Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:11 (GMT +7)
Bình Phước: Bà Rá núi và người
Thứ 2, 20/02/2023 | 18:29:15 [GMT +7] A A
Núi Bà Rá (thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước) có độ cao 723m trên mực nước biển, tuy nhỏ bé so với hàng vạn ngọn núi trên trái đất nhưng chứa đựng những huyền tích còn ẩn sâu trong từng lớp thời gian và nhiều câu chuyện làm lòng người nao nao... Từ rất lâu, núi Bà Rá đã là một phần không thể thiếu trong tình cảm và cuộc sống hằng ngày của con người trên vùng đất Phước Long tươi đẹp, trù phú.
Huyền tích xưa - lịch sử hào hùng
Chuyện kể trong câu hát sử thi của học sinh dân tộc S’tiêng, trường dân tộc nội trú bên chân núi Bà Rá không có trong sách giáo khoa nhưng rất cuốn hút bởi sự kiện và nhân vật đều diễn ra ngay tại mảnh đất các em đang ngồi học và bia đá vẫn còn ghi dấu... kể rằng: Yang Yumbara là tên gọi thành kính của người S’tiêng đối với thần núi Bà Rá. Vị nữ thần đã cho người S’tiêng con thú để săn, quả để hái, củ để đào, cho cây làm nhà, cho đất để tỉa lúa... và dạy người S’tiêng biết đánh cồng chiêng. Thuở ấy, mọi buôn sóc trên vùng đất từ núi Bà Rá kéo dài cho đến núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) rất đông đúc, con người sống hòa thuận như anh em một nhà. Buôn sóc nào cũng giàu có, năm nào cũng có lễ ăn trâu, mừng lúa mới, cúng thần núi...
Năm 1929, giặc Pháp mở nhiều đường sá để tiến vào bình định các buôn, sóc của đồng bào dân tộc thiểu số và khai thác vùng đất đỏ bazan màu mỡ quanh núi Bà Rá. Chúng dùng sức mạnh súng đạn để cướp tất cả, đuổi đồng bào S’tiêng ra khỏi buôn sóc, nương rẫy của mình để lập đồn điền trồng một loài cây cho những giọt mủ trắng chưa từng mọc trên vùng đất của núi rừng Bà Rá.
Không chịu nổi sự tàn ác của giặc Pháp, ngày 25-10-1933, đồng bào S’tiêng dưới sự chỉ huy của anh em ông Điểu Mốt, Điểu Môn ở sóc Bù Xum đã lập mưu giết tên Đại lý hành chánh Morère ở đồn Bà Rá, mở đầu cho cuộc kháng chiến ở vùng cao nguyên dưới sự lãnh đạo của tù trưởng N’Trang Lơng. Chứng tích của thực dân Pháp đào mồ chôn mình trên vùng đất Bà Rá vẫn còn in dấu trên con đường mới thênh thang từ Phú Riềng đến với núi.
Bà Rá những năm đầu thế kỷ XX còn được biết đến là chốn rừng sâu, nước độc, ai nghe đến hai từ Bà Rá cũng không khỏi rùng mình. Nơi đây thực dân Pháp đã thiết lập một nhà tù nổi tiếng không kém những nhà tù mà chúng đã xây dựng trên đất nước ta như Sơn La, Hỏa Lò, Côn Đảo. Ngày ấy, người tù bị đày đi Bà Rá là coi như hết đường sống. Nữ tướng Nguyễn Thị Định khi vừa tròn 20 tuổi đã bị giặc bắt đi đày lên núi Bà Rá, nơi thực dân Pháp muốn diệt dần mòn con người và ý chí của bà, cũng như bao đồng chí khác...
Miếu thờ nữ thần Bà Rá là nơi ghi dấu sự kiện thực dân Pháp đã chôn sống hơn 40 tù chính trị ở nhà tù Bà Rá vào năm 1943. Miếu thờ Bà Rá là một công trình kiến trúc tín ngưỡng dân gian, nằm trong quần thể di tích lịch sử, danh thắng núi Bà Rá, Thác Mơ được Bộ Văn hóa - Thông tin và Thể thao công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, mang ý nghĩa lịch sử quan trọng, một trong những chứng tích về sự xâm lược của thực dân Pháp trên vùng đất Bà Rá, Phước Long...
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vùng đất Bà Rá, Phước Long cũng là một trong những chiến trường ác liệt. Ngay tại khu vực trung tâm núi Bà Rá, Mỹ - ngụy đã xây dựng một hệ thống căn cứ quân sự, có cả sân bay Phước Bình, ngay trên đỉnh núi là một trạm quan sát và thông tin liên lạc được mệnh danh là “mắt thần” miền Đông, nhằm kiểm soát một vùng quân sự rộng lớn, phía Tây giáp biên giới Campuchia... Không thể kể hết có bao nhiêu tội ác mà giặc Mỹ đã gây ra trên vùng đất này.
Sơn thủy hữu tình, núi và người lưu luyến
Đã có rất nhiều người từ mọi miền đất nước chọn vùng đất tươi đẹp bên núi Bà Rá làm quê hương thứ hai của mình. Nhiều hơn hết vẫn là những con người đã từng sống và chiến đấu bên núi Bà Rá gần 50 năm nước.
Bà Nguyễn Thị Hồng, đồng đội cũ gọi thân mật là Tám Hồng đã chọn vùng đất sát chân núi Bà Rá làm quê hương thứ hai của mình. Bà là người đã từng sống và chiến đấu bên núi Bà Rá từ năm 1966 cùng những đồng chí, đồng đội trong đội du kích. Trong khuôn viên mát rượi bóng cây xanh, ngôi nhà gỗ nhỏ khang trang là nơi bà xây dựng nên một bảo tàng cách mạng cho mình. Nơi đây bà trưng bày, lưu giữ những hình ảnh, kỷ vật chiến tranh. Không chỉ lập bảo tàng, năm 2016, bà Tám Hồng còn thành lập câu lạc bộ đờn ca tài tử. Vào những ngày lễ lớn, các thành viên câu lạc bộ cùng lên thắp nhang tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ trên núi Bà Rá và hát những bài ca về một thời lửa đạn, về quê hương, con người Phước Long hôm nay. Họ hát bằng cả ký ức, tình yêu và lòng thương nhớ, bằng cả sự biết ơn những người “ra đi từ ấy không về”. Tiếng hát ngân vang làm thổn thức cả gió ngàn, mây núi.
Núi Bà Rá là nguồn cảm hứng cho nhiều người dù chỉ một lần đến thăm. Có rất nhiều vần thơ, ý nhạc đã để lại ấn tượng sâu đậm và nhạc sĩ Võ Đông Điền là một trong số đó. “Xuân trên đồi Bằng Lăng” là tác phẩm được sáng tác dành tặng anh em kỹ thuật viên Đài Tiếp vận Phát thanh - Truyền hình Bà Rá vào xuân 1993. Vì thế, bài hát được anh Phan Văn Thảo, Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), người gắn bó với núi Bà Rá lâu nhất xem như là một lời tâm tình với núi. Anh thuộc lòng 1.738 bậc tam cấp dẫn lên đỉnh núi, nhắm mắt có thể biết phía trước là gốc cây to, con dốc đứng, thân quen đến từng hạt sương buổi sớm đọng trên chùm hoa tím bằng lăng, nhận ra từng tiếng con sáo, con nhồng hót buổi chiều trong núi. Với anh, dưới chân ngọn núi kia vẫn còn nhiều người dân vùng biên giới, khó khăn chưa nghe được làn sóng phát thanh của tỉnh nhà, nhất là bà con kiều bào sinh sống tại Campuchia, đang khát khao thông tin về quê hương đất nước mình. Họ đang rất cần một sự chia sẻ... và anh hiểu mình sẽ phải gánh vác việc ấy.
Tỏa sáng giữa đại ngàn
Phước Long nổi tiếng trong câu hát năm nào của nhạc sĩ Thuận Yến trong ngày kỷ niệm giải phóng Phước Long. Hàng ngàn người từ khắp mọi miền đất nước đổ về đây như một cuộc hành hương về với vùng đất ghi nhiều dấu ấn lịch sử hào hùng và bi tráng. Hầu như mọi người đều háo hức được đặt chân lên vị trí cao nhất của ngọn núi, là đích đến của một cuộc thi đấu thể thao cấp quốc gia - Giải vô địch quốc gia Việt dã leo núi “Chinh phục đỉnh cao Bà Rá” - được tổ chức hằng năm, đúng vào ngày kỷ niệm giải phóng Phước Long 6-1.
Sôi nổi và hào hứng hơn cả là sự tham gia của hàng trăm vận động viên từ nhiều dân tộc khác nhau như S’tiêng, Khmer, Kinh, Tày, Nùng ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước và cả những vận động viên đến từ đất nước láng giềng Lào, Campuchia.
Với địa hình quanh co, độ dốc lên đến 250, có những đoạn dốc hơn 450 là một thách thức cho những ai chinh phục đỉnh núi Bà Rá. Người chiến thắng sẽ được tôn vinh là Vua leo núi, Nữ hoàng leo núi và là niềm tự hào cho tất cả mọi người. Vì không chỉ chinh phục được đỉnh cao Bà Rá mà còn vượt qua được chính bản thân mình, đó chính là sức hấp dẫn của giải.
Thiên nhiên thực sự đã ưu đãi vùng đất Bà Rá, nơi đây có đất đỏ bazan vô cùng màu mỡ, thích hợp với nhiều loại cây công nghiệp, cây ăn trái. Ngoài cao su, hồ tiêu, điều từ lâu nức tiếng trên thị trường thế giới thì bưởi da xanh, sầu riêng, 2 trong nhiều loại cây trồng trên đất Bà Rá cũng đã xuất khẩu ra thị trường thế giới, giúp bà con nông dân làm giàu trên quê hương mình. Chúng tôi đi xem vườn sầu riêng 30 ha của gia đình ông Trương Văn Đảo (người dân quen gọi là ông Ba Đảo) ở thôn Bàu Nghé, xã Phước Tín, thị xã Phước Long. Ông Đảo vui mừng giới thiệu quy trình canh tác để có những quả sầu riêng thơm ngon, mang đậm hương vị quê hương Bình Phước. Đặc biệt, loại đất đỏ bazan vùng này chứa một lượng lưu huỳnh cao, làm cho hương vị sầu riêng có điểm khác biệt không nơi nào có được, cơm ráo hơn, màu sắc vàng nhẹ bắt mắt, vị ngọt bùi, béo… ăn mãi không ngán.
Đối với người dân Phước Long, núi Bà Rá là quà tặng quý giá của thiên nhiên. Từ lâu, ngọn núi xinh đẹp này đã trở thành biểu tượng của mảnh đất Phước Long. Nơi đây thực sự là sơn thủy hữu tình, núi xanh, sông bạc. Trước đây nhắc đến Bà Rá, nhiều người cứ nghĩ nơi đây là vùng rừng thiêng, nước độc, ít ai dám đến vì sợ đi về sẽ mang bệnh... Nhưng đó là chuyện của ngày xưa, còn hôm nay ai đã một lần đến đây, chắc sẽ không quên nơi này. Cụm thắng cảnh núi Bà Rá và hồ Thác Mơ đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, một điểm đến lý tưởng của du khách bốn phương.
Du khách ưa khám phá hãy thử chinh phục thêm một trong những ngọn núi đỉnh cao của đất nước mình - núi Bà Rá.
Theo baobinhphuoc.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()