Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:26 (GMT +7)
Dự thi Giải Báo chí Búa liềm vàng tỉnh Quảng Ninh năm 2024 Kiên trì mục tiêu nhân dân hạnh phúc - Bài 2: Hưởng thụ thành quả
Thứ 5, 10/10/2024 | 05:21:50 [GMT +7] A A
Xác định lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, những năm qua tỉnh Quảng Ninh đã đề ra nhiều quyết sách đột phá phù hợp với thực tiễn địa phương nhằm nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân, trong đó việc bảo đảm an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội, giảm chênh lệch vùng miền được quan tâm hàng đầu. Chính nhờ những quyết sách này, Quảng Ninh đã và đang vươn lên trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp, một trong những trung tâm phát triển năng động toàn diện.
An sinh để an dân
Được sống trong những ngôi nhà vững chãi, xây dựng từ “ý Đảng, lòng dân” là ước mơ của bao người dân nghèo, giúp họ thêm vững tin vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Với gia đình bà Trần Thị Bích (thôn 4, xã Quảng Minh, huyện Hải Hà), có được ngôi nhà như vậy ở tuổi xế chiều là đã thỏa ước nguyện của một đời người.
Năm 2023, khi chương trình xóa nhà tạm, nhà ở dột nát được triển khai đồng loạt trên toàn tỉnh, gia đình bà Bích là một trong 32 hộ dân được huyện Hải Hà duyệt hỗ trợ xây mới nhà ở. Từ kinh phí của huyện, cùng sự hỗ trợ của các đoàn thể và bà con lối xóm, bà Bích đã có một ngôi nhà khang trang, kiên cố, không còn cảnh lo sợ mỗi khi bão gió, mưa lụt. Bà Bích tâm sự: Ngày về nhà mới, tôi vui đến nỗi không ngủ được. Hạnh phúc hiện hữu ngay chính tại ngôi nhà này, dù không lớn, nhưng vững chãi, ấm áp nghĩa tình.
Cùng chung niềm vui như bà Bích là hơn 500 hộ dân khác trên toàn tỉnh đã được an cư trong những ngôi nhà mới thông qua chính sách an sinh của tỉnh. Với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, toàn tỉnh đã huy động và tổ chức xây mới, sửa chữa 527 nhà ở (313 nhà xây mới, 214 nhà sửa chữa), với tổng số tiền, nguyên vật liệu, hiện vật và ngày công trị giá gần 38 tỷ đồng. Đến nay, Quảng Ninh là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước cơ bản hoàn thành xóa nhà tạm, nhà ở dột nát.
Với mục tiêu từng bước hiện thực hóa các chủ trương về nâng cao chất lượng sống, vì hạnh phúc của nhân dân, để người dân được hưởng các thành quả phát triển bao trùm, Quảng Ninh còn triển khai quyết liệt, có hiệu quả việc xây dựng nhà ở cho công nhân, lao động ngành Than, lao động trong KCN, nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp. Tháng 8/2022, tỉnh ban hành Đề án phát triển nhà ở cho công nhân, lao động ngành Than, lao động trong KCN, với tổng quỹ đất dành cho mục tiêu này là hơn 700ha.
Hiện đã có 3 dự án nhà ở xã hội với quy mô gần 4.000 căn hộ đang được triển khai xây dựng trên địa bàn TP Hạ Long và TX Quảng Yên. Ngoài ra còn có 10 dự án khác đã lập quy hoạch đô thị nằm trên địa bàn TP Hạ Long và TP Cẩm Phả. Dự kiến đến cuối năm 2025, toàn tỉnh sẽ có 8.600 căn nhà ở xã hội, lộ trình đến năm 2030 toàn tỉnh có trên 18.000 căn nhà ở xã hội phục vụ nhân dân, công nhân lao động, người thu nhập thấp trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng về chỗ ở trong nhân dân.
Khẳng định mục tiêu an sinh thông qua đề án nhà ở xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy nhấn mạnh: Đây là quyết tâm chính trị, nhiệm vụ quan trọng của tỉnh Quảng Ninh. Điều này không chỉ đồng hành cùng Chính phủ tạo ra 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân trong KCN, mà còn giải quyết nhu cầu nhà ở, tạo chỗ ở ổn định cho nhân dân, thể hiện đặc trưng, bản chất tốt đẹp vì nhân dân trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên để phát triển KT-XH.
Đặc biệt, với phương châm “không bỏ ai ở lại phía sau”, ngay sau khi cơn bão số 3 (Yagi) đi qua, tỉnh đã nhanh chóng ban hành các chính sách, biện pháp quan trọng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tái thiết sản xuất, ổn định cuộc sống. Theo đó, tại Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khóa XIV đã biểu quyết thống nhất ban hành các chính sách, dành hơn 1.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả bão số 3, mưa, lũ sau bão và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Cụ thể, Quảng Ninh hỗ trợ 100% học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp phổ thông đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ hộ gia đình có nhà ở bị đổ, sập, hư hỏng nặng không có khả năng khôi phục, cần phải xây mới với mức hỗ trợ 100 triệu đồng/hộ; hộ gia đình có nhà ở bị hư hỏng nặng mà phần còn lại không thể ở được thì được hỗ trợ chi phí sửa chữa nhà ở, với mức 50 triệu đồng/hộ. Đồng thời, hỗ trợ một phần chi phí trục vớt phương tiện sản xuất là tàu, thuyền đăng ký tại Quảng Ninh bị chìm do cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh với mức hỗ trợ 50 triệu đồng đối với phương tiện có chiều dài từ 12m trở lên, 15 triệu đồng đối với phương tiện có chiều dài 6-12m.
Ngoài sự quan tâm từ ngân sách, Quảng Ninh cũng đã tổ chức làm việc với các ngân hàng, đề nghị ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Trong đó, tập trung vào việc miễn, giảm lãi, khoanh, giãn, hoãn nợ cho các khách hàng đang vay; mở rộng đối tượng được hưởng thụ; hướng dẫn, đơn giản hóa các thủ tục; triển khai những chính sách cho vay mới với các hộ dân đang không có tài sản thế chấp, cho vay theo hình thức tín chấp.
"Dân thụ hưởng"
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, ngoài những chính sách chung của cả nước, tỉnh đã ban hành hàng chục chính sách riêng về an sinh, phúc lợi xã hội. Trong đó, giai đoạn 2020-2023, tổng chi cho an sinh, phúc lợi xã hội trên địa bàn tỉnh là hơn 7.400 tỷ đồng, tập trung vào các chính sách về việc làm, nhà ở, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, giáo dục, y tế, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, bảo hiểm, nâng cao đời sống của người cao tuổi, người neo đơn, khuyết tật, trẻ mồ côi...
Hướng tới mục tiêu để mỗi người dân đều được thụ hưởng thành quả của sự phát triển, những năm qua Quảng Ninh đã ban hành, triển khai hàng loạt nghị quyết về xây dựng chương trình nông thôn mới, cũng như về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; các chính sách về văn hóa, giáo dục, y tế, nhà ở, đất sản xuất trong triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.
Đáng chú ý, thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh đã dành khoảng 2.600 tỷ đồng để đầu tư cho người dân vùng khó phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh. Các chính sách hỗ trợ khác dành cho hộ nghèo, cận nghèo như: Cấp thẻ BHYT, hỗ trợ cước thuê bao điện thoại di động, khám chữa bệnh, học phí, điện sinh hoạt... cũng được tỉnh quan tâm, thực hiện đầy đủ.
Ngoài ra, tỉnh cũng phân bổ 457 tỷ đồng kinh phí tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học cho ngành giáo dục; dành 245 tỷ đồng kinh phí tăng cường cơ sở vật chất cho ngành y tế (giai đoạn 1); 277 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn. Từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên, tỉnh đã bố trí 745,5 tỷ đồng chi đầu tư công để đầu tư xây dựng 12 trường học chất lượng cao ở các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh...
Tỉnh cũng đã thực hiện kịp thời chính sách cấp thẻ BHYT miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi (đạt 99,8%); hỗ trợ chính sách đặc thù cho 6.218 lượt trẻ em theo Nghị quyết 21/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh với tổng số tiền 9,84 tỷ đồng; thực hiện hỗ trợ cho 2.000 lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh; bao phủ BHYT đạt 95,2%; số người tham gia BHXH đạt 43,2% so với lực lượng lao động.
Đến nay, Quảng Ninh đã hoàn thành đưa điện lưới quốc gia đến 100% thôn, bản vùng cao, vùng biên giới và các đảo có dân cư sinh sống. Mở rộng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên; công tác y tế có nhiều chuyển biến, số giường bệnh/vạn dân gấp đôi bình quân chung của cả nước. Nhờ đó, chất lượng đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên, chỉ số phát triển con người (HDI) của Quảng Ninh nằm trong nhóm 5 địa phương cao nhất cả nước.
Kiên trì mục tiêu “nhân dân hạnh phúc”, trong định hướng phát triển, tỉnh Quảng Ninh không ngừng phấn đấu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, phát huy bản sắc văn hóa, giữ vững QP-AN; để Quảng Ninh luôn là một vùng rộng lớn, yên bình, bền vững, trở thành một tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()