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Dụ cho biết: “Quán triệt thực hiện Nghị quyết của tỉnh và huyện về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc nói chung và dân tộc Tày xã Phong Dụ nói riêng, chúng tôi luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện để người dân hình thành các CLB, đội văn nghệ quần chúng tại cơ sở; phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Địa phương sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ mở các lớp truyền dạy nghệ thuật hát Then, đàn Tính nhằm truyền bá về nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Tày đến với thế hệ sau; từng bước đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc trên địa bàn”.
Cùng với Phong Dụ, trong năm 2023, xã Đại Dực đã tổ chức ra mắt 7 CLB bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn, gồm: CLB Lễ cầu mùa, CLB Hát Soóng Cọ giữ gìn bản sắc trang phục, CLB May trang phục dân tộc Sán Chỉ... Các hoạt động này nhằm khuyến khích người dân làm tốt hơn việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn xã; tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân. Từ đó, Đại Dực từng bước hình thành, duy trì các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống trên địa bàn; tạo thành nếp sinh hoạt trong cộng đồng, xây dựng, quảng bá bản sắc văn hóa, tạo đà cho phát triển du lịch cộng đồng của địa phương.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều mô hình đang được Tiên Yên triển khai nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện. Với đặc thù là huyện miền núi gồm 17 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, trên 52% người dân là đồng bào DTTS, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tiên Yên đã ban hành Nghị quyết số 06- NQ/HU ngày 9/5/2022 về việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa huyện Tiên Yên giai đoạn 2022 – 2025. Đồng thời, huyện cũng xây dựng Chương trình hành động số 32-CTr/HU ngày 6/3/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về thực hiện Nghị quyết số 17 của Tỉnh ủy. Ngay sau khi Nghị quyết ban hành, huyện Tiên Yên đã tổ chức quán triệt cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, từ đó tạo sự đồng thuận trong tổ chức và triển khai thực hiện.
Đồng chí Hoàng Mạnh Hưng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tiên Yên cho biết: “Triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU hiệu quả đã tạo đòn bẩy quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của Tiên Yên cũng như làm tiền đề quan trọng để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 17 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Tiên Yên đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong việc bố trí nguồn lực hợp lý đầu tư cho phát triển văn hóa, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên và các giá trị văn hóa của cộng đồng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện phục vụ cho phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ. Trọng tâm là tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc theo hướng đa dạng, sinh động, sáng tạo, với các giải pháp khoa học, bài bản, kiên trì sát với thực tiễn từng thôn, từng dân tộc; tuyên truyền qua các mô hình hay, cách làm hiệu quả. Qua đó, góp phần nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa bản sắc các dân tộc trên địa bàn”.
Đa dạng các sản phẩm văn hóa, du lịch độc đáo
Cùng với tổ chức các lớp truyền bá văn hóa nghệ thuật truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, huyện Tiên Yên còn quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng các Trung tâm văn hóa thể thao cấp xã, nhà văn hóa thôn để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng cho người dân trên địa bàn. Huyện đã cân đối nguồn lực ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư xây mới 8 trung tâm văn hóa xã; xây mới 31 nhà văn hóa thôn, khu phố và cải tạo, sửa chữa 14 nhà văn hóa với tổng kinh phí 78,262 tỷ đồng. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ nhà văn hóa thôn, khu phố đạt chuẩn trên địa bàn đạt tỷ lệ trên 90%; hoàn thành lắp đặt bộ dụng cụ thể thao ngoài trời 11/11 xã, thị trấn, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Nghị quyết 17 thực sự đã đi vào cuộc sống của người dân Tiên Yên. Điều đó thể hiện qua nhiều sản phẩm văn hóa đặc sắc và ấn tượng với Nhân dân và du khách như: Tuần Văn hóa thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh. Các lễ hội mang đậm đà bản sắc văn hóa của dân tộc Tày, Sán Dìu, Dao, Sán Chỉ gắn với mùa vàng miền Soóng Cọ và chợ phiên Hà Lâu; phát triển du lịch cộng đồng tại xã vùng cao Đại Dực với quan điểm “thuận thiên, đa sắc”....
Hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật song hành cùng sự kiện chính trị, văn hóa xã hội với gần 200 tác phẩm thơ, văn; trên 1.000 tác phẩm ảnh nghệ thuật; trên 200 ca khúc, vùng đất và con người Tiên Yên được quảng bá và tỏa sáng rực rỡ. Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch hiệu quả giúp lượng khách du lịch đến với Tiên Yên tăng dần qua các năm. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, tổng lượt khách du lịch đến huyện ước đạt trên 116 nghìn lượt, vượt so với chỉ tiêu đề ra.
Việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 17 trong thời gian qua, đã góp phần làm chuyển biến nhận thức của cấp ủy, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong huyện về vị trí, tầm quan trọng của công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương; xây dựng được những nếp sống văn hoá mới, mối quan hệ hài hoà trong nhân dân các dân tộc, tăng cường khối đoàn kết giữa các dân tộc trên địa bàn; tạo tiền đề quan trọng để huyện phát huy các giá trị về bản sắc văn hóa đặc sắc, thiên nhiên tươi đẹp gắn với phát triển du lịch cộng đồng để quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người Tiên Yên đến với du khách trong và ngoài tỉnh.
Nghị quyết 17 đã đi vào cuộc sống như “làn gió” đổi mới, tích cực đến với người dân trên địa bàn toàn huyện mang đến cuộc sống ấm no, tinh thần hưởng thụ văn hóa lành mạnh cho người dân. Việc cụ thể hóa và triển khai hiệu quả các Nghị quyết bằng những cách làm sáng tạo, linh hoạt, riêng có của địa phương là cơ sở vững chắc để đến năm 2030, Tiên Yên sẽ sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện trở thành trung tâm văn hóa giàu bản sắc các dân tộc vùng Đông Bắc của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra.
Trần Hoàn (Trung tâm TT – VH TP Tiên Yên)
Liên kết website
Ý kiến ()