Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 14/01/2025 18:49 (GMT +7)
Quảng Ninh tạo sức bật từ Nghị quyết chuyển đổi số Bài 2: Đưa chuyển đổi số thành lợi thế cạnh tranh
Thứ 3, 03/10/2023 | 09:07:00 [GMT +7] A A
Với sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, Quảng Ninh đã thực hiện công tác chuyển đổi số toàn diện theo Nghị quyết 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy với quyết tâm cao, có lộ trình cụ thể, mục tiêu rõ ràng, sản phẩm cụ thể. Từ đó, trở thành một điểm sáng trên toàn quốc về chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực với tỷ lệ thanh toán trực tuyến qua cổng dịch vụ công quốc gia thuộc top đầu cả nước, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến toàn trình là một trong những địa phương đứng đầu cả nước, tỷ lệ số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cao nhất cả nước…
Nâng cao năng lực cạnh tranh từ chuyển đổi số
Ngày 29/6, tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với 2 dự án là: Nhà máy FECV Foxconn Quảng Ninh và Nhà máy FMMV Foxconn Quảng Ninh của Công ty Foxconn Singapore PTE LTD tại KCN Sông Khoai (thị xã Quảng Yên). Cả 2 dự án đều được cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ trong 12 giờ làm việc, kể từ thời điểm nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh Quảng Ninh (rút ngắn thời gian giải quyết 14 ngày làm việc so với quy định).
"Kỷ lục" này được thiết lập nhờ những nỗ lực của Quảng Ninh trong việc dày công xây dựng hạ tầng số, chuyển đổi số trong CCHC suốt thời gian qua. Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu về chỉ số cơ sở hạ tầng số tại Việt Nam. Cụ thể, tỉnh đã rất chú trọng đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng số để thúc đẩy nền sản xuất thông minh, phát triển kinh tế số, xã hội số. Trong đó, tỷ lệ hộ gia đình có kết nối cáp quang đạt 89,13% (trung bình cả nước đạt 75,39%). 100% xã, phường, thị trấn được triển khai Internet băng rộng. Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế Tier-3, hiện được phát triển theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây. Chỉ số hạ tầng số, hiện tỷ lệ dùng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của Quảng Ninh đạt khoảng 30%, cao hơn tỷ lệ trung bình của cả nước (20%).
Tỉnh đã rà soát, chuẩn hóa quy trình giải quyết các thủ tục hành chính; đối với các TTHC ban hành mới đủ điều kiện cung ứng dịch vụ công trực tuyến toàn trình, tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia; số hóa và ký số hồ sơ ngay từ khâu tiếp nhận, trả kết quả ký số cho người dân, doanh nghiệp.
Đến nay, toàn tỉnh đã cung cấp 1.231 dịch vụ công trực tuyến trong tổng số 1.280 thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành trên cổng dịch vụ công của tỉnh; trong đó có 1.034 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt 81 %); đã tích hợp, kết nối 1.244 dịch vụ công trực tuyến của các sở, ban, ngành lên Cổng Dịch vụ Công quốc gia. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã thu 5.151 triệu đồng phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính, trong đó thu qua các hình thức không dùng tiền mặt là 3.979 triệu đồng (đạt 77,3%), các Trung tâm Hành chính công cấp huyện đã thu 3.987 triệu đồng tiền phí, lệ phí giải quyết TTHC, trong đó thu qua các hình thức không dùng tiền mặt là 3.716 triệu đồng (đạt 93,2%).
Việc kết nối liên thông hệ thống Chính quyền điện tử tỉnh với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành Trung ương cũng được tỉnh tích cực thực hiện với kết quả đã kết nối được 11/18 cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quan trọng, nền tảng của quốc gia. 7/18 CSDL chưa thực hiện việc kết nối do các Bộ, ngành liên quan chưa có hướng dẫn chi tiết về cách thức kết nối và chia sẻ thông tin.
Hiện nay, việc xây dựng và vận hành chính quyền điện tử, tạo nền hành chính hiện đại với các thủ tục hành chính được giải quyết bằng quy trình điện tử, hồ sơ điện tử, dịch vụ công trực tuyến đến mức độ 3, mức độ 4 và dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; văn bản điện tử có chữ ký số đã giúp giảm được trung bình hơn 40%, tiết kiệm chi phí xã hội khoảng 70 tỷ đồng/năm. Đến nay, người dân, doanh nghiệp ngồi ở nhà cũng có thể thực hiện được các thủ tục hành chính đồng thời theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ. Đến nay, tỉnh đã tạo lập được kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin vững chắc, 100% số cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến xã tham gia vào hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh; hơn 98% số văn bản hành chính được gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh dưới dạng văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số; 100% thủ tục hành chính từ cấp tỉnh đến xã được chuẩn hóa theo quy trình ISO.
Những phát triển hạ tầng số đó đã giúp tỉnh có nhiều bước tiến mới trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Sở dĩ, khi một doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại Quảng Ninh sẽ được hỗ trợ tối đa về thủ tục hành chính như được được rút gọn thời gian, hồ sơ điện tử thay vì hồ sơ bản cứng gây mất thời gian di chuyển đi nộp. Hơn nữa, cơ quan chính quyền của tỉnh luôn hỗ trợ doanh nghiệp 24/24, bất kể là ngày nghỉ hay không.
Những bước đi vững vàng
Với sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, Quảng Ninh đã thực hiện công tác chuyển đổi số toàn diện theo Nghị quyết 09-NQ/TU và đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Điều này được thể hiện rõ qua xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số (DTI) năm 2022 các tỉnh, thành phố do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố vừa qua. Theo đó, với điểm số DTI đạt 0,7024 (tăng 0,2052 điểm so với năm 2021), Quảng Ninh đã vươn lên đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng chuyển đổi số năm 2022 ở nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tăng 4 bậc so với năm 2021.
Quảng Ninh đang đẩy mạnh chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực để nâng cao chất lượng tăng trưởng, chất lượng cuộc sống cũng như năng lực cạnh tranh của tỉnh. Hiện nay, ngành Du lịch triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh theo các nền tảng do Cục du lịch đã xây dựng như: nền tảng số hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số trong hoạt động du lịch như ứng dụng “Du lịch Việt Nam - Vietnam travel”; nền tảng “Quản trị và kinh doanh du lịch”; Thẻ du lịch thông minh... trên web http://nentangso.vietnamtourism.gov.vn... Ngành Giáo dục đã hoàn thành việc xây dựng CSDL ngành trên phần mềm quản lý trường học trực tuyến tại địa chỉ http://qlth.quangninh.edu.vn. Đến nay, hệ thống phần mềm đã thu thập được CSDL của toàn bộ học sinh, cán bộ, giáo viên các cấp trên địa bàn toàn tỉnh và được kết nối đồng bộ với CSDL ngành của Bộ GD&ĐT. 246 trường (188 trường THCS, 58 trường THPT) chiếm 60,4 % các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên có nội dung chuyển đổi số được lồng ghép, tích hợp trong chương trình giảng dạy của nhà trường và sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến; 88 trường, chiếm 21,62% cơ sở giáo dục phổ thông, thường xuyên có triển khai hệ thống quản lý học tập trực tuyến/hệ thống quản lý nội dung học tập trực tuyến. Tỷ lệ số hóa học liệu đạt trên 5%. 100% cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục sử dụng phần mềm để quản lý toàn diện học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị, tài chính, tài sản; 100% cơ sở giáo dục phổ thông, thường xuyên triển khai sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, số sách điện tử; triển khai thực hiện Quyết định số 4725/QĐ-BGDĐT đánh giá mức độ chuyển đổi số của đơn vị phấn đấu trên 70% đơn vị đạt mức độ 1, trên 30% đạt mức độ 2, 5% đạt Mức độ 3.
Ngành Y tế cũng đã thực hiện kết nối với 18 bệnh viện trung ương để thực hiện tư vấn, hỗ trợ chẩn đoán điều trị, hội chẩn từ xa cho người bệnh; triển khai kết nối đơn thuốc điện tử liên thông với hệ thống đơn thuốc Quốc gia, 170 cơ sở y tế đã thực hiện kê đơn và liên thông đơn thuốc hàng ngày lên hệ thống đơn thuốc quốc gia. Dữ liệu khám chữa bệnh tại các đơn vị y tế cũng đã được kết nối với cơ quan Bảo hiểm xã hội để thực hiện giám định bảo hiểm y tế, quản lý quá trình tham gia khám chữa bệnh của người bệnh tại các cơ sở y tế trong toàn quốc.
Đặc biệt, mục tiêu phát triển kinh tế số của Quảng Ninh đã đạt được những kết quả tích cực. Trước năm 2020, kinh tế số chỉ chiếm khoảng 3% trong GRDP của tỉnh. Năm 2021 con số này đã chiếm 5% GRDP, tiếp tục được nâng lên thành 8% vào năm 2022, dự kiến năm 2023 đạt 12% GRDP.
Tính đến thời điểm hiện tại, Sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh đang quảng bá, giới thiệu 198/334 sản phẩm. Số lượng khách truy cập từ đầu năm 2023 đến nay là khoảng 109.268 nghìn lượt truy cập. Số lượng đơn hàng trong 6 tháng đầu năm 2023 là 238 đơn. Sản phẩm bán chạy gồm: Trà hoa vàng (ba chẽ), ruốc hàu, miến dong Bình Liêu, nước mắm sá sùng...
Đối với việc thí điểm triển khai mô hình chợ 4.0, đã có 13/13 địa phương đã triển khai thực hiện. Một số chợ đã đạt được những quả nhất định như: Chợ Cẩm Đông, Cẩm Phả có 322/345 điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt đạt 93,33%; Chợ Trung tâm Uông Bí ký mở tài khoản và mã QR Code cho 499 hộ kinh doanh; Chợ Cái Rồng, Vân Đồn đã mở 353/381 tài khoản cho các hộ kinh doanh đạt 92%; Chợ Trung tâm Tiên Yên đã đáng ứng đã hạ tầng và sẵn sàng cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt cho 100% hộ kinh doanh. TP Hạ Long có 80% các hộ kinh doanh trong chợ, 98% các cửa hàng tiện dụng, Trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn thành phố thanh toán không dùng tiền mặt bằng mã QR thông qua các ngân hàng. Chị Phùng Thanh Huyền, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, chia sẻ: “Tôi đi du lịch Hạ Long mà thấy rất thuận tiện. Đến bà bán quán nước cũng có mã QR để thanh toán nên khách du lịch không cần phải mang theo ví tiền, túi xách để mà phải lo giữ đồ. Giờ chúng tôi chỉ cần mang theo điện thoại và thoải mái tận hưởng kỳ nghỉ thôi”.
Đến nay, 99,2% số thu ngân sách nhà nước (thuế, phí, lệ phí) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng đã đã thực hiện phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; 86,2% số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền điện bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Tỉnh cũng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán dịch vụ công: đã thực hiện rà soát 51.396/56.883 đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn, trong đó 9.843 đối tượng đã có tài khoản, số đối tượng được chi trả qua tài khoản 8.095 người với số tiền 12 tỷ đồng.
Những kết quả này chính là nền móng vững chắc được xây dựng từ sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Qua đó, đưa tỉnh Quảng Ninh bước đi vững vàng để trở thành tỉnh đi đầu trong chuyển đổi số toàn diện, góp phần xây dựng Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()