Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:37 (GMT +7)
Ổn định để phát triển - phát triển để ổn định Bài 2: Bình Phước - Tăng tốc phát triển và bài học từ các giải pháp đột phá
Thứ 7, 09/10/2021 | 12:35:21 [GMT +7] A A
Những quyết sách mang tính đột phá trong đường lối lãnh đạo về phát triển kinh tế đã mang về cho Bình Phước nhiều “trái ngọt” sau gần 25 năm tái lập. Từ một tỉnh nghèo, được coi là “vùng trũng” về nhiều lĩnh vực của cả nước, Bình Phước đã vươn lên mạnh mẽ. Đặc biệt, với chủ trương xây dựng nền kinh tế “mở”, kinh tế số, Bình Phước sẽ tiếp tục là điểm đến lý tưởng của nhiều nhà đầu tư với những dự án mang tính chất động lực, trở thành tỉnh công nghiệp, có quy mô kinh tế khá trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ.
Sự chuyển mình toàn diện và mạnh mẽ
Gần 25 năm sau ngày tái lập, từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp về kinh tế - xã hội, với những giải pháp mang tính quyết liệt và đồng bộ, Bình Phước đã có sự chuyển mình mạnh mẽ và toàn diện. Năm 1997, tỷ trọng nông - lâm - thủy sản của tỉnh chiếm 70%, công nghiệp - xây dựng chiếm 6,9%, dịch vụ 22,5% thì đến năm 2020, nông - lâm - thủy sản chỉ còn 21%, công nghiệp - xây dựng chiếm 40,5%, dịch vụ chiếm 37,6%. Hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển vượt bậc, nhất là đường giao thông, thông tin liên lạc và lưới điện quốc gia. Đến nay, toàn tỉnh có trên 500 tuyến đường, với chiều dài hơn 8.000km; trong đó, quốc lộ 13, 14 được nâng cấp, nhựa hóa đạt 100%, đường tỉnh quản lý nhựa hóa đạt gần 100%. Diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi. Hộ sử dụng điện đạt 99%.
Năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 7,51%, thuộc nhóm cao cả nước. Thu ngân sách 11.608 tỷ đồng, tăng hơn 62 lần so với năm đầu tái lập tỉnh. Chỉ số cải cách thủ tục hành chính xếp thứ 3/63 tỉnh, thành trong cả nước. Đấu thầu qua mạng đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 67,3 triệu đồng, gấp gần 26 lần so với năm đầu tái lập (năm 1997 chỉ đạt 2,6 triệu đồng/người).
Đặc biệt, năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống xã hội, nhưng Đảng bộ, chính quyền, dân và quân Bình Phước luôn đoàn kết, đồng sức, đồng lòng với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt. Qua đó đã kiểm soát tốt dịch bệnh, giữ vững đà tăng trưởng. 9 tháng qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh duy trì ở mức khá, ước đạt 6,7%. Thu hút đầu tư nước ngoài 58 dự án với số vốn đăng ký 105.050 tỷ đồng, tăng 8 lần về vốn so cùng kỳ năm 2020; thu hút đầu tư trong nước 90 dự án với số vốn 9.300 tỷ đồng, tăng 2,44 lần về số vốn đăng ký. Thu ngân sách 9 tháng ước đạt 8.817 tỷ đồng, tăng 38,1% so cùng kỳ năm 2020.
Bám sát đúng định hướng phát triển công nghiệp, hiện 8 khu công nghiệp (KCN) trong tỉnh đã được đầu tư hoàn chỉnh và đi vào hoạt động với tổng diện tích 1.194 ha. Tỉnh đã và đang thực hiện các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét mở rộng các KCN như: Minh Hưng III 577 ha, Bắc Đồng Phú 317 ha, Nam Đồng Phú 480 ha, Minh Hưng - Sikico 1.000 ha; bổ sung thêm quy hoạch mới KCN và dân cư Đồng Phú 6.317 ha và 3 KCN ở huyện Phú Riềng với diện tích 1.300 ha. Ngoài ra, Bình Phước còn có Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư tiếp giáp Vương quốc Campuchia, giao thông rất thuận lợi để kết nối sang Lào và Thái Lan với tổng diện tích trên 28.300 ha; trong đó, trên 3.500 ha khu trung tâm đã đưa vào hoạt động.
Quyết liệt với những giải pháp đột phá
Khát vọng và kỳ vọng đưa Bình Phước trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư là mong muốn chung của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong tỉnh. Ngày 15-9-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về “Tầm nhìn chiến lược phát triển tỉnh Bình Phước đến năm 2030, tầm nhìn 2050”.
Sau gần 25 năm tái lập, Tỉnh ủy Bình Phước đã nhiều lần ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Bình Phước xây dựng nghị quyết chuyên đề về chiến lược phát triển. Điểm đột phá trong nghị quyết này là tầm nhìn chiến lược mang tính khái quát cao, quyết tâm lớn; đồng thời thể hiện rõ khát vọng bứt phá trong mọi lĩnh vực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước.
Xác định 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm bản lề thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, năm với nhiều sự kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, để thực hiện khát vọng đưa Bình Phước trở thành “điểm đến hấp dẫn” trong khu vực, nhiều chủ trương, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh đã có những điều chỉnh, thích ứng với tình hình thực tế và mang tính đột phá, thể hiện quyết tâm cao. Đó là phương châm hành động “2 nhanh, 3 tốt”. Trong đó “2 nhanh” là nhanh giải phóng mặt bằng, nhanh thực hiện thủ tục đầu tư; “3 tốt” là chính sách tốt, hạ tầng tốt và tình cảm tốt…
Trên tinh thần trải thảm đỏ mời gọi nhà đầu tư, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh thu hút được 146 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký 1,44 tỷ USD, tăng 1,2 lần về số dự án và tăng 2,2 lần về số vốn đăng ký so với nhiệm kỳ trước. Nhiệm kỳ 2020-2025, Bình Phước phấn đấu thành lập 6.000 doanh nghiệp. Để làm được điều đó, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, tỉnh vẫn duy trì việc gặp mặt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo định kỳ và đẩy mạnh thu hút đầu tư bằng hình thức trực tuyến.
Giữ vững ổn định để chủ động phát triển
Sau hơn 1 năm vững vàng trước đại dịch, ngày 30-6, Bình Phước ghi nhận ca dương tính đầu tiên. Với quyết tâm “chống dịch như chống giặc” và để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, một nghị quyết đặc biệt, chưa có trong tiền lệ đã ra đời - Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 5-8-2021 về sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống diễn biến của dịch Covid-19. Nghị quyết là “kết tinh trí tuệ”, mang tính kịp thời và tinh thần chủ động của tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường khẳng định: “Cuộc chiến chống Covid-19 không còn là một trận đánh, nó đã trở thành một cuộc chiến và có thể kéo dài. Vì vậy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thống nhất rất cao và ban hành Nghị quyết số 05 nhằm đề ra các phương hướng lớn để chống dịch. Với việc ban hành và triển khai Nghị quyết số 05, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã có sự chuẩn bị cho cuộc chiến chống Covid-19 về lâu dài”.
Bình Phước đã kiểm soát dịch một cách chặt chẽ, nghiêm ngặt bằng các chốt kiểm soát vào tỉnh; hạn chế tối đa người, phương tiện từ vùng dịch, nơi đang thực hiện giãn cách xã hội về Bình Phước và phát huy tốt vai trò tổ covid cộng đồng. Công tác tiêm vắc xin phòng dịch được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng. Công tác kiểm soát biên giới và nội địa được thực hiện đồng bộ, kịp thời với những giải pháp “dĩ bất biến, ứng vạn biến” mang lại hiệu quả cao.
Có những lúc người dân, cán bộ, đảng viên cảm thấy ngột ngạt, cho rằng thận trọng quá mức, nhưng phải chấp nhận. Bởi Bình Phước biết mình là ai, năng lực và tiềm lực thế nào: kinh tế, ngân sách còn rất khó khăn, năng lực, nhân lực y tế còn yếu, Bình Phước lại rất gần Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh đang là tâm dịch. Và quan trọng hơn cả, Bình Phước biết mình cần ổn định để phát triển và dành mọi chi tiêu cho công tác phòng, chống dịch, đảm bảo sự an toàn cho tỉnh và mỗi người dân. Bình Phước kiên quyết không đánh đổi sự phát triển bằng sự an toàn, bởi có an toàn, mạnh khỏe mới có phát triển và chỉ “mở cửa trở lại” khi tự tin, đủ điều kiện. Bình Phước đã không cho phép bất cứ một sự lơ là, chủ quan nào trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Bởi kiểm soát tốt dịch Covid-19 để ổn định sẽ là động lực, là điều kiện để Bình Phước phát triển.
Theo Minh Nhâm - Tùng Sơn - Hoàng Thu - Minh Luận/Báo Bình Phước
Liên kết website
Ý kiến ()