Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:10 (GMT +7)
Bác Hồ với công tác bầu cử
Chủ nhật, 23/05/2021 | 05:35:12 [GMT +7] A A
Ngày 23/5, hơn 900 ngàn cử tri Quảng Ninh nói riêng, 69,2 triệu cử tri trong cả nước nói chung sẽ thực hiện quyền bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 -2026. Không chỉ kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Bác 19/5 (1890 -2021) mà ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp này là dịp để chúng ta lại nhớ đến Bác Hồ kính yêu.
Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngay phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Bác Hồ đã đề nghị sớm có một cuộc bầu cử để thông qua Hiến pháp. Ngày 8/9/1945, Chính phủ đã ra Sắc lệnh số 14/SL về việc tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội. Đến ngày 18/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 76-SL về việc ấn định lại ngày tổng tuyển cử và hạn nộp đơn ứng cử vào ngày chủ nhật 6/1/1946 nhằm có thêm thời gian cho công tác chuẩn bị tổng tuyển cử, nhất là cho các nhân sĩ có đủ thời gian để nộp đơn và vận động tranh cử.
Ngày 31/12/1945, báo Cứu Quốc – cơ quan tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh đăng bài “Ý nghĩa tổng tuyển cử” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bài viết, Người chỉ rõ: “Trong cuộc tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó”.
Một ngày trước ngày tổng tuyển cử 6/1/1946, báo Cứu Quốc đăng bài “Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bài viết, Người đã bày tỏ niềm vui sướng: "Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình... Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử".
Không chỉ có quan điểm đúng đắn về tầm quan trọng của công tác bầu cử, Bác Hồ còn là tấm gương mẫu mực trong việc tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về công tác bầu cử. Vì kính trọng, suy tôn Người là công dân số một của đất nước, có người đã viết thư đề nghị Bác không phải ra ứng cử, người thì đề nghị Bác ra ứng cử ở địa phương mình nhưng Bác đều rất trân trọng và viết thư trả lời: “Tôi rất cảm động trước tình cảm của đồng bào, nhưng tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nên tôi không thể vượt ra khỏi thể lệ của tổng tuyển cử đã định. Tôi ra ứng cử ở Hà Nội nên không thể ra ứng cử ở nơi nào nữa”.
Kết quả, ngày 6/1/1946, hơn 90% cử tri trong cả nước đã đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi bỏ phiếu thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân tại thùng phiếu số 10, phố Hàng Vôi, Hà Nội. Thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử, chứng tỏ niềm tin lớn của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh; ghi dấu vai trò to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình chuẩn bị và lãnh đạo cuộc tổng tuyển cử.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 -2026 có tầm quan trọng đặc biệt, được tổ chức vào lúc cả nước đang tập trung xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh. Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, vì vậy, đòi hỏi mỗi cử tri cần sáng suốt lựa chọn những người đủ đức, đủ tài, có sự “quyết tâm, tri tâm và đồng tâm” để “ra sức mưu hạnh phúc cho đồng bào”, “phải làm cho xứng đáng với đồng bào, xứng đáng với Tổ quốc”, như lời Bác Hồ căn dặn. Mỗi lá phiếu của cử tri đều mang sứ mệnh cao cả, góp phần dựng xây quê hương Quảng Ninh nói riêng, Tổ quốc Việt Nam nói chung.
Đại Dương
Đại Dương
Liên kết website
Ý kiến ()