Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:30 (GMT +7)
Ba Chẽ: Từng bước giảm nghèo đa chiều
Thứ 4, 11/01/2017 | 11:53:42 [GMT +7] A A
Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, nhất là đối với các xã vùng cao khó khăn, huyện Ba Chẽ đã tập trung triển khai nhiều giải pháp trong thực hiện giảm nghèo đa chiều theo Quyết định 59 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cách tiếp cận mới trong công tác xoá đói, giảm nghèo, từ đơn chiều (chỉ có tiêu chí thu nhập) sang đa chiều bao gồm cả tiêu chí về y tế, giáo dục, nhà ở, điều kiện sống và tiếp cận thông tin. Qua đó, hạn chế tái nghèo, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Nhờ chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của Nhà nước, nhiều hộ nghèo ở Ba Chẽ đã vươn lên thoát nghèo. Trong ảnh: Mô hình trồng mía tím của hộ gia đình anh Trần Văn Lùi, thôn Tân Tiến, xã Đồn Đạc. |
Theo đó, huyện Ba Chẽ đã triển khai việc điều tra, rà soát, xác định đối tượng thụ hưởng chính sách giảm nghèo theo tiêu chí mới. Đồng thời, chủ động xây dựng các giải pháp để từng bước nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo. Bởi theo tiêu chí đánh giá giảm nghèo đa chiều, ngoài tiêu chí về thu nhập còn được đánh giá thông qua việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản ở mức tối thiểu, gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, điều kiện sống và tiếp cận thông tin. Việc áp dụng các tiêu chí giảm nghèo đa chiều trước mắt có thể khiến quá trình giảm nghèo chậm và khó hơn, song về lâu dài sẽ tạo cơ hội bình đẳng, giảm dần khoảng cách thụ hưởng dịch vụ, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Những năm gần đây, hầu hết cơ sở hạ tầng thiết yếu đến trung tâm các xã như điện lưới, trường học, trạm xá, các công trình văn hoá đã được tỉnh, huyện ưu tiên bố trí vốn đầu tư. Việc giảm nghèo đa chiều theo hướng bền vững đã đạt kết quả rõ nét. Năm 2015, toàn huyện có trên 5.000 hộ, trong đó có 1.774 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 34,7%, thì đến năm 2016 còn 1.350 hộ nghèo (giảm trên 400 hộ), đạt tỷ lệ 25,91%.
Cùng với đó, huyện đã chỉ đạo các cấp, ngành tập trung xây dựng và thực hiện tốt chương trình phát triển ngành kinh tế lâm nghiệp, thu hút và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn vốn để phát triển ngành lâm nghiệp. Huyện chỉ đạo rà soát diện tích đất rừng để có biện pháp giao đất, giao rừng cho các hộ dân chưa có đất sản xuất, thiếu đất sản xuất để nhân dân có tư liệu sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, chỉ đạo thực hiện xây dựng các mô hình, dự án phát triển sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, chăn nuôi, bám sát chủ trương, định hướng của tỉnh, huyện phù hợp với đặc thù kinh tế của địa phương. Nhiều mô hình hay, cách làm mới đã được ứng dụng và nhân rộng góp phần nâng cao hiệu quả năng suất lao động trong sản xuất nông - lâm trên địa bàn như: Mô hình trồng nấm linh chi, trồng ba kích, trồng măng mai, trồng mía tím, thanh long, trồng cây chè, nuôi gà đồi, ngan đen..., từng bước mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, đời sống của các hộ dân được cải thiện và có nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Đến thăm hộ gia đình anh Trần Văn Lùi ở thôn Tân Tiến, xã Đồn Đạc, anh cho biết: Trước đây gia đình tôi là một trong những hộ nghèo của xã, cả nhà với 5 khẩu chỉ biết trông vào mấy sào ruộng, sinh hoạt hàng ngày rất khó khăn. Nhờ chính sách hỗ trợ sản xuất của Nhà nước về giống, kỹ thuật, gia đình tôi phát triển chăn nuôi lợn, trồng mía tím. Nhờ vậy, mỗi năm trừ chi phí gia đình cũng thu được vài chục triệu đồng và vươn lên thoát nghèo.
Có thể thấy, hiệu quả trong công tác giảm nghèo của Ba Chẽ đã rõ, tuy nhiên, nhìn lại các chỉ số trong thực hiện giảm nghèo đa chiều thì chỉ có tiêu chí nhà ở, nhà tiêu hợp vệ sinh là đạt trên 60%. Một số chỉ tiêu đạt rất thấp như: Việc tiếp cận dịch vụ y tế, bảo hiểm y tế đạt 0,1%; trình độ giáo dục của người lớn đạt 10,7%, tình trạng đi học của trẻ em (0,9%); nguồn nước sinh hoạt (9,8%), sử dụng dịch vụ viễn thông (4,3%)... Như vậy, trong công tác giảm nghèo bền vững, dù là đánh giá theo tiêu chí cũ hay mới thì cải thiện thu nhập vẫn là gốc rễ vấn đề. Do đó, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đối tượng hộ nghèo cũng là giải pháp quan trọng được Ba Chẽ quan tâm. Được biết, thời gian tới, huyện sẽ tập trung xoá mù chữ trong độ tuổi từ 45-60, hiện đang tổ chức 5-6 lớp mỗi năm, phấn đấu trong 2 năm sẽ hoàn thành xoá mù chữ ở đối tượng này. Đặc biệt là thực hiện đa dạng, phong phú các hình thức tuyên truyền nhằm hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ lại, mong muốn được nghèo để thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Với những giải pháp cụ thể, thiết thực của huyện và kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo những năm qua, tin rằng những năm tiếp theo, nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện sẽ chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thu Trang
Liên kết website
Ý kiến ()