Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:05 (GMT +7)
Ba Lan đe doạ xây dựng 'liên minh' đưa xe tăng tới Ukraine mà không cần Đức
Thứ 2, 23/01/2023 | 14:05:31 [GMT +7] A A
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết nếu Berlin không “bật đèn xanh” cho phép Warsaw gửi xe tăng chiến đấu Leopard 2 cho Ukraine, Ba Lan sẽ tìm đối tác khác để thực hiện điều này.
Theo tờ Politico, trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Ba Lan PAP hôm 22/1, ông Morawiecki cho biết Ba Lan sẵn sàng vượt qua sự phản đối của Đức để xây dựng “liên minh nhỏ hơn”, gồm các quốc gia và các đồng minh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bàn giao cho Ukraine những chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard do Đức sản xuất.
“Chúng tôi sẽ không thụ động nhìn Ukraine đổ máu”, ông Morawiecki nói và cho rằng giới lãnh đạo Đức phải chịu trách nhiệm về việc nước này từ chối cung cấp xe tăng cho Ukraine.
Tuyên bố của ông Morawiecki được đưa ra trong bối cảnh cuộc tranh luận về việc có nên gửi xe tăng chiến đấu do Đức sản xuất tới Ukraine hay không đang diễn ra căng thẳng trong thời gian gần đây. Trong khi đó, Kiev đã liên tục kêu gọi phương Tây cung cấp vũ khí để đối phó Nga trong nỗ lực giành lại các vùng lãnh thổ đã mất.
Về phần mình, Đức đã bày tỏ do dự đối với yêu cầu gửi xe tăng tới Ukraine. Berlin cho hay nước này sẽ không cho phép các đồng minh vận chuyển xe tăng cũng như gửi các hệ thống do Đức sản xuất tới Ukraine, trừ khi Mỹ có động thái tương tự.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Đức, ông Boris Pistorius, phủ nhận việc ngăn chặn bất kỳ hoạt động chuyển giao xe tăng nào cho Ukraine.
“Chúng tôi đang đối thoại rất chặt chẽ về vấn đề này với các đối tác quốc tế, đặc biệt là với Mỹ”, ông Pistorius nói trong cuộc phỏng vấn với tờ Bild hôm 22/1.
Trước đó, Thủ tướng Ba Lan Morawiecki cũng từng nói rằng nước ông sẵn sàng chuyển giao Leopard cho Ukraine ngay cả khi không có sự chấp thuận của Berlin.
“Vì Bộ trưởng Pistorius phủ nhận rằng Đức đang ngăn chặn việc cung cấp xe tăng cho Ukraine, tôi muốn nghe một tuyên bố rõ ràng rằng Berlin ủng hộ việc gửi chúng. Cuộc chiến đang diễn ra và lúc này, người Đức có muốn giữ chúng trong kho cho đến khi Nga đánh bại Ukraine hay không?”, ông Morawiecki nói.
Berlin đang phải chịu áp lực ngày càng gia tăng về việc chuyển giao xe tăng Leopard 2 hiện đại do Đức sản xuất cho Kiev. Ba Lan và Phần Lan trước đây đã cân nhắc gửi loại xe tăng này đến Ukraine từ kho dự trữ riêng. Tuy nhiên, bất kỳ hoạt động chuyển giao nào cũng đều cần có sự chấp thuận của Berlin.
Hôm 21/1, các quốc gia vùng Baltic gồm Latvia, Estonia và Litva đã kêu gọi Đức tăng cường vai trò lãnh đạo và đưa xe tăng chiến đấu chủ lực tới Ukraine.
Ngoại trưởng Estonia Urmas Reinsalu viết trên Twitter: “Chúng tôi, các ngoại trưởng của Estonia, Latvia và Litva, kêu gọi Đức cung cấp xe tăng Leopard cho Ukraine ngay lúc này. Điều này là cần thiết để ngăn chặn cuộc chiến của Nga, giúp đỡ Ukraine và khôi phục hoà bình ở châu Âu một cách nhanh chóng. Đức với tư cách là cường quốc hàng đầu châu Âu có trách nhiệm đặc biệt trong vấn đề trên”.
Hôm 20/1, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Aleksey Reznikov thông báo rằng quân đội Ukraine sẽ bắt đầu huấn luyện xe tăng Leopard ở Ba Lan. Ông cũng bày tỏ sự lạc quan rằng Berlin cuối cùng sẽ thay đổi ý định về việc cung cấp áo giáp hạng nặng.
Nhà phân tích chính trị Volodymyr Fesenko nhận định rằng Đức đang có hướng thay đổi quan điểm, có thể “bật đèn xanh” cho phép gửi xe tăng tới Ukraine. Ông kêu gọi các bên “hãy kiên nhẫn và kiên trì”. Tuy nhiên, theo ông, vấn đề lớn hơn là Ukraine phải xây dựng lại ngành công nghiệp vũ khí của nước này để không phải dựa vào sự giúp đỡ từ nước ngoài trong tương lai.
Song người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cùng ngày cho rằng không nên phóng đại tầm quan trọng của những nguồn cung này về khả năng thay đổi cục diện chiến trường.
Nước đầu tiên hứa hẹn cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực do phương Tây sản xuất cho Kiev là Anh. Trong khi chính phủ Anh cam kết cung cấp 14 xe tăng Challenger 2 thì Mỹ, Pháp và Đức cam kết cung cấp các phương tiện chiến đấu bộ binh cho Ukraine.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()