Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 22:30 (GMT +7)
Bác sĩ chỉ cách phòng bệnh tim mạch mùa lạnh hiệu quả
Thứ 5, 29/12/2022 | 11:23:34 [GMT +7] A A
Theo TS.BS Ngô Tuấn Anh - Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Tim mạch, BV Trung ương Quân đội 108, tại các tỉnh miền Bắc, nhiệt độ mùa đông xuống thấp, có nơi dưới 10 độ C đã khiến nhiều người phải nhập viện vì các bệnh lý tim mạch.
Thời tiết lạnh làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch
Mỗi ngày, tại các trung tâm tim mạch lớn tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân nhập viện vì các bệnh lý tim mạch, trong đó chủ yếu người cao tuổi và những người có tiền sử bệnh tim mạch, đặc biệt số lượng này tăng cao trong những ngày đông giá lạnh.
Theo BS. Tuấn Anh, về mùa lạnh, huyết áp thường tăng cao so với mùa hè khoảng 5mmHg, sự duy trì liên tục mức tăng huyết áp này sẽ làm tăng 21% các biến chứng tim mạch. Thời tiết lạnh làm tăng tiết các Catecholamin trong máu dẫn đến co mạch ngoại biên, làm tăng lượng máu trở về tim và tăng huyết áp.
Trong khi đó, đa số người dân không biết hoặc chưa kiểm soát tốt huyết áp của mình. Theo thống kê thì chỉ có khoảng 1/3 trong số bệnh nhân tăng huyết áp được điều trị và trong số những người được điều trị chỉ có 1/3 kiểm soát được huyết áp bằng thuốc.
Với người cao tuổi, huyết áp thường không quá 140/90 mmHg. Khi thời tiết chuyển sang giá lạnh đột ngột, các mạch máu trong cơ thể bị co thắt lại, huyết áp tăng lên, ngoài ra mức huyết áp có thể tăng vọt khi đột ngột ra ngoài trời lạnh hoặc khi đi tắm rửa,... Nếu huyết áp tối đa quá 180 mmHg là điều rất đáng lo ngại.
Nhiều người có tiền sử tăng huyết áp lúc đó huyết áp sẽ tăng mạnh đến 200mmHg, nếu không phát hiện và dùng thuốc kịp thời có thể gây vỡ mạch máu não và tử vong. Đặc biệt những người bị bệnh đái tháo đường nguy cơ biến chứng tăng huyết áp càng cao và dễ có cơn huyết áp kịch phát, nguy hiểm.Tương tự, theo BS. Tuấn Anh, đối với bệnh nhân có bệnh mạch vành, khi trời lạnh nhu cầu oxy cho cơ tim tăng hơn vì thế cũng có nguy cơ xuất hiện dấu hiệu của các bệnh mạch vành như đau ngực, nhồi máu cơ tim cấp.Đặc biệt thời tiết lạnh còn làm tăng số lượng tiểu cầu, tăng hồng cầu và độ nhớt của máu, làm tăng nguy cơ bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não và bệnh mạch máu ngoại vi.
Cách phòng tránh bệnh tim mạch trong mùa lạnh
Để phòng tránh và điều trị các bệnh tim mạch, BS. Tuấn Anh khuyến cáo, vào mùa lạnh, người dân cần được giữ ấm đầy đủ, đặc biệt người cao tuổi hoặc người có tiền sử mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành.
Cần tránh ra trời lạnh đột ngột vào buổi sáng, nhất là lúc mới ngủ dậy. Khi tắm rửa cần làm ấm phòng bằng đèn sưởi và dùng nước ấm, tránh tăng huyết áp đột ngột do lạnh.
- Với người cao tuổi: Khi có cơn tăng huyết áp, không nên giảm huyết áp quá nhanh, sẽ rất nguy hiểm do sự phản ứng của mạch máu ở người già không tốt, nếu giảm huyết áp quá nhanh, cơ thể sẽ không thích ứng được sẽ xuất hiện các triệu chứng chóng mặt, đau đầu, buồn nôn.
Đối với những bệnh nhân bị tăng huyết áp, BS. Tuấn Anh khuyến cáo nên uống các thuốc hạ huyết áp theo chỉ định của bác sĩ. Các thuốc điều trị tăng huyết áp cần được uống liên tục, suốt đời, không được ngừng thuốc đột ngột và có theo dõi của nhân viên y tế.
- Những bệnh nhân có bệnh động mạch vành: Nên được theo dõi định kỳ, nhất là khi chuyển mùa, khi thời tiết thay đổi để có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời.
Người cao tuổi sức đề kháng yếu và những người mắc các bệnh về tim mạch cần tuyệt đối thực hiện các biện pháp dự phòng, giữ ấm cơ thể, tránh lạnh đột ngột, luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài trời. Cần tiếp tục duy trì điều trị các bệnh tim mạch theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Đối với trẻ nhỏ mắc các bệnh tim bẩm sinh, thời tiết lạnh dễ làm bệnh tim nặng hơn, ngoài ra còn dễ khiến trẻ mắc các bệnh lý về hô hấp như viêm họng, viêm đường hô hấp trên, viêm phổi. Do đó cần lưu ý giữ ấm cổ và cơ thể, quàng khăn, đeo khẩu trang và hạn chế ra ngoài trời lạnh, cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ.
Khi trẻ có dấu hiệu của bệnh, cần được thăm khám và điều trị tại các chuyên khoa về tim mạch.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()