Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 07:04 (GMT +7)
"Bác vĩnh hằng như thế giữa nhân dân"
Thứ 3, 19/05/2020 | 13:18:09 [GMT +7] A A
Những câu thơ trong bài “Bác vĩnh hằng như thế giữa nhân dân” lại trở về trong tâm trí nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại vào một sáng tháng 5.
Đừng khoanh rộng những điều không phải lẽ/Đừng huyền thoại thay cho đời giản dị/Khiến Bác thành xa lạ giữa quê hương/Bác tự Làng Sen về với Núi Sông/Ngàn cánh hạc vỗ bay trời xứ sở/Ai cũng thấy đời riêng trong cuộc đời lãnh tụ/Bác vĩnh hằng như thế giữa nhân dân”…
Những câu thơ trong bài “Bác vĩnh hằng như thế giữa nhân dân” lại trở về trong tâm trí nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại, vào một sáng tháng 5, nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bác Hồ trong một lần về thăm quê. |
PV: Điều đầu tiên mà nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại muốn nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh là gì?
Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại: Bất cứ người Việt Nam nào cũng có tình cảm vô cùng lớn lao sâu sắc đối với Bác Hồ, người đã tìm đường cứu nước và đem lại những giá trị nhân văn cho con người, không chỉ một thế hệ này mà rất nhiều thế hệ khác được thừa hưởng di sản tinh thần đó. Bác Hồ không chỉ ở tầm dân tộc, ở tầm quốc tế mà còn ở tầm của văn hóa tương lai. Người đã đặt ra và theo đuổi những giá trị vô cùng nhân bản. Trước hết đó là khát vọng độc lập, đưa độc lập tự do, tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do” thành một chân lý của thời đại và cũng là một chỉ hướng hành động cho chúng ta. Thứ hai, mục đích giải phóng đất nước của Bác là tiến tới để giải phóng con người, đem lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân. Đó mới là điều lớn lao nhất.
PV: Đã viết nhiều thơ về Bác, bài thơ nào ông thật sự ưng ý?
Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại: Tôi viết được khoảng gần 20 bài thơ về Bác, nhưng chưa thật hài lòng về bài nào. Có một bài tôi viết khá lâu rồi, từ năm 1987, nhan đề “Bác vĩnh hằng như thế giữa nhân dân”. Tôi nhớ câu chuyện lần đầu Bác về thăm quê (tháng 6/1957), người ta định làm nhà khách đón Bác. Bác nói rằng Bác về nhà Bác, Bác không phải là khách cho nên không việc gì phải làm nhà khách. Người ta lại mở một cái cổng lớn đi vào giữa vườn. Bác bảo đây không phải cổng vào nhà Bác và Bác gỡ rào để vào theo lối cũ. Rồi thì người ta mở rộng khu di tích ra, Bác nói rằng, không, nhà Bác ngày xưa nghèo lắm, không to lớn như thế này, nhà Bác nhỏ thôi. Cho nên tôi viết từ cái ý đó, là “đừng khoanh rộng những điều không phải lẽ”. Đến bây giờ, khu lưu niệm ở Kim Liên tôi thấy cũng rất hoành tráng, tạo ra các điều kiện để đón tiếp khách đến thăm Bác, nhưng tôi vẫn muốn giữ một di tích nguyên sơ để thấy Bác gần gũi với nhân dân hơn. Bài thơ “Bác vĩnh hằng như thế giữa nhân dân”, tôi cho là đã nói được một vài ý.
PV: Trong nền văn học nghệ thuật nước ta có rất nhiều tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Gần đây, những cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” thu hút nhiều tác giả tham gia. Nhưng tôi nhận thấy có những điều chúng ta lặp đi lặp lại khi nói về Bác, nghĩ về Bác. Lại có những khoảng trống mà chúng ta chưa chạm tới. Cái gốc để có được tác phẩm hay, theo nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại, đó là gì?
Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại: Tôi xin lấy một ví dụ. Bác Hồ quê Nghệ An nhưng sống thời gian dài ở Huế và cũng dạy học ở miền Nam. Mẹ Bác mất ở Huế. Cha Bác mất ở Đồng Tháp. Cho nên Bác Hồ nói là “Miền Nam ở trong trái tim tôi”. Tình cảm của Bác Hồ đối với miền Nam vô cùng cao cả, vô cùng to lớn. Tình cảm của đồng bào miền Nam đối với Bác cũng rất thiêng liêng.
Giữa những đàn áp khủng bố năm 1959, nhiều người vẫn cất giấu ảnh Bác. Khi Bác mất, đồng bào miền Nam ở rất nhiều nơi lập đền thờ Bác mà không sợ bị khủng bố, không sợ bị bắn giết. Đặc biệt là các nghệ sĩ miền Nam viết rất thành công về Bác. Họa sĩ Diệp Minh Châu lấy máu mình để vẽ chân dung Bác. Nhiều bài thơ và ca khúc rất xúc động, như bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương, được Hoàng Hiệp phổ nhạc - hai nghệ sĩ miền Nam làm nên một tác phẩm rất hay, rất xúc động, giản dị.
Tôi kể chuyện này để quay lại câu hỏi của chị. Điều gì để làm nên một tác phẩm hay về Bác Hồ? Đấy là tấm lòng. Sự chân thành của nghệ sĩ chính là điều cao nhất. Những thế hệ sau này, nhiều người không được tiếp cận với Bác. Những thành quả vĩ đại nhất của đất nước như cách mạng Tháng Tám, như giải phóng miền Nam năm 1975, thế hệ sau chỉ biết qua sử sách. Chủ tịch Hồ Chí Minh ở một đỉnh cao của lịch sử. Cần phải có sự hiểu biết về đỉnh cao ấy, và cần phải có sự hiểu biết về dân tộc Việt Nam cũng như những tư tưởng tiên tiến của thế giới.
PV: Khi nghĩ về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở góc độ công dân, có điều gì khiến nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại cảm thấy day dứt, băn khoăn?
Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại: Tôi sinh ra trong một gia đình nhiều đời là chiến sĩ theo cách mạng. Bản thân tôi từng là một người lính. Đã có lúc tôi suy nghĩ rằng lý tưởng của mình đã bị lợi dụng, hoặc thậm chí bị phản bội bởi một số người, một số hành vi rất đau xót. Và tôi cũng cảm thấy đấy là lý tưởng của Bác Hồ bị phản bội. Con đường mà Bác đã chọn, người ta tuy vẫn nhắc tên Bác, nhắc đến lý tưởng, nhưng cách thực hiện và thái độ đối với nhân dân lại khác. Vì thế, chúng ta mới có Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đấy là một sự sửa sai. Bản thân các cuộc vận động đó dù cần thiết, nhưng tôi cho rằng chưa đủ.
Nếu chúng ta đi theo con đường của Bác, trân quý Bác, thì mỗi chúng ta, và đặc biệt là trong các cấp lãnh đạo phải tìm thấy những nguyên nhân nào làm cho cuộc sống, làm cho các giá trị nhân văn được xây dựng trong thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ như vậy đã bị phai nhạt. Điều ấy quan trọng hơn việc dựng tượng Bác. Bác Hồ không muốn dựng tượng mình. Bác Hồ cũng không muốn xây lăng. Và quan trọng là Bác Hồ sống trong lòng nhân dân. Cá nhân tôi, sau những phút hoài nghi, sau những phút buồn lòng, cảm thấy lý tưởng bị phản bội như tôi đã nói thì tôi luôn luôn tin, trước hết là tin ở nhân dân, tin ở bản thân mình, tin ở những lý tưởng, những giá trị tinh thần mà Bác Hồ đã thu nhận từ tinh hoa của dân tộc và lại trả về cho dân tộc ở một tầm mức cao hơn.
PV: Cảm ơn nhà thơ về cuộc trò chuyện này!
Bác vĩnh hằng như thế giữa nhân dân
Nghe Bác về, nhà khách được xây lên
Nhưng Bác nói: Bác không phải là khách, Bác đi về nhà Bác
Nếp tranh nhỏ, đỏ một bờ dâm bụt
Bác nhổ rào đi lối những ngày xưa.
Nơi chân trần chạy nắng dưới đường trưa
Cánh diều nhỏ xanh suốt ngày tuổi nhỏ
Năm mươi năm xa, vẫn bồi hồi lối ngõ
Cái gáo dừa, chum nước trắng hoa cau.
Giếng Cốc trước nhà, cây mít đằng sau
Lò rèn nhỏ ông Điền, Bác thường ra thụt bễ
Đỉnh núi Chung chăn bò, cùng bạn bè một thuở
Chí anh hùng phơ phất ngọn cờ lau
Những đêm nào tuyết lạnh trắng trời Âu
Làng quê nhỏ bập bùng sân ánh lửa
Đêm phường vải, mắt người gieo câu ví
Ánh trăng ngời vạt áo lúc chia tay.
Nhà Bác nghèo, vườn chỉ bấy nhiêu thôi
Đừng khoanh rộng những điều không phải lẽ
Đừng huyền thoại thay cho đời giản dị
Khiến Bác thành xa lạ giữa quê hương.
Bác tự Làng Sen về với Núi Sông
Ngàn cánh hạc vỗ bay trời xứ sở
Ai cũng thấy đời riêng trong cuộc đời lãnh tụ
Bác vĩnh hằng như thế giữa nhân dân.
Nguyễn Sĩ Đại
Theo Anh Thư/Báo VOV
Liên kết website
Ý kiến ()