Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 17:33 (GMT +7)
Ba Lan bất ngờ nhượng bộ trong tranh chấp pháp lý với EU
Thứ 5, 15/12/2022 | 15:30:48 [GMT +7] A A
Warsaw muốn thay đổi nhanh chóng các quyết định của EU liên quan đến tranh chấp pháp lý nhằm giải ngân 35 tỷ euro tiền mặt từ liên minh này.
Theo trang tin Politico.eu, đối mặt với viễn cảnh mất hàng tỷ euro tiền mặt của EU và ngày càng khó khăn trong việc xoay chuyển tỷ lệ ủng hộ từ các cuộc thăm dò dư luận vốn đang bị suy giảm trước cuộc bầu cử vào năm tới, đảng Luật pháp và Công lý cầm quyền (PiS) của Ba Lan ngày 14/12 đã phát tín hiệu nhượng bộ về vấn đề tranh chấp tư pháp kéo dài đã làm xấu đi mối quan hệ giữa Warsaw và Brussels.
“Chúng tôi không có thời gian để tranh cãi [với Ủy ban châu Âu - EC]. Tôi đã kêu gọi phe đối lập bắt đầu cùng xem xét lại về các luật được đề xuất càng nhanh càng tốt”, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki (PiS) nói trong một cuộc họp báo.
Một dự thảo luật đã được đưa lên Quốc hội Ba Lan vào cuối ngày 13/12 với các điều khoản nhằm thực hiện một cuộc cải cách mà Brussels đã hối thúc từ lâu, trong đó có nội dung là chuyển các vấn đề kỷ luật tư pháp từ một cơ quan đặc biệt trong Tòa án Tối cao, nơi được coi là chịu ảnh hưởng của chính phủ, sang một tòa án cấp cao khác, Tòa án Hành chính Tối cao, được coi là độc lập hơn.
Dự thảo luật cũng đề xuất chấm dứt các biện pháp trừng phạt đối với các thẩm phán đặt câu hỏi về địa vị của các thẩm phán đồng nghiệp - một vấn đề nhạy cảm ở Ba Lan vì nhiều thẩm phán được bổ nhiệm gần đây có địa vị pháp lý đáng ngờ.
Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Ba Lan Szymon Szynkowski vel Sęk cho biết những thay đổi đó đã được đàm phán với EC tại Brussels. Về phần mình, người phát ngôn của Chính phủ Ba Lan, Piotr Müller nêu rõ: “Nếu dự luật này được thông qua, nó sẽ dẫn đến việc giải ngân cho Ba Lan theo tuyên bố từ EC".
Vấn đề độc lập tư pháp và việc sử dụng các biện pháp kỷ luật để trừng phạt các thẩm phán đã lên tiếng chống lại các cải cách tư pháp của Chính phủ Ba Lan là tâm điểm của tranh cãi pháp quyền giữa Warsaw và EU.
Chính phủ Ba Lan lập luận rằng cần phải cải cách sâu rộng để làm cho các tòa án ở nước này hoạt động hiệu quả và trong sạch hơn. Nhưng các nhà phê bình coi những thay đổi pháp lý, bắt đầu vào cuối năm 2015, là một nỗ lực nhằm đặt các tòa án dưới sự kiểm soát chính trị chặt chẽ hơn.
Do đó, EC đã phong tỏa 35 tỷ euro tiền tài trợ và khoản vay từ quỹ phục hồi sau đại dịch COVID-19 cho Ba Lan, trong khi Tòa án Tư pháp EU năm ngoái đã áp đặt mức phạt 1 triệu euro mỗi ngày vì không tuân thủ lệnh của tòa án EU để đình chỉ cơ chế kỷ luật gây tranh cãi của nước này đối với các thẩm phán.
Tuy nhiên, để được EU chấp thuận giải ngân các khoản tiền bị đóng băng, có nghĩa là dự luật phải được thông qua cả hai viện của quốc hội và sau đó được Tổng thống Andrzej Duda ký.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()