Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 12:20 (GMT +7)
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Tầm chiến lược, khát vọng phát triển Bài 1: Quyết tâm kiến tạo không gian phát triển mới
Thứ 2, 02/09/2024 | 10:59:57 [GMT +7] A A
Khởi động từ năm 2012, sau 1 thập kỉ kiên trì thực hiện 7 quy hoạch chiến lược, tỉnh Quảng Ninh đã khẳng định được vai trò đặc biệt của công tác quy hoạch đối với mục tiêu phát triển dài hạn. Trên tinh thần kế thừa, bám sát bối cảnh, xu thế phát triển mới, tỉnh tiếp tục lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào đầu năm 2023. Đây đã trở thành “kim chỉ nam” để Quảng Ninh phát triển nhanh, toàn diện và bền vững trong tương lai.
Định hướng phát triển không gian đồng bộ
Ngày 11/2/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 80/QĐ-TTg, Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quảng Ninh trở thành địa phương đầu tiên trong vùng Đồng bằng Sông Hồng hoàn thành việc lập và phê duyệt quy hoạch tỉnh. Theo đánh giá từ Hội đồng Thẩm định và các chuyên gia, nhà khoa học, đây là một trong những bản quy hoạch mẫu mực, hội tụ đầy đủ trí tuệ, khát vọng phát triển của Quảng Ninh. Quy hoạch vừa mang tính kế thừa những định hướng chiến lược đã được xác định từ 7 quy hoạch chiến lược được lập từ 10 năm trước, đồng thời xác định rõ các khâu đột phá trong giai đoạn mới.
Theo đó, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch, bao gồm toàn bộ tỉnh Quảng Ninh với tổng diện tích tự nhiên trên đất liền 6.206,9km2 gồm 13 đơn vị hành chính, phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Đông và Nam giáp Vịnh Bắc Bộ và phía Tây giáp các địa phương: Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Giang và Lạng Sơn. Phần diện tích biển có ranh giới ngoài cách đường mép nước biển khoảng cách 6 hải lý.
Mục tiêu đến năm 2030 xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2030 là 10%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt 19.000-20.000 USD.
Định hướng không gian phát triển của tỉnh Quảng Ninh “Một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”, kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, hướng tới xây dựng thành thành phố trực thuộc trung ương và thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng. Đồng thời, phân công và hợp tác lãnh thổ, bảo đảm các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh từng địa phương của tỉnh, trong tam giác động lực phía Bắc, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng được phát huy tối đa, bổ sung cùng phát triển… Đến năm 2030, Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 7 thành phố (Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái - Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn) và tái lập TX Tiên Yên.
Đánh giá về quy hoạch của Quảng Ninh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết: Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh được lồng ghép vào quy hoạch quốc gia, xây dựng phù hợp với định hướng phát triển đất nước, bảo đảm tính khoa học và đáp ứng yêu cầu được quy định tại Luật Quy hoạch. Quy hoạch được công khai, minh bạch trong một tổng thể phát triển dài hạn, như một chỉ dẫn quan trọng để tỉnh loại bỏ cách làm manh mún, cục bộ và tạo ra nền tảng quan trọng cho sự phát triển, xây dựng thương hiệu, để trở thành cực tăng trưởng toàn diện của khu vực phía Bắc. Điều này không chỉ có ý nghĩa đối với địa phương, mà còn có ý nghĩa đối với cả quốc gia, vùng đồng bằng Bắc Bộ; đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh - quốc phòng.
Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã xác định một tầm nhìn mới, khẳng định tính chất, vai trò vị thế mới của tỉnh. Trong đó, ưu tiên tập trung phát triển KT-XH nhanh, bền vững, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; giải quyết đồng bộ và có hiệu quả các mâu thuẫn, thách thức, nhằm đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá, kết hợp chặt chẽ công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp. Đồng thời, tổ chức không gian phát triển hợp lý nhằm bảo đảm mục tiêu liên kết, đồng bộ, phát huy thế mạnh của từng địa phương, của tỉnh; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh... Đây là căn cứ quan trọng để tỉnh tổ chức thực hiện công tác lập quy hoạch đô thị và các dự án đầu tư xây dựng đảm bảo các quan điểm, nguyên tắc, tuân thủ định hướng phát triển không gian; định hướng hệ thống hạ tầng… Bên cạnh đó, khai thác tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh.
Tuân thủ các quy hoạch chiến lược
Với những định hướng, bước đi chiến lược đã xác định tại Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngay sau khi quy hoạch được công bố, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Quảng Ninh đã sớm bắt tay triển khai quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng vùng huyện của các địa phương và Quy hoạch chung xây dựng các KKT. Tỉnh ưu tiên chỉ đạo, thực hiện xây dựng lộ trình, chính sách, giải pháp để tổ chức triển khai các chương trình, dự án, nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của Quy hoạch tỉnh đã đề ra.
Đến hết tháng 8/2024, cơ bản Quảng Ninh đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch của các địa phương. Trong đó, có 6 quy hoạch đô thị của thành phố, thị xã: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái, Đông Triều và Quảng Yên; 6/7 quy hoạch xây dựng vùng huyện: Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Bình Liêu, Cô Tô và Vân Đồn. Riêng huyện Hải Hà, do nằm trong quy hoạch KKT cửa khẩu Móng Cái, hiện vẫn đang trong giai đoạn lập đồ án quy hoạch, dự kiến hoàn thành trong năm 2024.
Đối với các quy hoạch chung xây dựng KKT, hiện đã có 3/5 KKT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: KKT ven biển Vân Đồn, KKT cửa khẩu Móng Cái và KKT cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn. Tại KKT ven biển Quảng Yên, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đang lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành về điều chỉnh ranh giới KKT để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh cũng đang được triển khai lập, dự kiến hoàn thành trong năm 2024.
Để đảm bảo các quy hoạch bám sát, thực hiện theo đúng Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với tinh thần chủ động, cầu thị, tỉnh đang đẩy mạnh phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng đồng bằng Sông Hồng xây dựng, hoàn thiện thể chế của vùng, xác định những đề án trọng tâm, trọng điểm có ý nghĩa tạo đột phá cho phát triển vùng. Cụ thể như, Đề án xây dựng các cơ chế, chính sách thí điểm triển khai Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc; Đề án xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm phát triển KKT Vân Đồn; Đề án phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới…
Trong giai đoạn hiện nay, tận dụng thời cơ, cơ hội mới trong "làn sóng" chuyển dịch đầu tư đang diễn ra mạnh mẽ để đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế... Quảng Ninh dựa vào 4 trụ cột (kinh tế - xã hội - môi trường - an ninh) và 3 nguồn lực (thiên nhiên - con người - văn hóa) để ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng, gắn với các hành lang phát triển kinh tế nhằm thu hút đầu tư, phát huy dư địa, tiềm năng đất đai; khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, nâng cao chất lượng, đời sống nhân dân theo hướng hạnh phúc…
Để đảm bảo nguồn lực thực hiện, tỉnh đã tính toán, cơ cấu nguồn vốn theo 3 khu vực cụ thể trong 2 giai đoạn từ 2021-2025 và 2026-2030 với tổng số vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến 2,8 triệu tỷ đồng. Trong đó, tập trung ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực như hệ thống cảng biển, bến cảng đường thủy nội địa, hạ tầng logistics; hạ tầng các KCN, CCN; chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ cao; các khu nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao; phát triển cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, thương mại, dịch vụ…
Trên tinh thần kế thừa, kiên trì, tuân thủ thực hiện các quy hoạch chiến lược như một chỉ dẫn quan trọng, Quảng Ninh định vị những giá trị, cơ hội, cùng thách thức để triển khai các mục tiêu phát triển mới, rút ngắn lộ trình thực hiện các mục tiêu quy hoạch, là tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt, cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()