Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 12:15 (GMT +7)
Gìn giữ thương hiệu cà ra Ba Chẽ
Chủ nhật, 24/11/2024 | 16:46:35 [GMT +7] A A
Mùa cà ra ở Ba Chẽ bắt đầu khi tiết trời chuyển từ thu sang đông kéo dài khoảng từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Hiện cà ra chỉ có tồn tại trong tự nhiên và chưa có ai nuôi được. Chính điều đó đã tạo ra nét rất riêng cho Ba Chẽ có con sông lớn đầy nét hoang dã tự nhiên.
Đến Ba Chẽ, nhớ món cà ra
Cà ra là một loại cua có hình dáng hơi giống con rạm nhưng kích thước lớn hơn nhiều. Cà ra còn được gọi là cua lông là bởi ở đầu càng của chúng có một túm lông đen mềm, mịn như nhung. Chúng chỉ sống trong môi trường nước ngọt tự nhiên, chưa được nuôi và nhân giống. Nếu như với các loài ghẹ, cù kì, cua đều có một càng rất to, một nhỏ, thì cà ra chỉ có hai chiếc càng nhỏ và 8 cẳng.
Khoảng 6 hay 7 năm trước đây, ai đến Ba Chẽ vào dịp cuối năm, không khó để thưởng thức món cà ra hay mua về cho gia đình và bạn bè vài cân làm quà, nhưng năm nay, cà ra ở Ba Chẽ vào mùa vẫn khan hiếm, muốn mua phải đặt trước mà không phải lúc nào cũng thành công. Tôi có cô bạn người quen làm ở Trung tâm truyền thông và văn hóa huyện, đã đặt cà ra trước đến 2 hôm mà các đầu mối rao bán vẫn cứ lắc đầu là chưa có.
Ở xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ có Nhà hàng 100 tiêu thụ cà ra rất mạnh. Ngay cả khi Thanh Sơn còn trong diện xã đặc biệt khó khăn, đường sá rất khó đi, thì nhiều thực khách không chỉ trên địa bàn huyện, mà còn từ Hạ Long, Cẩm Phả, thậm chí cả nước ngoài vẫn sẵn sàng vượt qua các con đường khó đó để đến với nhà hàng, vì ở đây có món cà ra hấp dẫn. Món cà ra chao mỡ của nhà hàng, cà ra được bóc vỏ, bỏ càng, chặt đôi rồi cho vào chảo chao mỡ, những miếng cua đầy ắp gạch vàng thật bắt mắt, hay cà ra được giã nhỏ nấu với rau bồ công anh là loại rau rất ngon, ở Ba Chẽ vừa là món ăn ngon vừa là vị thuốc bổ dưỡng…
Ông Trương Văn Diểng, chủ Nhà hàng 100 bày tỏ: Trong các khách hàng đến nhà hàng tôi có cả những thực khách Trung Quốc, họ bảo rằng: “Cà ra ở Ba Chẽ là cua lông ngon nhất Việt Nam”. Xem ra, các thực khách đến từ xứ sở cua lông Thượng Hải mà có nhận định như thế hẳn là có cơ sở.
Khó như xuống sông bắt cà ra
Khoảng chục năm trước, Ba Chẽ có đến 50 hộ chuyên làm nghề bắt cà ra sống chủ yếu tập trung ở thị trấn Ba Chẽ và xã Nam Sơn, thế nhưng đến nay chỉ có lác đác vài hộ. Công việc của các hộ bắt cà ra cũng xem ra “nhàn nhã” hơn trước, vì lượng cà ra ngày càng ít đi, nên đa phần các hộ chuyển sang bắt tổng hợp, hễ con gì mắc vào lưới là bắt, chứ không chuyên về cà ra.
Ở thị trấn Ba Chẽ có đông người bắt cà ra hơn, do lòng sông ở đây rộng và gần biển hơn, nên các hộ ngoài bắt cà ra theo mùa còn bắt các loại hải sản khác. Mặt khác, đặc tính của cà ra, chúng chỉ sống ở nước đài hai, nghĩa là nước ở các con sông đổ ra biển và mỗi khi nước triều dâng, nước biển lại đổ vào hòa với nước sông tạo ra độ mặn nhất định, nguồn nước đó phù hợp với môi trường sống của cà ra. Nhiều tháng trong năm, cà ra sống ở khu vực nước ngọt ở các xã phía bên trên thượng nguồn con sông. Mùa đông là mùa sinh sản, cà ra di cư về phía hạ nguồn sông khu vực thị trấn Ba Chẽ và xã Nam Sơn để sinh sản, nên khu vực này tập trung nhiều cà ra to.
Anh Nguyễn Hùng Vĩ, khu 5, thị trấn Ba Chẽ là hộ săn cà ra có tiếng. Trước đây vào dịp tháng 11 (khoảng tháng 10 âm lịch) cứ mỗi lần ra sông cất lưới buổi đêm, đến sáng ngoài các loại hải sản khác thì cũng có vài cân cà ra. Thế nhưng nay, như chị Thương vợ anh Vĩ bảo rằng, phải gom mấy hôm thì mới đủ nấu bữa canh.
Anh Lê Văn Quân, ở khu 5, thị trấn Ba Chẽ trước đây cũng là thợ săn cà ra nổi tiếng ở thị trấn. Gia đình anh Quân sống ở khu vực hạ lưu con sông, nơi có các con suối nhỏ được chia ra từ các nhánh sông, anh tự đan lồng tre để chắn ở khu vực dòng nước chảy, các con suối để bắt cà ra. Nhưng từ hơn nửa năm nay, anh Quân đóng bè nuôi tôm càng trên sông Ba Chẽ. Anh bảo: Những năm trước, về mùa vụ cũng kiếm được khoảng 4-5 cân cà ra/ngày, nhưng năm nay mặc dù đã đến thời vụ, nhưng xem ra công việc cũng chỉ gọi là làm cho vui thôi, chứ cũng không thu được bao nhiêu, nên tôi có ý định chuyển đổi nghề.
Bảo tồn cà ra bằng cách nào?
Trong khi, nguồn cà ra trên địa bàn huyện ngày càng khan hiếm, để khôi phục nguồn hải sản quý giá này, cuối tháng 10/2024, UBND huyện Ba Chẽ đã có công văn số 3690/UBND-NN về việc quản lý bảo tồn, khôi phục phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên (con cà ra) trên sông Ba Chẽ gửi các đơn vị chức năng trên địa bàn trong đó các xã, thị trấn chủ trì phối hợp với Đội quản lý thị trường số 8 để tuyên truyền, phổ biến đến các hộ dân trên địa bàn.
Trong đó, nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, phương tiện, ngư cụ (lồng bát quái)… có tính chất hủy diệt, tận diệt để khai thác, đánh bắt cà ra trên sông Ba Chẽ. Đồng thời khuyến cáo người dân, chỉ bắt cà ra thương phẩm có đường kính mai từ 5cm trở lên, tương đương 150-200g/con, tuyệt đối không khai thác, đánh bắt cà ra nhỏ. Các xã, thị trấn phối hợp chỉ đạo Ban quản lý (Tổ quản lý) chợ trên địa bàn tuyên truyền, phổ biến đến các hộ tiểu thương và các nhà hàng quán ăn trên địa bàn ký giấy cam kết không thu mua và bán cà ra có đường kính mai dưới 5cm. Cũng như, tăng cường công tác kiểm tra việc người dân đánh bắt cà ra trên sông Ba Chẽ, kịp thời phát hiện các hộ tiểu thương, nhà hàng, người dân thu mua cà ra nhỏ, lập biên bản thu hồi (để thả về tự nhiên), xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trước đó, năm 2022, UBND huyện cũng đã phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh, trung ương thả hơn 10.000 con giống cà ra tại sông Ba Chẽ. Từ khi huyện Ba Chẽ có công văn chỉ đạo, các xã, thị trấn trên địa bàn đã tích cực vào cuộc. Đồng chí Phạm Thế Hiển, Bí thư Đảng ủy thị trấn Ba Chẽ cho hay: Chúng tôi đã tích cực tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh trên địa bàn thị trấn 2 lần vào buổi sáng và chiều, khoảng thời gian mà nhiều người nghe được. Đồng thời, thị trấn cũng đã thành lập các tổ công tác đi tuyên truyền trực tiếp cho các hộ chuyên làm nghề đánh bắt cà ra trên địa bàn.
Ông Vi Thành Vinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho hay: Trước mắt, chúng tôi vận động người dân bảo tồn theo hướng phát triển tự nhiên chứ chưa có chính sách hỗ trợ người nuôi cà ra, vì hàng năm, Ba Chẽ có mấy đợt lũ lớn tiềm ẩn nhiều nguy cơ “trắng tay” với các hộ nếu nuôi cà ra trên sông. Nhưng nếu các hộ nuôi tìm vị trí an toàn hơn tránh bão lũ, thì môi trường nuôi lại không phù hợp với con cà ra, vì loài cua này sống ở trong nước đài hai, biến đổi từ nước ngọt sang nước lợ và ngược lại ngay trong ngày. Vào mùa sinh sản, cà ra di cư ra cửa sông giáp biển để sinh sản, nên người nuôi cũng không thể đưa vật nuôi của mình đi di cư được.
Chuyện của những người sống bên sông
Chúng tôi đi tìm hiểu trực tiếp ở các hộ chuyên đi đánh bắt cà ra, ông Đinh Văn Ngọc người đã có 3 đời làm nghề bắt cà ra nay cũng đã thôi làm nghề vì sức khỏe kém. Ông Ngọc nhận định: Cà ra rất kén môi trường sống, chúng còn sống ở sông Ba Chẽ vì môi trường sống của dòng sông vẫn còn tốt. Ở TP Cẩm Phả có con sông Mông Dương cũng là nước đài hai, nhưng tuyệt nhiên không có cà ra sinh sống do nước sông bị ô nhiễm. Sợ nhất là trường hợp người dân sử dụng thuốc say để đánh bắt cá trên suối. Khi nước suối có lẫn loại thuốc này chảy vào sông, thì đoạn sông đó cà ra tự rụng chân rồi chết hết.
Ông Đàm Văn Cường, thôn Khe Loọng Ngoài, xã Thanh Sơn là người đã có 64 năm sống bên sông Ba Chẽ. Ông Cường nhớ lại trước đây cà ra rất nhiều. Ông Cường bảo: Để bảo tồn cà ra trên sông, nếu chỉ là vận động người dân không đánh bắt con nhỏ.v.v, chưa đủ, mà còn phải vận động các hộ có rừng keo bên sông nên thay thế rừng keo bằng các rừng gỗ lớn, hoặc khôi phục các khu rừng tự nhiên.
Theo ông Cường, trước đây ven sông là các khu rừng tự nhiên, các khu rừng này giữ nước, giúp cho nước sông nhiều hơn, nhưng ngày nay, nhiều nơi thay thế là rừng keo. Trước khi trồng vụ mới, người ta lại đốt các gốc keo của năm cũ, làm đất khô cứng và giết chết nhiều loại côn trùng có lợi cho đất cũng là nguồn thức ăn của cà ra. Hơn nữa, keo là loại cây có nhựa độc, khi người ta khai thác, nhựa keo rửa trôi xuống dòng sông. Ngoài ra, bên bờ sông không có cây lâu năm che mát khiến cho nước sông nóng hơn, hủy hoại môi trường sống của cà ra. Do vậy, theo ông Cường, để bảo tồn loài cà ra thì biện pháp làm tốt môi trường tự nhiên hai bên bờ sông là rất cần thiết.
Công Thành
Liên kết website
Ý kiến ()