Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 01:19 (GMT +7)
Bác sĩ chỉ ra sai lầm thường gặp khi F0 tự đo SpO2 tại nhà
Thứ 6, 25/02/2022 | 09:00:38 [GMT +7] A A
Việc người bệnh để móng tay quá dài, sơn móng tay, chọn thiết bị đo kém chất lượng,… có thể khiến kết quả SpO2 hiển thị sai lệch so với thực tế.
Theo thống kê, khoảng 5-10% F0 có thể gặp tình trạng giảm oxy máu thầm lặng, tức không có cảm giác khó thở nhưng độ bão hòa oxy máu (SpO2) lại giảm. Điều này làm cản trở việc phát hiện sớm tình trạng bệnh nặng. Vì vậy, việc theo dõi chỉ số SpO2 hàng ngày rất cần thiết với bệnh nhân Covid-19.
SpO2 ở mức nào cần thông báo với lực lượng y tế?
Theo hướng dẫn của ngành y tế, các bước đo độ bão hòa oxy máu (SpO2) chính xác gồm:
Bước 1: Ấn nút nguôn kiểm tra xem máy có phát ra ánh sáng hồng ngoại không, màn hình có hiển thị không, còn pin hay không, nếu hết pin thì cần thay pin mới hoặc sạc pin (tùy loại máy).
Bước 2: Mở kẹp, đặt ngón tay vào khe kẹp sao cho đầu ngón tay chạm vào điểm tận cùng của máy. Lưu ý không được sơn móng tay, sử dụng móng tay giả hoặc mỹ phẩm trên ngón tay được đo. Đảm bảo móng tay không quá dài, để đầu ngón tay có thể che kín bộ phận cảm biến trong khe hẹp.
Bước 3: Khởi động máy bằng cách ấn vào nút nguồn. Không cử động tay trong khi đo. Kết quả đo sẽ hiểu thị trên màn hình sau vài giây.
Bước 4: Khi kết thúc đo, rút ngón tay ra, sau vài giây máy sẽ tự tắt. SpO2 sẽ hiển thị dưới dạng số ở vị trí ghi chữ SpO2. Đơn vị đo tỉ lệ phần trăm (%). Phạm vi đo: 0-100%. Giá trị bình thường: 96-100%.
Nhịp mạch sẽ hiển thị dưới dạng số ở vị trí hình trái tim hoặc bị trí ghi chữ PR. Đơn vị đo: lần/phút. Phạm vi đo: 0-254 lần/phút. Giá trị bình thường: 60-90 lần/phút (đối với người lớn, lúc nghỉ ngơi).
Bộ Y tế cho biết, nếu SpO2 > 96%, F0 được xếp vào nhóm mức độ nhẹ. SpO2 94-96% thuộc mức độ trung bình, SpO2 < 94% thuộc mức độ nặng (tuy nhiên việc phân loại mức độ bệnh ngoài dựa vào chỉ số Spo2 cần căn cứ vào triệu chứng lâm sàng như tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn...)
Với F0 điều trị tại nhà, Bộ Y tế khuyến cáo khi SpO2 ≤ 96%, phải thông báo ngay với cơ sở quản lý người mắc Covid-19 tại nhà; trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, Trung tâm vận chuyển cấp cứu… để được xử trí kịp thời (trường hợp phát hiện chỉ số SpO2 bất thường cần đo lại lần 2 sau 30 giây đến 1 phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo).
Những sai lầm khi đo SpO2 tại nhà
Trong quá trình tư vấn cho các bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà, bác sĩ Hoàng Tuấn Thành, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã gặp rất nhiều trường hợp bị sai lệch kết quả đo SpO2 do một số nguyên nhân.
Theo bác sĩ Thành, một trong những vấn đề F0 rất hay gặp phải là chọn mua nhầm thiết bị, mua phải loại máy là hàng nhái hoặc hàng kém chất lượng.
“Có 1 trường hợp, đo SpO2 ở máy của họ 98%. Tuy nhiên, F0 này lại có biểu hiện khó thở, thở gắng sức, hụt hơi. Khi nhập viện, chúng tôi đo cho bệnh nhân bằng máy đo chuyên dụng thì chỉ số SpO2 chỉ còn 90% (trong khi ở máy cá nhân của bệnh nhân vẫn là 98%). Như vậy, kết quả đo đã sai lệch nghiêm trọng”, bác sĩ Thành chia sẻ.
Bác sĩ khuyến cáo, người dân nên tìm hiểu kỹ, chỉ chọn mua các thiết bị đã được cấp phép lưu hành, có nguồn gốc rõ ràng, có giấy kiểm định chất lượng. Không nên mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ (lưu ý, những loại máy giá quá rẻ, chỉ vài chục nghìn đồng không thể là thiết bị đảm bảo chất lượng).
Thứ hai, với đối tượng F0 là trẻ em, nếu bé vận động, cử động tay chân liên tục trong lúc đo SpO2, độ chính xác cũng sẽ kém. Thực tế, bác sĩ Thành đã tư vấn cho nhiều trường hợp trẻ không suy hô hấp nhưng do cử động trong quá trình đo nên chỉ số chỉ khoảng 85-86% khiến người nhà rất lo lắng. Bác sĩ cho hay, để kết quả hiển thị đúng nhất, cha mẹ có thể đo SpO2 ở thời điểm các cháu nghỉ ngơi như khi đã ngủ.
Lưu ý, nhiều F0 gặp tình trạng sốt hay hạ thân nhiệt, hạ huyết áp (các bệnh lý gây co mạch ngoại vi), bệnh lý máu (như thiếu máu, Hemoglobin bất thường…), đo SpO2 sẽ khó khăn và không chính xác.
Bên cạnh đó, việc không để đầu ngón chạm tới điểm tận cùng của máy, sơn móng tay,... cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả đo. Bởi vậy, bệnh nhân tốt nhất nên cắt móng tay trước khi đo, không sơn móng. Trường hợp không kẹp được thiết bị ở ngón tay, bệnh nhân có thể kẹp ở ngón chân.
Về số lần đo SpO2 mỗi ngày, bác sĩ Hoàng Tuấn Thành cho biết, bệnh nhân Covid-19 mức độ nhẹ có thể đo 2-3 lần/ngày. Tuy nhiên, nếu F0 bắt đầu có nhiều triệu chứng hơn, có biểu hiện nghi ngờ viêm phổi như thở nhanh, thở gắng sức (khó khăn trong việc thở, rút lõm ngực, phập phồng cánh mũi) cần đo tăng số lần, có thể đo 3-4 lần hoặc bất cứ khi nào thấy dấu hiệu bất thường để phát hiện sớm tình trạng nặng và đi viện kịp thời.
Bác sĩ cũng cho biết, F0 cần lưu tâm đến một chỉ số quan trọng khác hiển thị trên máy đo SpO2 là mạch. Chỉ số này ở người bình thường là là 60-90.
“Ở một số F0, dù kết quả đo SpO2 là 99% nhưng mạch tăng cao (>120 lần /phút) hay giảm (<50) cũng có thể là dấu hiệu bệnh đang tiến triển xấu đi. Tất nhiên, chỉ số mạch còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sốt, sau vận động mạnh, sau dùng cà phê, bia rượu… Bởi vậy, bệnh nhân cần đo trong lúc nghỉ ngơi, nhờ bác sĩ tư vấn nếu chỉ số mạch không trong ngưỡng thông thường”, bác sĩ thông tin.
Theo vietnamnet.vn
Liên kết website
Ý kiến ()