Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 09:27 (GMT +7)
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Tầm chiến lược, khát vọng phát triển Bài 2: Ưu tiên nguồn lực đầu tư trọng điểm
Thứ 2, 02/09/2024 | 11:00:49 [GMT +7] A A
“Một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực” đó là định hướng không gian phát triển của Quảng Ninh được tỉnh kiên trì thực hiện trong khoảng 10 năm trở lại đây. Định hướng này tiếp tục được Quảng Ninh theo đuổi, làm rõ tại Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quảng Ninh đang dành ưu tiên nguồn lực đầu tư, kiến tạo không gian phát triển.
Phát triển “tâm” và “tuyến” theo quy hoạch
Quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về xây dựng quy hoạch và tổ chức không gian phát triển của quốc gia; bám sát Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050… Quảng Ninh đã nhận diện tiềm năng, lợi thế của địa phương, kiên trì thực hiện không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”, kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, hướng tới xây dựng thành thành phố trực thuộc trung ương và thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, bảo đảm các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh.
Theo đó, “tâm” là TP Hạ Long, trung tâm chính trị - hành chính - kinh tế - văn hóa của tỉnh; phát triển đô thị theo mô hình đa cực, lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, mở rộng đô thị về phía Bắc. Hai tuyến bao gồm: Tuyến hành lang phía Tây xuất phát từ Hạ Long đến Đông Triều hướng tới đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội, được định hướng phát triển chuỗi đô thị - công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao và du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh. Trong đó, KKT ven biển Quảng Yên là "hạt nhân", động lực tăng trưởng mới của tuyến phía Tây và của tỉnh, phát triển theo mô hình “Thành phố thông minh” với các khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị - cảng biển thông minh, hiện đại, trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao. Còn hành lang tuyến phía Đông xuất phát từ Hạ Long đến Móng Cái và hướng tới thị trường Đông Bắc Á; phát triển chuỗi đô thị sinh thái - dịch vụ, thương mại, du lịch tổng hợp cao cấp, nông nghiệp sạch - công nghệ cao và kinh tế biển; lấy phát triển công nghiệp để dẫn dắt nông nghiệp.
Để thúc đẩy sớm hình thành các “tâm” và “tuyến” theo quy hoạch, Quảng Ninh kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng. Đồng thời, phân công và hợp tác lãnh thổ, bảo đảm các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh từng địa phương của tỉnh đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với tam giác động lực phía Bắc, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng Sông Hồng được phát huy tối đa, bổ sung cho nhau, cùng phát triển. Trên cơ sở đó, quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn lực đất đai, tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, tài nguyên rừng, tài nguyên biển cho mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 7 thành phố: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái - Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn và tái lập TX Tiên Yên.
TP Hạ Long có vị trí địa lý kinh tế đặc biệt, là “tâm” trong định hướng không gian phát triển của Quảng Ninh. Cũng bởi vai trò đặc biệt quan trọng này, trong Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hạ Long được định hướng phát triển theo mô hình đô thị thông minh, phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh của tỉnh...
Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP Hạ Long, cho biết: Ngay khi tiếp nhận Quy hoạch, thành phố công bố công khai đồ án Quy hoạch theo quy định, ban hành các kế hoạch, quyết định, lập và trình UBND tỉnh phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu, chương trình phát triển đô thị, quy chế quản lý kiến trúc và đẩy mạnh đầu tư các tuyến giao thông huyết mạch, kết nối tạo động lực phát triển.
Kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, TP Hạ Long ưu tiên nguồn lực để triển khai đầu tư trên 60 dự án, công trình với tổng mức đầu tư trên 4.000 tỷ đồng để phát triển hạ tầng, nhất là giao thông, văn hóa, giáo dục, nước sạch… tại các xã miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Theo kế hoạch đến năm 2025, có thêm hàng chục dự án, công trình mới triển khai, nhằm tạo động lực, mở rộng không gian phát triển cho Hạ Long.
Hạ Long hôm nay phát triển mạnh mẽ của hạ tầng đô thị, có thể hình dung không gian, mô hình cấu trúc theo hướng đa cực với vai trò trung tâm kết nối của vịnh Cửa Lục. Với sự ưu tiên, quan tâm của tỉnh, các cầu Tình Yêu, Bình Minh là điểm nối mấu chốt, khép kín không gian của vịnh Cửa Lục đã hình thành. Các tuyến đường bao quanh vịnh đang từng bước được đồng bộ hóa, đầu tư dứt điểm với mục tiêu tạo không gian phát triển mới. Khu vực quanh vịnh được chỉnh trang đô thị, triển khai nhiều dự án đầu tư mới nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất theo hướng phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Khu vực Vịnh Hạ Long, đang từng bước kết nối không gian gắn với Vịnh Bái Tử Long, Vịnh Lan Hạ, đảo Cát Bà. Vùng phía Đông, đã hình thành các trung tâm hành chính - chính trị với các trụ sở cơ quan hành chính quan trọng của tỉnh; vùng phía Tây là không gian mới của đô thị, dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí quốc tế… với hàng loạt các dự án đô thị mới có giá trị hàng tỷ USD do các tập đoàn hàng đầu Việt Nam đảm nhận như: Vingroup, Sun Group, BIM Group và Tập đoàn Tuần Châu đã và đang đầu tư xây dựng. Từ đó, đưa khu vực phía Tây của TP Hạ Long trở thành không gian sống hiện đại, chất lượng cao.
Và cuối cùng là vùng đồi núi phía Bắc được định hướng với các chức năng bảo tồn sinh thái, sản xuất nông, lâm nghiệp, du lịch sinh thái cộng đồng cũng đang dần hình thành khi thành phố đang tập trung nguồn lực ưu tiên phát triển đồng loạt các tuyến đường kết nối mới vùng thấp với vùng cao như đường nối Sơn Dương đến Đồng Sơn, Đồng Lâm và chuẩn bị triển khai đến Kỳ Thượng. Việc ưu tiên đầu tư này không chỉ tạo điều kiện để khu vực phía Bắc của Hạ Long phát triển, nhân dân vùng cao cải thiện đời sống mà còn góp phần quan trọng trong thu hút đầu tư, phát huy dư địa đất đai vốn đang còn nhiều tiềm năng.
Có thể thấy, với chiến lược riêng để phát triển, mở rộng không gian, vai trò “Tâm” của TP Hạ Long đã từng bước được hình thành, Quy hoạch không chỉ giúp thành phố giải bài toán về phân bố không gian cho những mục tiêu phát triển, mà còn tháo gỡ những điểm nghẽn cơ bản về dư địa đất đai, quá tải hạ tầng kỹ thuật và thiếu đồng bộ của hạ tầng giao thông vốn là điểm nghẽn của 2 địa phương Hạ Long - Hoành Bồ trước khi sáp nhập.
Động lực mới phát triển phía Tây
Nhìn lại những năm về trước, khu vực phía Tây của tỉnh có rất nhiều "điểm nghẽn" hạn chế phát triển KT-XH. TX Quảng Yên vốn sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế, là trung tâm kết nối vùng, đô thị ven biển với trên 200 năm xây dựng và phát triển nhưng cơ hội phát triển ít vì khi có tuyến giao thông chính là Quốc lộ 18 qua địa phương ngắn, nằm xa trung tâm. Hạ tầng giao thông đơn sơ kết nối với khu vực bằng các tuyến tỉnh lộ nhỏ hẹp, xuống cấp và hệ thống phà lạc hậu, mất nhiều thời gian di chuyển. Điều này đã kìm hãm kinh tế khu vực phát triển, thiếu tính hấp dẫn trong thu hút đầu tư.
Xuất phát từ yêu cầu thực tế cho định hướng phát triển mới, bám sát các quy hoạch, tổ chức không gian lãnh thổ của tỉnh, cụ thể hóa quy hoạch xây dựng khu vực phía Tây trở thành cửa ngõ, trung tâm kinh tế, trung tâm cảng biển, du lịch văn hóa - tâm linh… Quảng Ninh đã ưu tiên đầu tư cho khu vực này với kỳ vọng tạo động lực phát triển, đầu tàu kinh tế, tăng trưởng của tỉnh.
Theo đó, ngay sau khi cầu Bạch Đằng, trục cao tốc dọc tỉnh hình thành, chọn Quảng Yên là cửa ngõ mới của tỉnh, Quảng Ninh đã ưu tiên nguồn lực để đầu tư chuỗi hạ tầng giao thông mới kết nối khu vực phía Tây, như: Các nút giao Đầm Nhà Mạc, Hạ Long Xanh, tuyến đường ven sông nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với TX Đông Triều, đồng hành cùng TP Hải Phòng xây dựng cầu Bến Rừng, Lại Xuân thay cho phương thức vận chuyển bằng phà trước đây. Đây là những công trình mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là động lực tạo ra sự đột phá về thu hút đầu tư, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Với tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn, chủ động nắm bắt các cơ hội, tiềm năng, lợi thế riêng có… việc Quảng Ninh ưu tiên đầu tư cho khu vực phía Tây đã biến khu vực rộng lớn, sở hữu nhiều tiềm năng này phát triển mạnh mẽ, sở hữu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Hạ tầng giao thông được đầu tư đã đưa khu vực trở thành trung tâm kết nối vùng, các công trình giao thông đã trở thành những tuyến đường “xương sống”, huyết mạch nhất dẫn dắt các nhà đầu tư vào đia bàn. Đây cũng là khu vực sở hữu nhiều KCN nhiều nhất tỉnh tới thời điểm này với hơn 100 nhà đầu tư thứ cấp đến từ 13 quốc gia hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện "làn sóng" đầu tư về khu vực phía Tây của tỉnh vẫn tiếp tục tăng cao với nhiều dự án triệu đô.
Cùng với việc sở hữu vị trí địa lý trung tâm, nằm trong hành lang kinh tế phát triển của miền Bắc Việt Nam khi kết nối kinh tế, thương mại, dịch vụ với các KKT ven biển như Vân Đồn, Cát Hải, Thái Bình và các trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo như Bắc Ninh, Bắc Giang... thì việc quan tâm, đầu tư hạ tầng, ưu tiên phát triển cho tuyến phía Tây cũng là điệu kiện quan trọng để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bổ sung KKT ven biển Quảng Yên diện tích 13.303ha, bao gồm các khu đô thị phức hợp, công nghiệp, công nghệ cao tại TP Uông Bí và TX Quảng Yên vào các KKT ven biển Việt Nam; động lực để TX Đông Triều xây dựng trở thành thành phố thứ 5 của tỉnh; trở thành điểm nối quan trọng của trục cao tốc phía Đông kết nối hàng loạt KCN, các đô thị, trung tâm nối liền 3 sân bay quốc tế (Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn) và hệ thống các cảng biển quốc tế, tạo ra một vùng kinh tế rộng lớn.
Việc ưu tiên đầu tư, phát triển tuyến phía Tây của tỉnh còn góp phần quan trọng trong phát huy dư địa đất đai, kiến tạo cảnh quan - kiến trúc công trình mang dấu ấn bản sắc địa phương để phục vụ cho phát triển du lịch khi kết nối các quần thể di tích, danh thắng Yên Tử, Nhà Trần, làm cơ sở để UNESCO công nhận quần thể di tích danh thắng Yên Tử là di sản thế giới, di sản thế giới thứ 2 tỉnh Quảng Ninh sở hữu...
Với xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ từ các chuỗi giá trị toàn cầu, quy hoạch hội tụ đầy đủ trí tuệ, khát vọng phát triển, sự chủ động, đi trước đón đầu của tỉnh, thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược..., các định hướng trong một tổng thể phát triển dài hạn từ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang giúp Quảng Ninh loại bỏ cách làm manh mún, cục bộ và tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển, xây dựng thương hiệu, để trở thành cực tăng trưởng toàn diện của khu vực phía Bắc.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()