Tất cả chuyên mục

Hồi đó tôi đang công tác ở Ty Giáo dục tỉnh Hải Ninh. Tôi không thể quên được cái không khí náo nức của thị xã Móng Cái khi nghe tin chính thức hợp nhất Hải Ninh - Hồng Quảng. Có lẽ với các cán bộ, công chức đang công tác ở các cơ quan nhà nước thuộc khu Hồng Quảng, việc hợp nhất có phần ít xao động hơn so với anh em chúng tôi ở Hải Ninh; bởi hợp nhất có nghĩa là toàn bộ các cơ quan, ban, ngành của tỉnh sẽ phải di chuyển vào Hòn Gai.
Và mặc dù đã được quán triệt rằng đây là sự “hợp nhất” chứ không phải “sáp nhập”, nhưng nhiều người vẫn thấy chẳng khác nhau là mấy. Không nói ra, nhưng cũng có một vài vị trưởng, phó ngành, đoàn thể, cơ quan v.v. nào đó thấy phấp phỏng, lo cho “cái ghế” của mình(!). Còn lại, không khí chung là náo nức; nhất là với anh chị em chuyên viên, vì hầu hết là người các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Thanh - Nghệ Tĩnh, nhất là những người ở Hồng Quảng, thì không giấu nổi niềm vui. Cũng dễ hiểu thôi, bởi nếu thủ phủ của tỉnh mới đặt ở Hòn Gai nghĩa là sẽ được gần gia đình, quê hương hơn, sẽ hết cảnh đợi tàu ba ngày một chuyến, có khi biển động do dông bão hay gió mùa, thì còn lâu hơn v.v. và v.v.
Ấy là nói về tâm trạng riêng tư một chút; nhưng “cái riêng tư” ấy không trở nên lạc lõng vì nó được hoà vào với không khí náo nức chung, hy vọng chung về một sự vững mạnh, phát triển đi lên cho cả hai địa phương nếu được hợp nhất. Tôi còn nhớ, sau khi kỳ họp Quốc hội năm ấy kết thúc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Ninh trở về, đồng chí Hoàng Chính, lúc ấy là Bí thư Tỉnh uỷ, cho họp ngay tất cả cán bộ các cơ quan thông báo những tin vui từ hai miền. Những “Gió Đại Phong”, “Sóng Duyên Hải”, “Cờ Ba Nhất”, “Tiếng Trống Bắc Lý”… đang giục giã. Hải Ninh, Hồng Quảng hợp nhất sẽ thành một tỉnh giàu đẹp, vững mạnh. Đồng chí bảo Trung ương đã ấn định, ngày 1-1-1964 phải hợp nhất xong. Vậy là chỉ còn non hai tháng nữa nên phải hết sức khẩn trương, các hoạt động nối tiếp, dồn dập: Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hải Ninh và Hồng Quảng họp bàn; sau đó đến Ban chấp hành, Hội đồng nhân dân hai tỉnh cùng tổ chức hội nghị… Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Tổ chức Trung ương chỉ đạo sát sao. Từ các kết quả hiệp thương, Trung ương ra các quyết định kịp thời. Đồng chí Nguyễn Thọ Chân, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Khu uỷ Hồng Quảng, nhận chức Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh. Đồng chí Hoàng Chính, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Ninh, nhận chức Chủ tịch UBHC tỉnh mới. Tiếp đó là các đoàn đại biểu hai bên gặp nhau, vừa thăm hỏi, giao lưu, vừa thống nhất lộ trình hợp nhất. Có thể nói, cả ở tỉnh Hải Ninh cũng như khu Hồng Quảng, các cơ quan, ban ngành v.v. đều hối hả hoàn tất công việc, tổng kết năm sớm hơn thường lệ. Ty Giáo dục Hải Ninh chúng tôi họp tổng kết năm, vừa náo nức vừa bùi ngùi chia tay mấy đồng chí cao tuổi nghỉ hưu sớm, mấy đồng chí gốc Hải Ninh không có điều kiện về Hòn Gai thì được điều xuống tăng cường cho ngành giáo dục các huyện… Chúng tôi nhanh chóng bao gói tài liệu, lặc lè mang vác cả giường, bàn, ghế v.v. xuống thuyền. Thuyền cập bến tàu Hòn Gai, anh chị em ở Ty Giáo dục Hồng Quảng (cũ) chờ sẵn cùng phụ giúp mang về cơ quan mới ở khu Dốc Học (phường Hồng Gai bây giờ). Đây nguyên là ngôi trường Tiểu học duy nhất của Hòn Gai thời thuộc Pháp, với hai tầng, bốn phòng học. Đón anh em ở Hải Ninh về, Ty Giáo dục Hồng Quảng đã dựng vội hai ngôi nhà lợp lá gồi…[links(right)]
Các cơ quan mới kiện toàn xong, mọi người hào hứng, chan hoà, không có những biểu hiện cục bộ địa phương như thường thấy ở nhiều nơi khác sau khi hợp nhất. Điều dễ thấy là phần lớn anh chị em từ hai phía đều là người các tỉnh hội tụ. “Khai trương” tên cơ quan mới với biển đề hai chữ Quảng Ninh xong thì cũng vừa áp tết; mọi người lại náo nức chuẩn bị đón xuân mới Nhâm Thìn. Tết năm ấy, thị xã Hòn Gai đông vui và có thêm pháo hoa của tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) tặng. (Hồi ấy thị trấn Đông Hưng và huyện Phòng Thành của nước bạn còn thuộc tỉnh Quảng Đông, chưa cắt về tỉnh Quảng Tây như bây giờ).
Đêm giao thừa Tết Nhâm Thìn, hai quả pháo hoa cực lớn, loại pháo cối xoay tròn toả sáng lung linh xuống dòng sông Cửa Lục. Tôi qua phà lững thững dạo trên đường Bãi Cháy, lòng bồi hồi khôn tả; vậy là giờ đây mình đã là công dân Quảng Ninh, một vùng đất giàu đẹp, với rừng vàng, biển bạc, với truyền thống công nhân mỏ anh hùng… Lại nhớ, 9 năm trước, năm 1955, khi ấy tôi còn du học ở nước bạn Trung Hoa; cũng tầm thời gian này, ngày 25-4, tôi và các bạn cùng lớp đã vô cùng rạo rực, chăm chú nghe, không để sót một lời nào chương trình phát thanh đặc biệt của Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật cuộc mít-tinh mừng Vùng mỏ giải phóng. Tôi vẫn không quên được lời văn vừa hào sảng, vừa bay bổng, tha thiết khi miêu tả không khi Vùng mỏ thời khắc ấy của nhà báo Thép Mới. Ai cũng ao ước ngày về nước sẽ được nhận công tác ở Vùng Mỏ. Nhưng rồi khi về nước, với tinh thần “Tam bất kỳ” (Đi bất cứ nơi nào, nhận bất cứ việc gì, với bất kỳ sự đãi ngộ nào) của tuổi trẻ, tôi đã nhận quyết định tới tỉnh Hải Ninh. Và nay, chính nhờ sự hợp nhất hai tỉnh đã cho tôi được về đúng nơi mình từng mơ ước… Ngẫm lại, thấy trong cái “bước ngoặt” của cả một vùng đất, có “bước ngoặt” của đời mình; trong cái vui chung của mọi người, có cái vui riêng của bản thân mình…
Tống Khắc Hài
(Còn nữa)
Kỳ sau: Bài 3: Đài Phát thanh và Báo Quảng Ninh ra đời.
Ý kiến ()