Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:58 (GMT +7)
Bác sĩ Nhi khoa chỉ ra những dấu hiệu điển hình cảnh báo trẻ đang gặp phải vấn đề về ngôn ngữ
Thứ 4, 19/05/2021 | 10:33:17 [GMT +7] A A
19 tháng tuổi con mới nói "mẹ, ba, bà..." có phải bé bị chậm nói hay không?
Một trong những điều hạnh phúc tuy nhỏ nhoi, giản dị mà khó quên trong quãng hành trình làm bố làm mẹ có lẽ không thể không kể đến ngày con cất tiếng nói gọi bố, gọi mẹ đầu tiên. Tuy nhiên, quá trình chờ đợi này có thể kéo dài, đôi khi làm các bậc phụ huynh sốt ruột và thất vọng.
Thông thường, trẻ từ 7-12 tháng tuổi có thể bập bẹ được những từ đơn giản như "măm măm" hay "ma ma". Song không phải trẻ nào cũng vậy, có những bé chậm nói và tới tận 18, 19 tháng hoặc hơn vẫn không nói được từ nào khiến nhiều người vô cùng lo lắng.
Trả lời cho thắc mắc này, bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng (Dr Chuột) - Giảng viên Bộ môn Nhi Khoa, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, BS Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: "Khi con bạn 1 tuổi mà không thể nói được: "a, ư…"; hoặc trẻ từ 18 tháng mà không thể nói được từ đơn như: "ba, mẹ, bà,…"; hoặc khi con 2 tuổi mà không thể kết hợp được 2 từ như: "đi chơi, mẹ ơi" hoặc khi con được 2, 3 tuổi mà nói một thứ ngôn ngữ mà cả bố mẹ lẫn những người xung quanh đều không thể hiểu được. Điều đó có nghĩa là con bạn đang có vấn đề về ngôn ngữ".
Theo đó, để giải quyết vấn đề này, bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng đưa ra lời khuyên cho các bố mẹ cần làm lúc này chính là đưa con đi khám bác sĩ. Lý do được đưa ra như sau:
"Vì sao? Vì bác sĩ sẽ giúp chúng ta phân biệt được đây là tình trạng chậm nói đơn thuần hay là chậm phát triển toàn diện gồm thể chất, vận động và trí tuệ.
Thứ hai là phải loại trừ rối loạn phổ tự kỉ vì các bạn này thường chậm nói, khiếm khuyết về mặt giao tiếp xã hội và còn thêm những hành vi bất thường được lặp đi lặp lại. Còn nếu bác sĩ đã nói con bạn chỉ chậm nói đơn thuần thì các bố mẹ đừng lo lắng quá, bởi vì nếu chúng ta có can thiệp về ngôn ngữ trị liệu càng sớm càng tốt thì hiệu quả rất cao."
Đồng thời, bác sĩ cũng đưa ra một số biện pháp phòng ngừa tình trạng chậm nói ở trẻ nhỏ.
"Thứ nhất, bố mẹ không được cho con tiếp xúc với màn hình tivi trước 2 tuổi.
Thứ hai, phải giao tiếp với con nhiều hơn." – bác sĩ Tưởng cho biết.
Những mốc chậm nói ở trẻ, bố mẹ cần phát hiện sớm để can thiệp kịp thời
Các gia đình nên cho con đi khám sàng lọc sức nghe khi các bé có những biểu hiện bất thường ở các mốc như:
- Trẻ 3-4 tháng tuổi mà không đáp ứng với tiếng động mạnh; không phát ra âm thanh gừ gừ.
- Trẻ 5-12 tháng, trẻ không phản ứng hoặc quay đầu về phía có âm thanh phát ra; không tìm cách giao tiếp với người khác; không biết nói một từ nào, không biết làm các động tác như vẫy tay chào tạm biệt, lắc đầu để nói không, chỉ tay; không phản ứng khi được gọi tên…
- Trẻ 15-18 tháng, các bố mẹ cũng đặc biệt lưu ý khi trẻ không hiểu và phản ứng với các từ như "không", "dậy nào"; không nói được từ nào; không chỉ vào đồ vật hay bức tranh khi được hỏi, không chỉ vào vật mình thích và ngước nhìn bạn, chưa nói được các từ đơn giản như "mẹ", "bế"…
- Trẻ 1 tuổi mà chưa nói nổi 15 từ; không tự nói ra lời mà chỉ nhại lại lời nói của người khác; không thể thực hiện những cuộc hội thoại đơn giản, không dùng lời nói để giao tiếp, không hiểu các chỉ dẫn hay câu hỏi dài hơn…
- Trẻ từ 25-35 tháng, không nói được câu đơn giản có 2-4 từ; không thể gọi tên vài bộ phận của cơ thể; không biết đặt các câu hỏi đơn giản; không ai trong gia đình có thể hiểu bé.
- Ở giai đoạn trẻ từ 3 đến 4 tuổi, trẻ chậm phát triển ngôn ngữ sẽ có những biểu hiện không sử dụng đại từ nhân xưng nào (con, mẹ); không thể ghép các từ thành câu ngắn khiến người trong gia đình và người ngoài đều không hiểu; không đặt câu hỏi; ít quan tâm hoặc không quan tâm tới sách truyện; không quan tâm và không tương tác với các trẻ khác; đặc biệt khó tách khỏi bố mẹ…
Theo toquoc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()