Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 14/01/2025 18:36 (GMT +7)
Quảng Ninh tạo sức bật từ Nghị quyết chuyển đổi số Bài 1: Từ chủ trương của Đảng đến thực tiễn cuộc sống
Thứ 2, 02/10/2023 | 10:22:00 [GMT +7] A A
Chuyển đổi số là một xu thế tất yếu khách quan diễn ra toàn diện trong mọi lĩnh vực và trên phạm vi toàn cầu trong giai đoạn hiện nay. Đón bắt xu thế đó, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thực hiện chủ trương của Đảng, ngày 05/02/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu trở hành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, cho biết: Nghị quyết số 09 NQ/TU ngày 5/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được xây dựng nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt rõ mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể của nền kinh tế giai đoạn 2020 – 2025, kinh tế số sẽ chiếm 20% GDP và khoảng 30% GDP vào năm 2030. Đồng thời, nhằm thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.
Trước khi ban hành Nghị quyết, Quảng Ninh cũng thẳng nhìn nhận những hạn chế còn tồn tại trong quá trình ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Đó là cơ hội số vẫn chưa được khai thác mạnh mẽ, toàn diện, sâu rộng và hiệu quả; kinh tế số chỉ chiếm tỷ trọng 3% GRDP của tỉnh. Hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông có mặt còn bất cập, thiếu đồng bộ. Các hệ thống thông tin vẫn thiếu dữ liệu, nền tảng dùng chung. Doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông mỏng, chỉ chiếm 4,7% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; thiếu các doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt, chưa hình thành được ngành công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông (ICT). Kỹ năng số của một bộ phận cán bộ công chức, người dân, doanh nghiệp còn hạn chế. Nguồn nhân lực về công nghệ thông tin thiếu hụt trầm trọng, hiện chỉ chiếm 2,8% tổng số lao động đang hoạt động trên địa bàn. Bộ chỉ số chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh mới đạt 429,47 điểm/800 điểm (54%), trong đó chính quyền số 234,31/320 điểm (73%), kinh tế số 85,42/240 điểm (36%), xã hội số 109,74/240 điểm (46%).
Nghị quyết số 09 NQ/TU ngày 5/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về "Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" ra đời được kỳ vọng sẽ khắc phục những hạn chế này. Nghị quyết đề mục tiêu tổng quát là đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; phát triển mạnh kinh tế số tạo nền tảng thúc đẩy phát triển và tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh; từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng GRDP của tỉnh. Xây dựng xã hội số an toàn, nhân văn dựa trên ba trụ cột thiên nhiên - văn hóa - con người để hình thành công dân số, xã hội số, đảm bảo an toàn, an ninh mạng gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền số quốc gia. Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ninh thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng của cả nước; đi đầu trong chuyển đổi số các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh.
Từ đó, đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số, quyết tâm trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh. Tỉnh xác định Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, vừa cấp bách, vừa lâu dài trong lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp. Chuyển đổi số gắn chặt với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025; lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực tạo đột phá của sự phát triển. Chuyển đổi số cũng là con đường ngắn nhất để tạo đột phá phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, giữ vững và phát huy vai trò của một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc.
Quá trình chuyển đổi số của tỉnh Quảng Ninh phải được triển khai toàn diện, kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở kế thừa những kếtt quả đạt được của Đề án Chính quyền điện tử, thành phố thông minh và dữ liệu số đã có; đi đôi với đổi mới, sáng tạo, gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với cải cách hành chính nhằm chuyển đổi căn bản lề lối, phương thức làm việc trong hoạt động lãnh đạo của các cấp ủy và tổ chức đảng; hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và phương thức sống, làm việc của người dân và có sự đo lường, đánh giá chất lượng, hiệu quả thực hiện.
Quyết tâm cao, lộ trình cụ thể
Ngay sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, các cấp, ngành trên địa bàn đã vào cuộc tích cực đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số và đạt nhiều kết quả khởi sắc, nhất là việc đưa hoạt động chính quyền lên môi trường số nhằm nâng cao hiệu lực quản lý, chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp ; qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới, sáng tạo, minh bạch; đưa chính quyền gần dân và thúc đẩy phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội. Tỉnh cũng thể hiện quyết tâm lớn trong chiến lược chuyển đổi số bằng việc hợp tác với các doanh nghiệp CNTT để đồng hành cùng tỉnh trong lộ trình chuyển đổi số.
Đặc biệt, việc chuyển đổi số toàn diện đã có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu và hành động đồng bộ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương; sự tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương đều đãi tận dụng tối đa cơ hội để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, xác định việc đẩy nhanh tiến trình Chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương là cơ hội để giải quyết các điểm nghẽn cũng như tạo đột phá trong phát triển, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đến tháng 4/2022, 100% các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số do Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố làm Trưởng Ban Chỉ đạo; 100% các sở, ngành đã thành lập Ban Chuyển đổi số do người đứng đầu làm Trưởng Ban.
Đồng chí Nguyễn Trung Tiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Các cấp, các ngành của tỉnh đã đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện Nghị quyết số 09. UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch thực hiện Chuyển đổi số toàn toàn diện tỉnh Quảng Ninh, kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, tỉnh xác định năm 2023 là “Năm trọng điểm trong xây dựng dữ liệu số, tạo bứt phá về chuyển đổi số toàn diện” gắn với 35 chỉ tiêu cụ thể về chuyển đổi số theo 04 trụ cột về phát triển dữ liệu số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và 04 mục tiêu về triển khai Đề án 06; phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho từng Sở, ban, ngành, địa phương theo phương châm “rõ việc, rõ người chịu trách nhiệm, rõ tiến độ hoàn thành, rõ hiệu quả” để triển khai thực hiện. Đến nay, trên 90% các Sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chuyển đổi số và Đề án 06; đồng thời, rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số, Tổ công tác, Tổ giúp việc triển khai Đề án 06 tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
Định kỳ, tại phiên họp UBND tỉnh thường kỳ, UBND tỉnh nghe báo cáo kết quả thực hiện Đề án 06 và Nghị quyết số 09 và chỉ đạo triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng tiếp theo; hàng quý, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 chủ trì họp kiểm điểm, đôn đốc tiến độ triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số.
Các đơn vị, địa phương đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đảm bảo hoàn thành các sở dữ liệu quốc gia quan trọng tạo nền tảng để phát triển chuyển đổi số, xây dựng mô hình phường chuyển đổi số, mô hình chợ 4.0, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến... Đồng thời, tỉnh khai thác tối đa hiệu quả thông tin mang lại qua việc chia sẻ, cộng tác cùng người dân, doanh nghiệp góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.
Theo đó, nhằm giúp người dân được tiếp cận công nghệ số theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực, các địa phương đã triển khai thí điểm Tổ công nghệ số cộng đồng tại mỗi khu phố, thôn, bản. Thông qua các Tổ công nghệ số cộng đồng đã đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến với mọi người dân.Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 1.473 tổ công nghệ số cộng đồ đồng địa phương, 11 tổ công nghệ số cộng đồng doanh nghiệp), với 11.255 thành viên, bao phủ 177/177 xã, phường, thị trấn, 1.452/1.452 thôn, bản, khu phố. Tỉnh cũng đã tạo lập được một kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin vững chắc với 100% số cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến xã tham gia vào hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh; hơn 98% số văn bản hành chính được gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh dưới dạng văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số; 100% thủ tục hành chính từ cấp tỉnh đến xã được chuẩn hóa theo quy trình ISO.
Đồng chí Lê Thị Ngọc Linh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Yên Giang, cho biết: Để thực hiện chuyển đổi số, phường tổ chức họp triển khai kế hoạch, phân công giao nhiệm vụ cho từng cán bộ, công chức, lực lượng công an, đội xung kích, tổ công nghệ số cộng đồng, trưởng khu phố; tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm triển khai kế hoạch hiệu quả nhất. Đến nay Yên Giang có 100% điểm nhà văn hóa khu phố, trường học, điểm vui chơi được lắp đặt wifi miễn phí; 95% thuê bao điện thoại chính chủ chuẩn hóa thông tin; 99,3% người dân trong độ tuổi có điện thoại thông minh, 95% trong số đó được định danh điện tử mức độ 2; 99% số gia đình biết sử dụng dịch vụ công quốc gia; 95% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán điện, nước, thuế, phí và giao dịch mua sắm không dùng tiền mặt…
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()