Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết Warsaw sẵn sàng đáp ứng nếu NATO quyết định triển khai vũ khí hạt nhân tại quốc gia này.
"Nga gần đây đã chuyển vũ khí hạt nhân cho đồng minh Belarus. Nếu các đồng minh của chúng tôi quyết định triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Ba Lan như một phần kế hoạch chia sẻ hạt nhân để củng cố sườn đông NATO, chúng tôi sẵn sàng để họ thực hiện quyết định đó", Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nói trong cuộc phỏng vấn được công bố ngày 22/4.
Bình luận được đưa ra sau khi Tổng thống Duda thăm New York, nơi ông tham dự các cuộc họp tại Liên Hợp Quốc và thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine với cựu tổng thống Mỹ Donald Trump. Hồi tháng 3, ông đến thăm thủ đô Washington và gặp Tổng thống Joe Biden.
Theo Tổng thống Ba Lan, các cuộc thảo luận về hợp tác hạt nhân giữa Ba Lan và Mỹ đã diễn ra "được một thời gian".
"Tôi đã nói điều này nhiều lần. Tôi phải thừa nhận rằng khi được hỏi, tôi đã tuyên bố Ba Lan sẵn sàng. Nga đang ngày càng quân sự hóa Kaliningrad", Tổng thống Duda nhấn mạnh. "Chúng tôi là thành viên liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương và chúng tôi có nghĩa vụ của mình, tức Ba Lan chỉ đơn giản thực hiện chính sách chung".
Kaliningrad là vùng lãnh thổ hải ngoại Nga, nằm giữa hai quốc gia NATO là Litva, Ba Lan và giáp với biển Baltic.
Ba Lankhông sở hữu vũ khí hạt nhân. Tổng thống Duda hồi năm 2022 cho biết đang đàm phán với Mỹ về việc tham gia chương trình chia sẻ vũ khí hạt nhân NATO nhằm chống lại mối đe dọa từ Nga.
Chia sẻ hạt nhân là một phần trong chính sách răn đe của NATO, cho phép bố trí vũ khí hạt nhân tại các nước thành viên không sở hữu năng lực này. Ngoài ra, chương trình có thể bao gồm những hoạt động như cung cấp máy bay hộ tống hoặc máy bay trinh sát để thực hiện sứ mệnh hạt nhân.
Trong ba cường quốc hạt nhân củaNATOlà Pháp, Anh và Mỹ, chỉ có Mỹ thực hiện chia sẻ hạt nhân. Tại hội nghị thượng đỉnh NATO gần nhất ở Vilnius, các đồng minh cam kết "thực hiện mọi bước cần thiết để đảm bảo độ tin cậy, hiệu quả, an toàn và an ninh của sứ mệnh răn đe hạt nhân".
Nga năm ngoái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus, sau khi Minsk nhiều lần đề nghị với lý do "chính sách hiếu chiến từ phương Tây" và "mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân của Mỹ tại châu Âu". Mỹ và Liên minh châu Âu lên án thỏa thuận, nói động thái khiến căng thẳng khu vực leo thang nguy hiểm.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết động thái của Nga không khác nhiều so với việc Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân tại 5 quốc gia thành viên NATO là Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ý kiến ()