Tất cả chuyên mục

Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, Quảng Ninh chỉ có duy nhất một nhà văn Vi Huyền Đắc. Trong kháng chiến chống Pháp cho đến ngày Vùng mỏ giải phóng, Quảng Ninh cũng chỉ có duy nhất một nhà văn Võ Huy Tâm.
Sau ngày hoà bình lập lại, giáo dục phát triển, dân trí nâng cao dần, Khu công nghiệp mỏ hội tụ nhiều cán bộ và công nhân kỹ thuật. Những năm 1968-1970, nhiều nhà văn lớn, nhiều hoạ sĩ v.v.. về thâm nhập thực tế để vừa sáng tác vừa đào tạo các văn nghệ sĩ trẻ cho Vùng mỏ, tạo nên một không khí sáng tác văn chương, hội hoạ sôi nổi, hình thành những nhóm tác giả ở Cẩm Phả, ở Uông Bí, ở Trường trung cấp mỏ, ở Báo Quảng Ninh v.v.. Hiện thực hào hùng và quyết liệt những năm chống máy bay Mỹ đánh phá huỷ diệt tạo nên những xúc động mạnh, những đề tài mới. Đội ngũ sáng tác ngày càng đông, điều kiện đã chín muồi, giữa năm 1968, Ban vận động thành lập Hội Văn nghệ hoạt động tích cực. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ra nghị quyết và UBHC tỉnh ra quyết định (ngày 8-9-1969) thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh (gọi tắt là Hội Văn Nghệ Quảng Ninh).
Từ 25 đến 27-9-1969, Đại hội lần thứ nhất để thành lập Hội đã diễn ra trọng thể, 110 văn nghệ sĩ tham dự. Từ đây, giới sáng tạo nghệ thuật có một ngôi nhà chung, được Đảng bộ, chính quyền tỉnh luôn quan tâm chăm lo, giúp đỡ. Các văn nghệ sĩ Quảng Ninh đã bám sát thực tiễn sôi động, nhiều người đã tạo được phong cách riêng... Các cây bút văn học tạo nên một loạt hình tượng sinh động về đề tài công nghiệp, về giai cấp công nhân. Các hoạ sĩ, mà phần lớn là công nhân, làm nên một phong trào hội hoạ sôi nổi gây ngỡ ngàng giới mỹ thuật cả nước. Lần lượt định hình các tác giả truyện ngắn, hội hoạ, điêu khắc, sân khấu, nhiếp ảnh, thơ ca, kiến trúc, tiểu thuyết, điện ảnh… với những giải thưởng lớn. Hội Văn nghệ Quảng Ninh dần lớn mạnh, được Nhà nước tặng thưởng ba Huân chương Lao Động hạng Nhất, Nhì, Ba và năm 2004 được thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba.
Suốt 44 năm, các thế hệ văn nghệ sĩ Quảng Ninh đã không ngừng kế tục, ngày càng đông đảo. Hiện nay với trên 550 hội viên (trong đó gần 150 người là hội viên các hội Trung ương), sinh hoạt trong 11 chi hội chuyên ngành và 6 hội địa phương. Nhiều hoạt động của Hội có tính sáng tạo và liên tục lan toả, như các trại sáng tác và các chuyến đi, giải thưởng Văn nghệ Hạ Long và các cuộc thi, 26 lần tổ chức Ngày Thơ Quảng Ninh, 5 năm qua gần đây còn có khai bút đầu xuân… Cơ quan ngôn luận của Hội là báo Hạ Long đã có một bề dày lịch sử; khởi đầu là các tập sáng tác không định kỳ (Hương Sen, Mùa Thu, Sức Lửa…); từ tháng 4-1972, giữa rừng sâu nơi sơ tán, tạp chí Người Vùng Mỏ (64 trang, khổ 19x27cm) phát hành ổn định 3 tháng, rồi 2 tháng một kỳ. Để kịp thời hơn nữa, sau 70 số Người Vùng Mỏ, từ tháng 7-1987, báo Hạ Long ra đời hàng tháng. Năm 1995 chuyển thành Văn nghệ Hạ Long, năm 2001 lấy lại tên Hạ Long và ra mỗi tháng 2 kỳ cho đến nay.
Có thể nói, tuy còn một số bộ môn chưa mạnh, một số chuyên ngành tiến chậm và không tránh khỏi những tác giả chững lại, nhưng nhìn một cách tổng thể, Quảng Ninh đã có một đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo và vững mạnh mà không dễ địa phương nào cũng có được. Đây là tinh hoa, là kết quả của hội tụ và lan toả trên vùng đất Quảng Ninh kỳ diệu về vị trí, địa hình và tài nguyên, về lịch sử và văn hoá xã hội, về chính trị, kinh tế và sức sáng tạo.
Tống Khắc Hài
Bài 1: Chuyện Bác Hồ đặt tên cho tỉnh
Bài 2: Náo nức những ngày hợp nhất
Bài 3: Đài Truyền thanh Quảng Ninh và Báo Quảng Ninh ra đời
Bài 4: Quảng Ninh - Những lần đón Bác về thăm
Bài 5: Quảng Ninh và phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng”
Bài 6: Âm vang chiến thắng trận đầu 5-8-1964
Bài 7: 1.500 ngày đêm và những con số đáng nhớ
Bài 8: Ngọc Vừng - Chiến công toả sáng
Bài 10: Những năm khó khăn 1980-1981 và phương châm "4 chế độ - 5 công khai"
Ý kiến ()