Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 13:41 (GMT +7)
“Hoa và gai” trên lối đi mới Bài 1: Bỏ tư duy lối mòn để bước trên đại lộ
Thứ 2, 13/06/2022 | 16:15:22 [GMT +7] A A
Để cây điều được quan tâm đầu tư xứng tầm với giá trị mang lại, trước tiên cần phải có một chiến lược đúng đắn về phát triển cây điều nhằm định hướng tư duy của nông hộ trồng điều, cũng như có ưu tiên về kinh phí, chính sách để phát triển kinh tế ngành điều đúng hướng. Để cụ thể hóa, ngày 15-4-2020, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về phát triển cây điều giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn năm 2030 và UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Kế hoạch số 235/KH-UBND ngày 21-9-2021 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU.
Việc thực hiện các nghị quyết, kế hoạch này giúp người dân nói chung, nông hộ trồng điều, cơ sở, doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh điều dần thay đổi tư duy lối mòn, chấp nhận những thử thách của thị trường để bước trên đại lộ mới.
Cởi bỏ “chiếc áo cũ”
Bình Phước nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với thế mạnh là các loại cây công nghiệp có giá trị xuất khẩu cao như cao su, hồ tiêu; trong đó cây điều và các sản phẩm từ hạt điều giúp tạo nên thương hiệu Bình Phước trên thị trường thế giới. Từ lâu Bình Phước đã trở thành thủ phủ điều của cả nước, là công xưởng chế biến điều lớn nhất cả nước. Bà Đào Thị Lanh, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Bình Phước là thủ phủ điều của cả nước, với quy mô chiếm gần 50% diện tích trồng điều cả nước. Bình Phước là công xưởng chế biến điều lớn nhất cả nước, chiếm 2/3 số nhà máy chế biến điều và đạt 60% công suất chế biến điều của cả nước. Bình Phước là đơn vị duy nhất ở Việt Nam được công nhận chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”. Khách hàng trên thế giới thường nói rằng: Nói đến hạt điều, nghĩ tới Việt Nam. Ở Việt Nam, các nhà kinh doanh điều trong nước thì cho rằng: Nói đến hạt điều thì phải nghĩ tới Bình Phước đầu tiên. Đó là niềm tự hào, là vinh dự của nông dân Bình Phước khi nói về cây điều cũng như các sản phẩm chế biến từ điều.
Từ lâu cây điều không còn là cây trồng xóa nghèo như mục tiêu ban đầu, mà nó đã mang lại giá trị kinh tế cao. Thậm chí cây điều đã góp phần đưa tên địa danh Bình Phước gắn liền với hạt điều Bình Phước đến với thế giới, trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực của tỉnh trong nhiều năm qua.
Giá trị gia tăng do cây điều tạo ra là hơn 4.600 tỷ đồng, tương đương với gần 1/6 giá trị ngành nông nghiệp. Hiện nay, diện tích canh tác điều trên đất sản xuất nông nghiệp của Bình Phước chiếm 32,5% tổng diện tích cây lâu năm và 30,57% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Diện tích trồng điều của đồng bào dân tộc thiểu số ước khoảng 50.737 ha, chiếm 37,78% diện tích điều toàn tỉnh. Do đó, cây điều không chỉ là lựa chọn sinh kế chung của tỉnh mà còn là cây trồng chủ lực của đồng bào dân tộc thiểu số.
Sứ mệnh mới của cây điều
Toàn tỉnh có hơn 7.100 nông hộ trồng điều. Với những giá trị mà ngành kinh tế từ hạt điều mang lại, tỉnh đã đề ra các nội dung trọng tâm phải thực hiện trong Nghị quyết số 11-NQ/TU đối với các đơn vị liên quan.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Thị Ánh Tuyết cho biết: Trong 2 năm trở lại đây, ngành điều tập trung phát triển theo hướng lấy chế biến làm trung tâm, hạt điều Bình Phước trước hết phải nâng cao năng suất, chất lượng. Để làm được điều này, đầu tiên phải tập trung các cây giống có chất lượng tốt, bình tuyển những cây giống tốt nhất để phục vụ bà con tái canh, trồng mới điều. Tập trung thâm canh, hỗ trợ về kỹ thuật để bà con chăm sóc sau thu hoạch, đảm bảo tăng năng suất điều. Các DN đã đặt hàng với bà con sản xuất theo hướng hữu cơ, Organic... để nâng cao chất lượng hạt điều đồng nghĩa với việc nâng cao giá trị sản phẩm để người trồng điều dần cải thiện thu nhập từ loại cây này.
Thời gian qua, tỉnh đặc biệt chú trọng 3 lĩnh vực: Canh tác; chế biến, xuất nhập khẩu điều và chính sách. UBND tỉnh giao nhiệm vụ thực hiện cụ thể cho 25 đơn vị với 10 đầu mối đơn vị chia thành 3 nhóm nhiệm vụ. Trong canh tác có 5 nhiệm vụ như lập vùng chuyên điều của tỉnh, giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030; giống điều phải đạt mục tiêu năng suất từ 2,5-4,5 tấn/ha; hỗ trợ DN điều xây dựng vùng nguyên liệu. Ở khâu chế biến sẽ sắp xếp lại DN chế biến điều theo hướng quy mô lớn, thiết bị và công nghệ hiện đại, sản phẩm có chất lượng đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Tổ chức thực hiện tốt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, kiểm tra đánh giá về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở chế biến nhân hạt điều. Xử lý nghiêm cơ sở không đảm bảo điều kiện về an toàn thực phẩm. Hỗ trợ DN quảng bá giới thiệu sản phẩm; xây dựng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn GMP, HACCP, ISO 22000… Xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc. Hỗ trợ, hướng dẫn DN chế biến hạt điều được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Phước”, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm.
Ở lĩnh vực xuất khẩu, tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường. Tham mưu tạo điều kiện thuận lợi cho DN tham quan, khảo sát thị trường nước ngoài, học hỏi kinh nghiệm, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ, triển lãm, tăng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch.
Đối với nhập khẩu, sẽ chú trọng hỗ trợ tạo điều kiện cho DN tham gia đàm phán, hợp tác thương mại với các nước trồng điều để có nguồn nguyên liệu nhập khẩu ổn định đáp ứng được nhu cầu của DN trên địa bàn tỉnh, giảm thiểu sự rủi ro về giá và chất lượng đầu vào của nguyên liệu.
Thực hiện dự án “Nâng cao năng lực hướng đến việc phát triển bền vững chuỗi cung ứng ngành hạt điều tại Việt Nam”, trong các năm 2019-2020, Hội Điều Bình Phước đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu tư vấn công tác xã hội và phát triển cộng đồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân tỉnh tổ chức đào tạo 29 giảng viên nguồn của dự án gồm thạc sĩ, kỹ sư chuyên ngành trồng trọt. Các giảng viên nguồn này đã trực tiếp hướng dẫn khoa học - kỹ thuật trên cây điều cho nông dân trong địa bàn tỉnh; phối hợp tổ chức 11 lớp tập huấn thực hành nông nghiệp tốt trên cây điều cho 230 nông dân trên địa bàn các huyện trồng điều lớn của Bình Phước như Bù Gia Mập, Bù Đăng, Phú Riềng, Đồng Phú, Phước Long, TP. Đồng Xoài. Bước đầu nhân rộng mô hình ghép cải tạo vườn điều tăng năng suất, chất lượng đạt hiệu quả cao, tạo sự phấn khởi cho người trồng điều. Minh chứng trong 5 năm qua, có 50 nông dân trồng điều giỏi nhận bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 50 cá nhân nhận bằng khen của Hiệp hội Điều Việt Nam, 30 cá nhân nhận bằng khen của UBND tỉnh...
Theo Ngọc Bích/Báo Bình Phước
Liên kết website
Ý kiến ()