Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 11:24 (GMT +7)
Bác sĩ hướng dẫn cách giúp trẻ thoát hiểm khi hóc dị vật đường thở
Thứ 5, 21/03/2024 | 11:21:37 [GMT +7] A A
Trẻ nhỏ khoảng từ 1 – 3 tuổi thường bị tai nạn hóc dị vật ở đường thở nhưng đa phần bố mẹ không biết cách xử lý khiến nhiều bé gặp nguy hiểm thậm chí tử vong.
Trẻ nhỏ từ 1 – 3 tuổi thường hiếu động và có thói quen cho những đồ vật cầm tay vào miệng, hoặc bất cẩn khi cho ăn cũng khiến trẻ dễ bị hóc dị vật. Rơi vào những trường hợp như vậy nếu không biết cách xử lý hoặc xử lý chậm sẽ hết sức nguy hiểm đối với trẻ.
Liên quan đến vấn đề này, Thạc sĩ, BS. Nguyễn Khắc Trường - Chuyên khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức - TP. Hà Nội cho hay: “Việc hóc xương, hóc di vật đối với trẻ em xảy ra tương đối nhiều. Tuy nhiên, khi gặp những trường hợp này đa phần bố mẹ thường có tâm lý, lo lắng và thậm chí có nhiều trường hợp bố mẹ lại dùng mẹo dân gian để chữa như ngậm chanh, ngậm viên C… khiến tình trạng hóc dị vật của các bé lại nặng thêm”.
Theo BS. Nguyễn Khắc Trường: “Khi trẻ hóc xương nhưng không có dấu hiệu sặc vào đường thở và vẫn ăn chơi bình thường thì gia đình nên cho bé đi khám, kiểm tra xem có dị vật không và ở vị trí nào để bác sĩ kịp thời tư vấn, và xử lý.
Trường hợp hóc dị vật như viên bi, hạt lạc… trẻ thường có biểu hiện ho sặc sụa tím tái thì phải vỗ rung cho bé để đẩy, tống dị vật ra ngoài.
Về cách vỗ rung cho bé, bố mẹ nên cho trẻ nằm lên trên cánh tay trái của người sơ cứu ở tư thế như sau:
- Bàn tay giữ khu vực đầu và cổ trẻ, trẻ nằm dọc theo cánh tay và để trẻ hơi dốc theo hướng bàn tay.
- Dùng gót tay phải vỗ vào lưng của trẻ ở vị trí lưng giữa hai bả vai trẻ. Thực hiện khoảng 5 lần.
- Dùng tay phải đỡ trẻ và lật người trẻ nằm trên tay phải của người sơ cứu. Sau đó, dùng hai ngón tay trái để ấn vào vùng dưới xương ức theo hướng đẩy lên. Thực hiện điều này 5 lần và kết hợp kiểm tra tình hình dị vật của trẻ.
Để tránh việc trẻ có thể bị hóc dị vật, Bác sĩ Trường lưu ý: “Ở giai đoạn từ 1 – 3 tuổi các bé rất hiếu động và chưa ý thức được các mối nguy hiểm đối với bản thân. Vậy nên, trong giai đoạn này các bà mẹ cần chú ý nhiều hơn đến con. Đặc biệt, không nên để con chơi các vật dụng sắc nhọn, các đồ vật tròn nhẵn, trơn như viên bi, kẹo… hoặc các đồ vật khác mà trẻ có thể tự nhét vào mũi, miệng và dẫn đến việc bị hóc dị vật.
Bên cạnh đó, ngoài việc trẻ tự cho dị vật vào miệng thì cũng có rất nhiều trường hợp trẻ bị hóc xương. Vậy nên khi cho trẻ ăn bố mẹ cần phải xem, kiểm tra kỹ thức ăn, đặc biệt là cá để tránh được những tai nạn đáng tiếc đối với trẻ”.
Việc trẻ bị hóc dị vật nếu để lâu hoặc không xử lý kịp thời có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của bé như có thể bị nhiễm trùng, áp xe … và thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng của bé.
Đặc biệt, nếu bị sặc vào đường thở có thể gây ra việc tím tái, ngừng thở. Vậy nên khi trẻ bị hóc dị vật gia đình cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra và có hướng xử lý kịp thời”, Bác sĩ Trường khuyến cáo.
Theo giadinhonline.vn
Liên kết website
Ý kiến ()