Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:29 (GMT +7)
Ba Chẽ: Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm địa phương
Thứ 2, 23/08/2021 | 15:33:54 [GMT +7] A A
Thực hiện chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh, từ năm 2013 đến nay, huyện Ba Chẽ luôn quan tâm, khuyến khích doanh nghiệp, HTX, người dân đổi mới công nghệ, áp dụng các tiến bộ KHKT trong sản xuất, kinh doanh. Qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần khẳng định thương hiệu, tăng sức cạnh tranh các sản phẩm OCOP của huyện trên thị trường.
Từ loại cây rừng mọc dại, có nguy cơ cạn kiệt, trà hoa vàng dần được khôi phục trở thành cây trồng chủ lực tại Ba Chẽ. Năm 2019, huyện Ba Chẽ phối hợp nghiên cứu, đánh giá một số tác dụng dược lý của các hoạt chất trong lá và hoa trà hoa vàng đối với sức khỏe con người. Qua nghiên cứu đã đánh giá được những tác dụng dược lý của hoạt chất trong trà hoa vàng, hầu hết đều có công dụng tốt cho sức khỏe, như: Ngăn ngừa ung thư, chống oxy hóa, chống độc, ức chế khối u, giảm stress...
Ông Nịnh Văn Trắng, Giám đốc Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh - người tiên phong phát triển cây trà hoa vàng trên địa bàn huyện Ba Chẽ, chia sẻ: Khi cây trà hoa vàng được huyện nghiên cứu, làm bật các giá trị về dược liệu, nhận thấy đây là loại cây tốt cho sức khỏe, tôi tiếp tục mở rộng diện tích trồng. Đồng thời, đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ nhằm chế biến trà hoa vàng theo hướng thành phẩm chất lượng cao bằng phương pháp sấy lạnh, hút chân không để hoa trà giữ nguyên màu sắc, mùi vị và dược tính; đăng ký nhãn hiệu, nhãn mác, mã vạch cho sản phẩm.
Sản phẩm trà hoa vàng được chế biến sâu nhờ áp dụng KH&CN, tạo các thành phẩm như lá trà khô, hoa trà khô, trà túi nhúng... Qua đó, không chỉ giúp nâng cao giá trị đầu ra cho sản phẩm, mà còn cả hiệu suất chế biến, ngày càng khẳng định được thương hiệu. Trà hoa vàng Ba Chẽ đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao của tỉnh.
Đến nay, toàn huyện Ba Chẽ đã có 20 sản phẩm OCOP tập trung ở nhóm thực phẩm và đồ uống, với 10 sản phẩm được đánh giá cao, xếp hạng từ 3-5 sao. Hầu hết doanh nghiệp, HTX, người dân trên địa bàn chủ động thực hiện các giải pháp về KH&CN để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Huyện Ba Chẽ đã và đang có những cơ chế, chính sách hỗ trợ về xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối các nhà, hỗ trợ vốn vay xây dựng nhà xưởng, đầu tư công nghệ... Tiêu biểu như các dự án: Nghiên cứu, đánh giá một số tác dụng dược lý của các hoạt chất trong lá và hoa trà hoa vàng Ba Chẽ đối với sức khỏe; nhân giống và chế biến trà hoa vàng; ứng dụng dây chuyền công nghệ chế biến rượu men lá...
Cùng với đó, huyện tích cực hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, ghi nhãn hàng hóa, mẫu mã bao bì sản phẩm, đăng ký mã số, mã vạch... Huyện đã xây dựng 6 nhãn hiệu gắn liền với địa danh Ba Chẽ, gồm nhãn hiệu chứng nhận trà hoa vàng Ba Chẽ; nhãn hiệu tập thể sâm cau Ba Chẽ, nấm lim Ba Chẽ, măng mai Ba Chẽ, mật ong Ba Chẽ và nhãn hiệu công nghiệp ba kích tím Ba Chẽ. Trong đó, sản phẩm ba kích tím và trà hoa vàng được đưa vào danh mục sản phẩm chủ lực cấp tỉnh.
Ứng dụng KH&CN là giải pháp hữu hiệu giúp nâng tầm giá trị các sản phẩm OCOP của huyện và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Để tiếp tục nâng hạng các sản phẩm OCOP và phát triển sản phẩm mới, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, huyện khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, người dân đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào sản xuất, đặc biệt là các sản phẩm có thế mạnh của địa phương. Tiếp tục đề xuất với Sở KH&CN tư vấn, hỗ trợ xây dựng quy trình chuẩn phát triển các sản phẩm OCOP, từ khâu bảo tồn giống, nhân giống, chăm sóc, thu hái, đến chế biến, bảo quản, xúc tiến thương mại... Cùng với đó, các doanh nghiệp, HTX, người dân cần chủ động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, tăng cường liên kết, quảng bá, góp phần khẳng định thương hiệu, tăng sức cạnh tranh các sản phẩm OCOP của địa phương trên thị trường.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()