Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 14:58 (GMT +7)
Hợp tác xã và bài toán nâng cao năng lực hoạt động Bài 1: Khẳng định vai trò kinh tế tập thể
Chủ nhật, 13/06/2021 | 08:22:57 [GMT +7] A A
Kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Từ khi Luật HTX năm 2012 đi vào cuộc sống, HTX đã phát triển khá nhanh về cả lượng và chất với nhiều mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả cao. Không chỉ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập mà HTX còn là tiêu chí bắt buộc trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, năng lực hoạt động các HTX vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Đây là bài toán cần được tháo gỡ để HTX phát triển ổn định trong thời gian tới.
Tỉnh Bình Phước hiện có 151 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp đã phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực có quy mô và sức lan tỏa rộng. Hiệu ứng tích cực đó đã tạo động lực, thu hút ngày càng nhiều hộ dân tham gia, đồng thời làm thay đổi căn bản diện mạo khu vực nông thôn thời kỳ hội nhập.
Nhiều cách làm mới, sáng tạo
Thổ nhưỡng xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành phần lớn là đất cát pha nên phù hợp trồng tre lấy măng. Ông Nguyễn Kim Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX măng tre Thành Tâm chia sẻ: Xuất thân từ người lính, đi nhiều nơi, trồng nhiều loại cây nhưng tôi thấy măng tre là loại cây phù hợp với chất đất nơi đây, dễ trồng, dễ chăm sóc, dễ thu hoạch, đầu tư ít vốn, mau thu hồi vốn và thị trường ổn định.
Theo tính toán của ông Thành, 1 ha măng tre Đài Loan đầu tư khoảng 60 triệu đồng, sau 1 năm thì cho thu hoạch với năng suất bình quân từ 10-15 tấn măng tươi, sau khi trừ hết chi phí, cho lợi nhuận 75 triệu đồng/năm. Trồng tre không cần không phun bất kỳ loại hóa chất nào nên sản phẩm luôn sạch, an toàn. Đặc biệt, loại cây này hầu như cho thu hoạch quanh năm.
Nhưng do mùa mưa măng sinh trưởng, phát triển nhanh, mạnh dẫn đến cung vượt cầu, giá bán giảm nên năm 2017, các thành viên HTX đã góp vốn 500 triệu đồng đầu tư lò sấy măng khô. Vậy là trong mùa mưa, ngoài bán măng tươi, số dư còn lại được các thành viên sấy khô, ép chân không cung ứng ra thị trường với giá bình quân 200 ngàn đồng/kg. Theo đánh giá của ông Thành, việc thành lập HTX đã phát huy tác dụng, hiệu quả cao, tạo thu nhập ổn định cho 15 thành viên với diện tích 20 ha măng tre.
Tại xã Thanh An, huyện Hớn Quản, những năm gần đây giá các mặt hàng nông sản chủ lực như tiêu, điều, cao su liên tục mất mùa, rớt giá buộc người nông dân phải tìm hướng đi mới. Một trong những mô hình được lựa chọn là trồng dưa lưới trong nhà màng. Dù lợi nhuận cao nhưng đây là cây trồng mới, khó tính, dễ bị sâu bệnh, thị trường chưa ổn định, đặc biệt đầu tư vốn ban đầu lớn, khoảng 200 triệu đồng/sào. Vì thế, nếu mạnh ai nấy làm mà không có sự liên kết, phối hợp thì khó thành công. Được chính quyền địa phương vận động, tháng 9-2020, HTX dưa lưới hữu cơ Thanh An thành lập với 12 thành viên, diện tích 6 ha nhà màng, từ đó đã giải quyết mọi lo lắng, khúc mắc cho các hộ nông dân.
Anh Tống Văn Nghiệp, thành viên HTX chia sẻ: Chúng tôi thường xuyên gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những giải pháp hay trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, hạn chế những rủi ro về dịch bệnh, tiết kiệm nguồn nước, giảm ngày công lao động và cho sản phẩm sạch, an toàn. Thay vì phủ màng nông nghiệp thì chúng tôi có cách làm mới là trồng trực tiếp lên đất vừa tăng độ ẩm, phân tán sâu bọ, giảm 40% chi phí chăm sóc và 80% thuốc bảo vệ thực vật. Trong canh tác, HTX chỉ sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc sinh học vào sản xuất để đưa ra thị trường sản phẩm sạch, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. HTX đang từng bước tiến tới đăng ký thương hiệu sản phẩm OCOP ( mỗi xã một sản phẩm).
Hạn chế về năng lực lãnh đạo
Việc các HTX đi vào hoạt động đã phát huy được tác dụng, liên kết, phối hợp từng bước tạo sản phẩm sạch, an toàn cung ứng thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, hoạt động của các HTX phần lớn theo tinh thần tự nguyện, dựa vào kinh nghiệm của các thành viên mà chưa nhiều cán bộ đủ năng lực, trình độ ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh nhằm tạo chuỗi sản phẩm chất lượng cao để hội nhập và vươn xa. Đó là rào cản khiến các HTX hoạt động cầm chừng, chưa có sự bứt phá, đảm bảo ổn định dài lâu.
HTX Bàu Nghé, xã Phước Tín, thị xã Phước Long là HTX cây ăn trái lớn nhất của cả tỉnh, với quy mô 150 ha sầu riêng/15 thành viên. Ông Trần Văn Đương, Phó giám đốc HTX cho rằng: Việc thành lập HTX đã giải quyết được nhiều vấn đề như hoàn thành tiêu chí số 13 trong xây dựng NTM, đóng góp làm từ thiện xã hội, liên kết với doanh nghiệp sản xuất phân bón có uy tín, chất lượng bán cho thành viên với giá ưu đãi. Tuy nhiên sau 4 năm thành lập, quy trình phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vẫn mang tính chất cá nhân nhiều hơn là tập thể, tức là mạnh ai nấy làm. Kỹ thuật trồng, chăm sóc mỗi nhà mỗi kiểu, không ai giống ai, còn đầu ra thì bán tự do cho thương lái. Nguyên nhân một phần là do đội ngũ lãnh đạo HTX lớn tuổi, trình độ hạn chế nên chủ yếu sản xuất, kinh doanh theo lối truyền thống.
Việc thành lập HTX măng tre Thành Tâm (Chơn Thành) đã giải quyết vấn đề lớn là huy động vốn mua lò sấy măng khô cung ứng thị trường vào mùa mưa. Tuy nhiên, để tạo thương hiệu sản phẩm, xuất khẩu ra thì rất khó. Theo ông Nguyễn Kim Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX, để có sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu thì cần rất nhiều yếu tố như nguyên liệu, vốn và con người. Với HTX, vùng nguyên liệu cơ bản đã đáp ứng đủ, nguồn vốn ít nhưng có thể huy động được, nhưng tìm lực lượng lao động có đủ năng lực, trình độ để ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh là bài toán khó. Bộ máy hoạt động của HTX chủ yếu xuất thân từ nông dân, trình độ cấp 3 trở xuống, hạn chế ứng dụng công nghệ thông tin. Vì thế từ khâu quản lý, điều hành đến kỹ thuật sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ yếu theo kinh nghiệm, làm đến đâu rút kinh nghiệm đến đó.
Cũng theo ông Thành, dù măng khô của HTX Thành Tâm đã xây dựng thương hiệu, chào hàng ra nước ngoài và đã có công ty đăng ký thu mua số lượng lớn nhưng với nội lực hiện tại, HTX chưa dám ký. Lý do là măng khô để lâu sẽ đổi màu, trong khi đây là sản phẩm sạch, không sử dụng hóa chất bảo quản. Làm sao để có sản phẩm sạch, an toàn và giữ được màu sắc tự nhiên thì HTX chưa có giải pháp. Hơn nữa để có sản phẩm xuất khẩu phải có nhãn mác, hạn sử dụng, cái này cũng nằm ngoài khả năng của HTX.
“Để nâng cao năng lực hoạt động, tạo chuỗi giá trị sản phẩm chất lượng, quy mô lớn cho măng tre Thành Tâm cần có lực lượng lao động được đào tạo bài bản để chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho HTX. Nhưng điều đó phải có sự giúp đỡ, hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan” - Chủ tịch UBND xã Thành Tâm Phan Xuân Quế mong muốn.
Theo Vũ Thuyên/Báo Bình Phước
Liên kết website
Ý kiến ()