Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 02:34 (GMT +7)
Ba giám đốc "bắt tay" sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả
Thứ 4, 25/10/2023 | 12:24:18 [GMT +7] A A
Công an TP Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá thành công chuyên án đấu tranh với hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng bảo vệ sức khoẻ là hàng giả, hàng kém chất lượng xảy ra trên địa bàn bắt giữ 4 đối tượng.
Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Cảnh sát kinh tế Công an TP Thanh Hoá phát hiện trên địa bàn có một số đối tượng trao đổi, mua bán hàng hóa là các loại thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe của một số công ty có thương hiệu. Các đối tượng có hoạt động quảng cáo, chào bán qua mạng và cam kết luôn có sẵn hàng hóa với số lượng lớn, luôn có khả năng cung cấp cho người mua với giá tốt.
Nhận định vụ việc có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh hàng giả, đơn vị đã nhanh chóng tổ chức xác minh, làm rõ nhân thân, lai lịch các đối tượng có liên quan và áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ xác định rõ địa điểm, quy luật hoạt động của các đối tượng để có biện pháp đấu tranh.
Ngày 16/10, Công an TP Thanh Hoá đã tiến hành phá án, tổ chức khám xét đồng loạt tại 10 địa điểm là nhà máy sản xuất, kho chứa cất hàng hoá nhà và xưởng in bao bì sản phẩm trên các địa bàn: TP Thanh Hoá, TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh và huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.
Qua khám xét đã thu giữ hơn 4.000 thùng hàng thuốc là thực phẩm chức năng bảo vệ sức khoẻ giả với hơn 100 mã hàng, hơn 60.000 sản phẩm và hàng nghìn vỏ bao bì giả với tổng tiền hàng hoá ước tính hơn 10 tỷ đồng.
Theo đó, Công an TP Thanh Hoá đã ra quyết định tạm giữ hình sự 4 đối tượng gồm: Lê Quý Đôn, SN 1987, trú tại số nhà 66 Đại Khối, phường Đông Cương, TP Thanh Hoá, là Giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm Quốc tế Goldwin có địa chỉ tại KCN Tiên Sơn, phường Đồng Nguyên, TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đôn nắm giữ 50% cổ phần tại Công ty Goldwin; Hoàng Thị Nga, SN 1981, trú tại số 15 ngõ 42 đường Kim Giang, phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, là người trực tiếp chỉ đạo sản xuất tại nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ của Công ty cổ phần dược phẩm Quốc tế Goldwin. Nga nắm giữ 50% cổ phần tại Công ty Goldwin; Vũ Huy Hải, SN 1989, trú tại thôn Trung Dương, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội là Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Haloka, địa chỉ tại số nhà 55A Nguyễn Quý Trị, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội; Lương Trọng Phúc, SN 1987, trú tại 71 Trịnh Thế Lợi, phường Hàm Rồng, TP Thanh Hoá là Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất thương mại bao bì Đại Thắng, có địa chỉ tại số 670, ngõ 638, Ngô Gia Tự, phường Đức Giang, quận Long Biên, TP Hà Nội.
Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận do nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng tìm mua các thực phẩm bảo vệ sức khoẻ như: thực phẩm giảm cân, thực phẩm bổ não, thực phẩm làm đẹp dành cho phụ nữ, thực phẩm bổ mắt dành cho trẻ em, sữa uống dành cho người già, thực phẩm hỗ trợ điều trị bệnh dạ dày… nên các đối tượng đã đứng ra thành lập các nhà máy sản xuất gia công các loại thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả để bán ra thị trường nhằm trục lợi với nhiều phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi như thành lập công ty sản xuất, các công ty chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm nhưng không có hoạt động kinh doanh tại địa chỉ, không treo biển bảng công ty và hầu hết các công ty này đều do các thành viên trong gia đình đứng tên giám đốc nhằm che mắt các cơ quan chức năng.
Trong đó, Vũ Huy Hải trực tiếp xây dựng kế hoạch làm giả sản phẩm “Trà táo Adela”, đây là sản phẩm đã được Công ty TNHH Hoàng Châu Pharma, có địa chỉ tại số 24 ngõ 08/11 đường Lê Quang Đạo, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đăng ký bảo hộ độc quyền sản phẩm. Sau đó Hải đã liên hệ trực tiếp với Lê Quý Đôn và Hoàng Thị Nga để cung cấp bảng công thức thành phần hàng chính hãng, thuê 2 đối tượng này gia công ruột và màng của sản phẩm trà táo Adela. Sau đó, thuê Lương Trọng Phúc in bao bì sản phẩm trà táo Adela giả rồi bán ra thị trường.
Ngoài ra, quá trình sản xuất, do ham lợi nhuận nên Lê Quý Đôn và Hoàng Thị Nga đã bàn bạc, thống nhất việc giảm các hàm lượng thành phần các chất so với công bố trên sản phẩm của một số loại thực phẩm bảo vệ sức khoẻ khác, đặc biệt là các thành phần thuốc có giá thành cao để giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Mỗi sản phẩm, các đối tượng được hưởng lợi gấp hàng chục lần so với giá trị ban đầu.
Sau khi hàng hoá được sản xuất, các đối tượng xây dựng một hệ thống đội ngũ nhân viên thị trường đông đảo tiếp cận các nhà thuốc, phòng khám và một số đại lý thuốc tân dược để bán các sản phẩm hàng giả đến tay người tiêu dùng. Mặt khác các đối tượng cũng triệt để lợi dụng nền tảng công nghệ số để bán hàng trên các trang thương mại điện tử, các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Telegram, Instagram,… để tiếp cận nhanh nhất đến người tiêu dùng, đồng thời dễ dàng xóa dấu vết phạm tội, trốn tránh sự truy xét của các cơ quan chức năng.
Theo Cand
Liên kết website
Ý kiến ()