Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 14/01/2025 17:38 (GMT +7)
Bắc Giang: Doanh nghiệp quan tâm đến đời sống của người lao động
Thứ 5, 21/03/2024 | 16:21:07 [GMT +7] A A
Năm 2024, các nhà máy trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cần tuyển hơn 100 nghìn lao động, tập trung ở ngành nghề điện tử và may mặc. Nhằm giữ chân lao động có tay nghề và thu hút nhân lực mới, tạo sự gắn kết, nâng cao hiệu quả sản xuất, nhiều chủ doanh nghiệp (DN) quan tâm đến quyền lợi vật chất, tinh thần của người lao động (NLĐ).
Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có hơn 7,6 nghìn DN đang hoạt động, tạo việc làm ổn định cho khoảng 306,2 nghìn người. Riêng số lao động làm việc trong các KCN là 190,3 nghìn người. Thu nhập của NLĐ tại các DN vốn đầu tư nước ngoài bình quân từ 8-12 triệu đồng/người/tháng; lao động có tay nghề cao thu nhập 15-20 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với thu nhập, nhiều DN quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, bố trí khu vực nghỉ giữa ca, bổ sung dinh dưỡng trong bữa ăn ca, lắp đặt cabin vắt, trữ sữa cho những phụ nữ đang nuôi con nhỏ... giúp họ yên tâm gắn bó.
Đi vào sản xuất từ năm 2016, Công ty TNHH Yamashita Việt Nam (Yên Dũng) chuyên gia công vỏ bọc ghế ô tô xuất khẩu sang Nhật Bản đang tạo việc làm cho gần 400 lao động.
Mỗi tháng, bên cạnh mức lương cơ bản 4,2 triệu đồng/người, DN đang chi trả cho NLĐ một số khoản phụ cấp như: Ăn ca (35 nghìn đồng/suất); thâm niên (500 nghìn đồng); đi lại (650 nghìn đồng); nhà ở (700 nghìn đồng); điện thoại (400 nghìn đồng). Công ty bố trí khu vực nghỉ giữa ca (15 phút/ca), tạo điều kiện cho NLĐ nghỉ ngơi, thoải mái tinh thần, bảo đảm sức khỏe để tiếp tục làm việc.
Thiết thực quan tâm đến NLĐ, từ năm 2021, Công ty TNHH Nano Hightech (KCN Song Khê - Nội Hoàng) đăng ký tham gia mô hình điểm về bếp ăn an toàn. Cùng với bố trí nhà ăn riêng biệt, quy mô bảo đảm gần 400 suất ăn/ca, hằng ngày, Công ty phân công nhân viên y tế phối hợp với cán bộ công đoàn giám sát khâu nhập nguyên liệu đầu giờ sáng và quy trình tổ chức bếp ăn. Hiện nay, DN hỗ trợ mỗi suất ăn cho NLĐ trị giá 20 nghìn đồng; có bữa ăn cải thiện dinh dưỡng vào thứ Sáu hằng tuần, trị giá 32 nghìn đồng/suất.
Theo báo cáo của Công đoàn các KCN tỉnh, hiện trên địa bàn có 30 phòng vắt, trữ sữa đang hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích cho nữ công nhân nuôi con nhỏ. Ông Ngô Đức Thắng, Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh cho biết, tại các đơn vị, công đoàn phối hợp với DN trang bị máy tiệt trùng, máy vắt sữa bằng tay, điều hòa, tủ lạnh bảo quản sữa mẹ.
Điều này đã tạo điều kiện cho nữ đoàn viên, công nhân lao động có điều kiện trữ sữa để nuôi con bằng sữa mẹ trong thời gian dài nhất có thể. Như tại Công ty TNHH Nichirin Việt Nam (KCN Quang Châu), công đoàn phối hợp với đơn vị y tế thường xuyên tổ chức chương trình tập huấn, hướng dẫn kiến thức, nâng cao kỹ năng nuôi con bằng sữa mẹ cho nữ công nhân.
Một số hình ảnh về công tác chăm lo người lao động tại doanh nghiệp:
Theo Báo Bắc Giang
Liên kết website
Ý kiến ()