Bạn bè thường khen ngợi về tài năng lãnh đạo, tính điềm đạm và luôn quan tâm đến cấp dưới của chị Lan Anh - một trưởng phòng tại công ty ở quận 1, TP HCM. Con gái của chị - Minh An (16 tuổi) còn được nhận xét rằng có tố chất nổi trội giống mẹ. Ở trường, Minh An là một lớp trưởng gương mẫu. Ngoài học giỏi, cô bé còn được bạn bè yêu quý vì tính tình dễ mến, hòa đồng, biết quan tâm đến những người xung quanh.
Các nhà khoa học đã có nhiều nghiên cứu về tác động của các yếu tố như di truyền, giáo dục và môi trường đến tính cách của một người. Kết quả cho thấy, một số gene quy định một số tính cách có thể di truyền từ cha, mẹ sang các con. Môi trường, giáo dục cũng tác động rất lớn, giúp trẻ định hình tính cách.
Mối liên hệ giữa tính cách và di truyền
Không chỉ riêng trường hợp của chị Lan Anh mà nhiều đứa trẻ được mọi người nhận xét có những tính cách giống với cha mẹ. Chia sẻ về điều này, bác sĩ Hà Thị Mỹ Hạnh, tư vấn di truyền tại công ty Genetica (TP HCM) cho biết, ông bà ta thường có câu "Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh". Câu nói này không chỉ nói về các đặc điểm di truyền về ngoại hình mà còn có thể là những yếu tố bên trong như trí thông minh, năng khiếu âm nhạc, khả năng ngoại ngữ... Tính cách cũng có thể liên quan đến yếu tố di truyền.
Chẳng hạn, người có "gene chiến binh" MAOA thường có tính khí nóng nảy, khó làm chủ cảm xúc, đôi khi dễ gây hấng, xung đột... Tính thích chinh phục, khám phá những trải nghiệm mới mẻ của người cha hoặc mẹ có thể di truyền cho con qua các biến thể trong gen DRD2, DRD4...
Các xét nghiệm gene sẽ cho thấy rõ hơn những đặc điểm của các biến thể gene ảnh hưởng đến tính cách của một người ở nhiều khía cạnh như hướng nội, hướng ngoại, tính kỷ luật, cởi mở, tận tâm, dễ chịu.... Tuy nhiên, tính cách của một người do nhiều gene cùng tác động để hình thành và nó có thể thay đổi qua thời gian.
Theo bác sĩ Mỹ Hạnh, di truyền còn ảnh hưởng đến đặc điểm tính cách và đặc điểm sức khỏe tâm thần của một người. Ví dụ, xu hướng lo lắng có thể do di truyền. Mặc dù không có gene lo lắng cụ thể nhưng có một số gene có thể khiến một người có nhiều khả năng lo lắng hơn. Tích cách cũng có ảnh hưởng đến cách trẻ tương tác với môi trường, tiếp cận với mọi người và các tình huống trong cuộc sống.
Một đứa trẻ có tính cách dễ gần, dễ kết bạn, thích nghi tốt với những tình huống mới thường ít lo lắng khi đối diện với thử thách. Trong khi một đứa trẻ khởi động chậm, mất nhiều thời gian hơn với những tình huống mới và những người không quen có thể gặp chướng ngại khi đương đầu với thử thách. Những tính cách này ảnh hưởng đến cách trẻ tiếp cận với các tình huống mới. Song nếu được giáo dục, nuôi dưỡng bằng những hoạt động rèn luyện sự năng động, độc lập được lặp đi lặp lại, trẻ nhút nhát sẽ dần trở nên dạn dĩ, tự tin hơn.
Ý kiến ()