Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 12:31 (GMT +7)
Ba Chẽ: Nhiều mô hình thanh niên phát triển kinh tế
Thứ 7, 28/03/2020 | 18:59:43 [GMT +7] A A
Phát huy tinh thần xung kích, dám nghĩ, dám làm, tuổi trẻ huyện Ba Chẽ hiện có nhiều mô hình phát triển kinh tế mới, hiệu quả, mang lại thu nhập cao.
Mô hình trồng cây ăn quả và dược liệu của anh Trần Văn Linh, thôn Khe Nháng, xã Thanh Lâm (đứng giữa), ước tính cho thu nhập từ 150-200 triệu đồng/năm. |
Những ngày này, anh Trần Văn Linh (SN 1988, thôn Khe Nháng, xã Thanh Lâm) đang tất bật làm cỏ, tỉa lá, chăm bón cho vườn cây ăn quả kết hợp trồng dược liệu rộng trên 1,5ha của gia đình. Anh Linh chia sẻ: Tôi nghĩ quê hương Ba Chẽ có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế. Vì thế, năm 2019 tôi mạnh dạn vay vốn ngân hàng, đầu tư gần 400 triệu đồng cải tạo đất, san gạt, trồng xen canh 300 gốc bưởi, 600 gốc cam V2, 200 gốc ổi chân châu Đài Loan, trên 1.000 gốc cây ba kích. Các loại cây trồng này đều hợp thổ nhưỡng nên phát triển khá tốt, dự kiến năm 2021 cho thu hoạch vụ đầu tiên; ước tính thu nhập từ 150-200 triệu đồng/năm. Để mô hình thực sự mang lại hiệu quả, tôi tiếp tục học hỏi, tìm hiểu các quy trình chăm bón, phát triển cây trồng và nhu cầu của thị trường.
Cũng với tinh thần xung kích, dám nghĩ, dám làm, anh Chìu Tiến Minh (SN 1996, thôn Đồng Khoang, xã Đạp Thanh) đã vay vốn đầu tư mô hình nuôi nuôi ếch thương phẩm ngay trên chính mảnh đất của gia đình sinh sống để phát triển kinh tế.
Anh Minh cho biết: Thời điểm giữa năm 2018, mô hình nuôi ếch thương phẩm chưa có ai phát triển tại Ba Chẽ. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thị trường, tôi thấy mô hình này rất có triển vọng, nên đã mạnh dạn đầu tư, vay vốn của bạn bè, người thân để xây dựng khu nuôi, nhập 3.000 con ếch về nuôi, nhân giống. Phát triển mô hình mới bao giờ cũng gặp khó khăn vì thiếu kinh nghiệm thực tế, do đó thất bại bước đầu cũng là điều khó tránh. Quan trọng là mình không nản chí, sai ở đâu thì học hỏi, tìm hiểu kỹ ở đó, để theo đuổi đến cùng mô hình. Nhờ vậy, đến giữa năm 2019, gia đình tôi đã bán được mẻ ếch đầu tiên cho các thương lái và nhà hàng trên địa bàn huyện, doanh thu trên 50 triệu đồng. Thời gian tới, tôi tiếp tục huy động vốn để phát triển mô hình, mở rộng thị trường tiêu thụ ra các địa bàn khác.
Bên cạnh nuôi ếch thương phẩm, anh Chìu Tiến Minh đang trồng thử nghiệm 1.000 gốc cam V2 và nuôi cá rô phi, cá trê, chim. Thu nhập của gia đình anh hiện khá ổn định, từ 60-70 triệu đồng/năm. Từ năm 2018 gia đình anh đã thoát cận nghèo.
Hộ anh Chìu Tiến Minh (thôn Đồng Khoang, xã Đạp Thanh) đã thoát diện cận nghèo từ mô hình nuôi ếch thương phẩm. |
Không chỉ tập trung phát triển kinh tế ở một số khu vực, tại 8/8 xã, thị trấn của huyện Ba Chẽ, lực lượng thanh niên đều đi đầu trong tham gia phát triển các mô hình kinh tế, vươn lên làm giàu, tạo sự lan tỏa sâu rộng. Theo thống kê của Huyện Đoàn Ba Chẽ, từ năm 2017 đến nay đã có 28 mô hình thanh niên phát triển kinh tế cho hiệu quả cao, như: Trồng cây ăn quả, cây dược liệu; nuôi bò, gà, thỏ; xưởng cơ khí…
Đến hết năm 2019, Huyện Đoàn Ba Chẽ có 22 tổ tiết kiệm vay vốn, tổng dư nợ khoảng 44 tỷ đồng. Các tổ tiết kiệm hoạt động hiệu quả, phân bổ vốn vay cho thanh niên vay lập nghiệp; trả nợ vốn vay đảm bảo đúng hạn.
Anh Lê Minh Đạt, Bí thư Huyện đoàn Ba Chẽ, cho biết: Mỗi năm, Huyện Đoàn xây dựng phương án hỗ trợ từ 1-2 dự án khởi nghiệp trong thanh niên để tạo sự lan tỏa sâu rộng trong giới trẻ. Huyện Đoàn cũng tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng của huyện, của tỉnh mở các lớp tập huấn khởi nghiệp, lập nghiệp; mời chuyên gia, giảng viên từ các sở, ban ngành, doanh nghiệp khởi nghiệp tiêu biểu để trao đổi ý tưởng, cách làm hay với đoàn viên, thanh niên huyện.
Thời gian tới, Huyện Đoàn tiếp tục rà soát, thống kê các mô hình khởi nghiệp do thanh niên đăng ký để hỗ trợ, tạo điều kiện cho thanh niên có động lực vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo, làm giàu cho gia đình và địa phương.
Minh Đức
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()