Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:33 (GMT +7)
Bác Hồ nói chuyện với công nhân mỏ
Thứ 5, 10/11/2016 | 09:26:59 [GMT +7] A A
Đúng dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống công nhân Vùng mỏ - Truyền thống ngành Than 12-11 (1936-2016), ngày 28-10-2016, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã ký quyết định (số 3742/QĐ-BVHTTDL) xếp hạng Di tích quốc gia đối với Di tích lịch sử Địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm mỏ than Đèo Nai ngày 30-3-1959, phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả.
Sự kiện Bác Hồ thăm mỏ Đèo Nai ngày 30-3-1959 là niềm tự hào của công nhân ngành Than cùng nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh. Sự kiện này cùng sự kiện Bác Hồ gặp gỡ đại biểu công nhân và cán bộ ngành Than tại Phủ Chủ tịch ngày 15-11-1968 là những sự kiện thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ đối với công nhân, cán bộ ngành Than.
Trong lần thăm mỏ than Đèo Nai ngày 30-3-1959, Bác Hồ đã nói chuyện với cán bộ, công nhân mỏ Đèo Nai - Cẩm Phả. Bài nói chuyện được giới thiệu trên cuốn sách “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh” của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, tháng 8-2007.
Mở đầu bài nói chuyện, Bác Hồ nói:
“Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ về thăm các cô, các chú và cám ơn các đồng chí chuyên gia Liên Xô công tác tại Khu mỏ.
Trước hết, Bác khen ngợi những cố gắng của cán bộ và công nhân mỏ trong thời gian vừa qua, nhất là từ tháng 8-1958 tới nay, công nhân đã có tiến bộ sản xuất, giữ gìn máy móc. Những tiến bộ đó chưa phải đã hoàn toàn 100%, cần cố gắng hơn nữa để tiến bộ mãi”.
Sau khi nêu năng suất lao động của công nhân Liên Xô tăng cao, Bác Hồ nói: “Muốn làm được như vậy, phải có tư tưởng làm chủ nước nhà của giai cấp công nhân, phải tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phải có tinh thần trách nhiệm. Có tinh thần trách nhiệm là phải làm được nhiều, nhanh, tốt, rẻ”.
“Một điểm nữa là phải cố gắng thi đua, thi đua liên tục, mọi ngành, mọi người thi đua, muốn thi đua tốt phải giúp đỡ nhau, người giỏi giúp người kém để cùng tiến bộ. Thi đua để đoàn kết. Đoàn kết để thi đua”.
Trong quản lý xí nghiệp, Bác Hồ cho rằng, nếu cán bộ quản lý mà không tham gia lao động sản xuất thì “dễ quan liêu, mệnh lệnh, sáng kiến của công nhân đưa lên thường bị xếp tủ”. “Vì cứ ngồi ở trên sẽ không biết công nhân đói no, lành rách, không biết sáng kiến của quần chúng mà tiếp thu và áp dụng được”. Còn công nhân chỉ biết lao động mà không tham gia quản lý là “không làm tròn nhiệm vụ chung của người chủ nước nhà”. “Trong học tập quản lý xí nghiệp, cán bộ, công nhân phải đoàn kết thành một khối thì quản lý mới tốt, mới tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm thành công. Muốn vậy phải phê bình, tự phê bình”.
Về an toàn lao động, Bác Hồ nói: “Giữ gìn lao động còn kém. Một công nhân bất kỳ nam hay nữ đều rất quý báu, chẳng những quý cho gia đình các cô, các chú, mà còn quý cho Đảng, Chính phủ và nhân dân nữa. Nếu để xảy ra tai nạn là thiệt chung cho bản thân, gia đình, cho Đảng, Chính phủ và nhân dân. Người bị nạn không đi làm được, gia đình sẽ gặp khó khăn, sức lao động của nhân dân do vậy cũng sút kém. Vì thế chúng ta phải hết sức bảo vệ an toàn lao động, bảo vệ tính mạng người công nhân”.
Kết thúc bài nói chuyện, Bác Hồ thân mật nói: “Hôm nay Bác đến thăm nói chuyện với các cô, các chú làm các cô, các chú mất hơn một giờ sản xuất, vậy các cô, các chú cố gắng làm thế nào bù lại”.
Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống công nhân Vùng mỏ - Truyền thống ngành Than 12-11 (1936-2016), đọc lại bài nói chuyện của Bác Hồ với công nhân mỏ Đèo Nai chúng ta càng hiểu sâu sắc hơn sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ với đội ngũ công nhân mỏ. Những quan tâm, chỉ bảo của Bác Hồ gần 60 năm trước về tinh thần làm chủ nước nhà, về thi đua lao động, sản xuất, về đoàn kết cùng tự phê bình và phê bình, về an toàn lao động... vẫn nguyên giá trị thúc giục đội ngũ công nhân, cán bộ ngành Than hôm nay đoàn kết, vượt mọi khó khăn để phát triển.
Nguyên Đan
Liên kết website
Ý kiến ()