Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:33 (GMT +7)
Phong phú đời sống văn hoá tinh thần
Thứ 6, 03/11/2023 | 16:32:29 [GMT +7] A A
Là huyện miền núi khó khăn của tỉnh nhưng những năm gần đây, đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Ba Chẽ không ngừng được nâng lên.
Những năm qua, nhiều thiết chế văn hóa, thể thao đã được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng ở khắp các thôn, xã trên địa bàn toàn huyện. Năm 2020, huyện Ba Chẽ xây dựng và khánh thành Nhà Truyền thống cộng đồng người Dao, xây dựng theo Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, gắn với phát triển du lịch cộng đồng”. Công trình được coi như nhà thờ tổ người Dao, nơi gắn kết cộng đồng người Dao không chỉ là điểm đến du lịch của các du khách muốn tìm hiểu về nét đẹp văn hóa mà còn là không gian sinh hoạt tinh thần thường xuyên của cộng đồng người Dao trên địa bàn.
Từ đầu năm đến nay, huyện đã giới thiệu đến du khách về đặc trưng văn hóa và nét đẹp trong trang phục, nghi lễ, tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa của các dân tộc của huyện Ba Chẽ. Ba Chẽ đã tổ chức 5 lễ hội truyền thống: Lễ hội đình Đồng Chức và Lễ xuống đồng (Lễ lồng tồng) tại xã Lương Mông; Lễ hội đình Làng Dạ tại xã Thanh Lâm; Lễ hội Miếu Ông - Miếu Bà xã Nam Sơn; Ngày hội Văn hoá dân tộc Sán Chay, Ngày hội Văn hóa dân tộc Tày lần thứ nhất, ngày hội Văn hóa-Thể thao các dân tộc huyện Ba Chẽ lần thứ V tại xã Đạp Thanh. Các lễ hội trên đều được tổ chức mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc và tín ngưỡng linh thiêng với những nội dung đặc sắc, thu hút đông đảo nhân dân đến tham quan, chiêm bái.
Các lễ hội, ngày hội của cộng đồng các dân tộc thiểu số đã phục dựng nhiều di sản văn hóa phi vật thể quý giá như: Lễ cầu mùa, lễ cưới, cấp sắc, điệu múa Tắc xình, hát Soóng cọ của người Sán Chay, không gian sinh hoạt truyền thống, nghi lễ Then cầu mùa, cầu an; lảu then, các nghề truyền thống, ẩm thực dân gian của người Tày v.v. Các Lễ hội, ngày hội trên đã thu hút trên 10.000 lượt người tham gia. Thông qua đó giới thiệu, quảng bá những nét đẹp văn hóa các dân tộc huyện Ba Chẽ tới du khách gần xa.
Cùng với các lễ hội, huyện Ba Chẽ còn tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hoá đặc sắc như: Trưng bày ảnh nghệ thuật “Vẻ đẹp mảnh đất, con người huyện Ba Chẽ” và hoạt động Hội Báo xuân, hoa xuân Quý Mão 2023, Hội thi “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, khơi dậy khát vọng xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”, Hội thi Họa mi vàng năm 2023 chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh, Liên hoan Tiếng hát khu dân cư huyện Ba Chẽ năm 2023.
Đó còn là các cuộc thi viết tìm hiểu “Quảng Ninh 60 năm xây dựng và phát triển”, Hội thi tìm hiểu “Quảng Ninh 60 năm xây dựng và phát triển” bằng hình thức sân khấu hóa, “Ngày hội Văn hoá thể thao Công nhân, viên chức, lao động” phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức chương trình nghệ thuật “Khát vọng Quảng Ninh”, đồng diễn dân vũ chào mừng kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam v.v. Tổng số đã có trên 35.000 lượt người dân tham gia hoạt động Văn hóa, thể thao, Lễ hội chào mừng 60 năm Ngày thành lập tỉnh và 77 năm Ngày thành lập huyện.
Để các phong tục tập quán của đồng bào duy trì, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã phối hợp thành lập, duy trì các câu lạc bộ (CLB) dân ca, dân vũ, thêu trang phục truyền thống. Đồng thời, cán bộ văn hóa huyện còn giúp các CLB sân khấu hóa các tiết mục thêm sinh động để giao lưu biểu diễn trong và ngoài tỉnh, mang lời ca, tiếng hát của quê hương Ba Chẽ lan tỏa hơn trong đời sống xã hội. Nhờ đó, đời sống tinh thần của bà con được quan tâm và nâng cao rõ rệt.
Ông Vũ Thành Long, Bí thư Huyện ủy, yêu cầu, trong thời gian tới, các phòng ban chuyên môn của huyện chuẩn bị tốt công tác chuẩn bị tổ chức Lễ hội Bàn vương, Lễ hội Trà hoa vàng gắn với Lễ công bố Quyết định huyện Ba Chẽ đạt chuẩn Nông thôn mới, quan tâm chăm lo, thực hiện đầy đủ chính sách an sinh xã hội.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()