Một nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam cho biết sự cố mới nhất xảy ra với tuyến Intra-Asia (IA) sáng 13/6, được xác định do lỗi rò nguồn trên nhánh S1 hướng đi Singapore. Trước đó, hai tuyến khác kết nối Việt Nam cũng gặp trục trặc gồm APG từ tháng 3 và AAE-1 vào ngày 23/5, đều chưa được khắc phục.
Loạt sự cố liên tiếp với 3 trong số 5 tuyến cáp khiến việc truy cập Internet của nhiều người bị ảnh hưởng.
Nguyễn Lâm (TP HCM) cho biết từ tối 13/6 đến sáng nay, anh cảm nhận rõ rệt việc truy cập kém ổn định với đường truyền Internet tại nhà. "Các trang web của Việt Nam vẫn vào rất nhanh, nhưng khi mở trang nước ngoài mất gần 20 giây", anh nói.
Vấn đề cũng ảnh hưởng đến một số dịch vụ cần dung lượng lớn từ nước ngoài như nền tảng phim, game. Trên một số cộng đồng game thủ tại Việt Nam, nhiều người cho biết không thể truy cập trò chơi, hoặc "ping cao" dẫn đến không thể chơi.
Roblox, nền tảng chơi game từ nước ngoài, xác nhận tình trạng này "có thể dẫn đến những trường hợp không thể kết nối hoặc đăng nhập". Hãng khuyến nghị người dùng chuyển sang kết nối di động hoặc liên hệ nhà mạng để được hỗ trợ khắc phục.
Theo đại diện nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam, ngay sau khi sự cố xảy ra, công ty đã làm việc với đối tác phụ trách để tìm cách khắc phục sớm nhất. Ngoài ra, tương tự những tình huống đứt cáp trước đây, nhà mạng cũng đưa ra nhiều biện pháp như san tải sang các hướng khác hoặc qua đường cáp đất liền.
Việt Nam hiện kết nối Internet quốc tế qua năm tuyến cáp quang biển. Tình trạng gián đoạn với những tuyến cáp này cũng không hiếm. Tháng 2/2023, có giai đoạn cả năm tuyến gặp sự cố, đường truyền Internet của Việt Nam mất 75% dung lượng, buộc các nhà mạng phải mua thêm dung lượng theo hướng đất liền. Sau đó, nhiều sự cố đơn lẻ tiếp tục xảy ra khiến đường truyền này gần như không trọn vẹn, cho tới những tháng cuối năm.
Theo quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông, Việt Nam sẽ bổ sung để nâng số lượng lên 7-9 tuyến vào 2025 và 9-11 tuyến vào 2030.
Ý kiến ()