Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:30 (GMT +7)
Bài 2: Áp lực việc làm và thu nhập của thợ mỏ
Thứ 7, 29/10/2016 | 04:37:30 [GMT +7] A A
Do phải cắt giảm mạnh về sản lượng nên việc làm, thu nhập của trên 80.000 thợ mỏ giảm sút mạnh. Thu nhập thấp không đảm bảo cuộc sống đã khiến cho không chỉ thợ lò mà ngay cả các kỹ sư mỏ đã phải đơn phương xin chấm dứt hợp đồng lao động đang là bài toán mà ngành Than cần sớm giải quyết.[links()]
Lắp đặt hệ thống băng tải trong đường lò tuynel tây Khe Sim vận tải than từ Lép Mỹ (Than Quang Hanh) ra cảng Km6 Cẩm Phả. Ảnh: Dương Phượng Đại (CTV) |
Thợ mỏ thiếu việc
Sau khi thực hiện tái cơ cấu giai đoạn I, đến nay trên địa bàn tỉnh có 18 đơn vị khai thác than, 2 đơn vị chuyên đào lò cơ bản và gần 10 đơn vị chuyên về chế biến, tiêu thụ than. Tổng số lao động trong ngành than khoảng trên 80.000 người (giảm 8.000 người so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, nam công nhân chiếm gần 80% lao động. Họ đều là những trụ cột, những lao động chính trong gia đình. Tuy nhiên, đứng trước những khó khăn chung trong giai đoạn hiện nay, để cân bằng giữa sản xuất và tiêu thụ, phần lớn các công ty ngành than đều phải cắt giảm chi phí và giãn sản xuất, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của những gia đình thợ mỏ.
Một công nhân làm tại Phân xưởng sửa chữa, Công ty Than Cọc Sáu than thở: Ít việc, lương thấp, không đủ để trang trải cuộc sống đang là nỗi lo thường trực của nhiều công nhân mỏ. Như tôi, thợ sửa chữa có tay nghề, có kinh nghiệm mà lương tháng 9 vừa rồi cũng chỉ được 2 triệu đồng/tháng. Và nghe nói, lương tháng 10 có thể còn thấp hơn nữa. Tiền lương không đủ nuôi thân chứ nói gì đến nuôi vợ, nuôi con... Nếu muốn biết kỹ hơn, nhà báo đến các khu nhà trọ mà công nhân thuê ở vì họ còn phải mất tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước vẫn phải tính giá cao thì sẽ hiểu hơn khó khăn mà những người thợ mỏ đang phải trải qua.
Quả vậy, tận mắt chứng kiến điều kiện sinh hoạt của một vài gia đình thợ mỏ tại những khu nhà trọ, chúng tôi cảm nhận được phần nào cuộc sống nhiều lo toan vất vả của họ. Trong phòng trọ rộng chừng 14m2 (khu Nam Thạch, phường Cẩm Thạch, TP Cẩm Phả), chị Hoàng Thị Bến, quê ở Thái Bình, cho biết: “Chồng em trước làm thợ lò tận trong Mông Dương nên đi lại hơi xa và vất vả. Năm ngoái, chồng em xin chuyển về làm thợ lò ở Công ty Than Quang Hanh thì việc đi lại thuận tiện hơn. Nhưng mà tiền lương thợ lò giờ cũng thấp lắm, chỉ trên 7 triệu đồng/tháng. Con em còn nhỏ chưa đi gửi để đi làm thêm được nên tất cả mọi chi tiêu đều trông chờ vào tiền lương của chồng thôi chị ạ. Không đủ chi tiêu nên vợ chồng em đang tính, em đưa con về quê ở tạm nhà ông bà nội để chồng em chuyển vào khu tập thể của Công ty cho đỡ tiền thuê nhà, điện, nước giá cao (hiện nay, các đơn vị ngành Than mới chỉ có nhà cho công nhân độc thân, chưa có các khu dành cho gia đình thợ mỏ). Vợ chồng, con cái lại phải cách xa, chờ qua giai đoạn khó khăn này vậy”. Chúng tôi dường như cảm nhận thấy nỗi lo trong mắt của chị Bến khi ôm đứa con nhỏ vào lòng.
Lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống gia đình, không chỉ thợ lò mà ngay cả những kỹ sư giỏi đang công tác tại các đơn vị thành viên cũng phải ngậm ngùi nộp đơn xin thanh lý hợp đồng lao động. Không chỉ riêng gia đình những người thợ mỏ mà nhiều tiểu thương, những người buôn bán đều tỏ ra rất lo lắng nếu tình trạng này không sớm được khắc phục sẽ làm cho việc kinh doanh, buôn bán của họ ngày càng khó khăn hơn.
Và những giải pháp tình thế
Cắt giảm sản xuất, cắt giảm chi tiêu đã khiến việc làm, thu nhập và đời sống của trên 80.000 người lao động trong ngành Than bị giảm sút mạnh đã gây tác động không nhỏ tới ổn định ANTT, an sinh xã hội trên địa bàn.
Khai thác than tại Công ty Than Cao Sơn. |
Do lượng than tồn tăng đột biến ngoài dự kiến, Tập đoàn phải điều chỉnh sản lượng than sản xuất năm 2016 xuống 32,7 triệu tấn (kế hoạch là 36 triệu tấn), giảm 3 triệu tấn so với năm 2015. Hiện nay ngành Than đang đối mặt với những khó khăn lớn về sản xuất do đầu ra của hòn than phải cạnh tranh với than nhập khẩu có giá thành thấp hơn. Nếu năm 2011, Tập đoàn đạt sản lượng và hiệu quả kinh doanh cao nhất với lượng than tiêu thụ là 44,7 triệu tấn, lợi nhuận 8.600 tỷ đồng thì từ năm 2012-2015 sản lượng tiêu thụ chỉ còn trên dưới 35 triệu tấn mỗi năm. Riêng thực hiện 9 tháng năm 2016, các chỉ tiêu sản lượng, doanh thu, lợi nhuận đều giảm so với cùng kỳ năm trước và kế hoạch đầu năm đã cân đối. Tập đoàn đã khai thác được 26,7 triệu tấn than, tiêu thụ được 25,5 triệu tấn. Lợi nhuận toàn Tập đoàn ước đạt 300 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt khoảng 8 triệu đồng/người/tháng, giảm 10% so với năm 2015. Trước tình hình đó, ngành Than đã phải chủ động điều chỉnh giảm sản lượng sản xuất để duy trì mức tồn kho hợp lý, đồng thời cân đối việc làm cho thợ mỏ và đảm bảo sản xuất kinh doanh có hiệu quả ở mức tối thiểu. Tập đoàn đã áp dụng nhiều biện pháp quản lý như tăng cường tiết kiệm để giảm giá thành. So với cùng kỳ năm 2015, giá thành bình quân của 1 tấn than đã giảm 1,5%, tiết giảm chi phí khoảng 6%, lao động giảm trên 8.000 người...
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Ngọc Cơ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn, cho biết: Có những thời điểm, sản xuất than không có lãi nhưng để đảm bảo việc làm và thu nhập cho thợ mỏ, Tập đoàn vẫn phải cân đối và duy trì sản xuất. Lãnh đạo Tập đoàn đang nỗ lực cao nhất trong điều hành để duy trì việc làm cho người lao động như pha trộn than hợp lý giữa các vùng theo nhu cầu than của thị trường, điều chỉnh sản lượng khai thác hợp lý theo từng loại than... Tại thị trường trong nước, loại than cám 6a1 Hòn Gai, Cẩm Phả đang được các nhà sử dụng lựa chọn và tiêu thụ nhiều. Trong khi đó, loại than khu vực Vàng Danh, Mạo Khê (miền Tây) thì thị trường nội địa lại ít có nhu cầu hơn do đặc tính lưu huỳnh cao hơn, chất bốc thấp nên bị tồn kho lớn. Vì thế, TKV đã phải nhập khẩu một phần than anthraxit, chất bốc cao (10-15%) để chế biến, pha trộn với một số loại than đang tồn lớn để cung cấp cho các hộ tiêu thụ nhằm giảm tồn kho ở khu vực miền Tây, ổn định sản xuất, việc làm, thu nhập cho thợ mỏ và an sinh xã hội khu vực này.
Trên thực tế, trải qua nhiều thăng trầm, đây cũng không phải là lần đầu tiên ngành Than gặp khó khăn nhưng có lẽ đây là đợt khó khăn gay gắt và kéo dài nhất. Nhưng tôi tin, thợ mỏ chúng tôi sẽ đồng tâm, vững vàng vượt qua khó khăn này cùng với sự trợ lực của các cấp, ngành và nhân dân Quảng Ninh.
Tuy nhiên, để ngành Than vượt qua khó khăn trước mắt, đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho 8 vạn thợ mỏ và trở thành Tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, năng động, đảm trách tốt vai trò trụ cột an ninh năng lượng quốc gia thì rất cần sự đồng bộ trong chính sách quản lý ở tầm vĩ mô.
Lê Hải
Bài 3: Bài toán cân đối từ chính sách vĩ mô
Liên kết website
Ý kiến ()