Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:56 (GMT +7)
Ba Chẽ: Trao "cần câu" cho người lao động
Thứ 2, 21/06/2021 | 10:04:39 [GMT +7] A A
Ba Chẽ là huyện miền núi của tỉnh có cơ cấu phát triển kinh tế của huyện là lâm - nông nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ, trong đó lâm - nông nghiệp là chủ đạo. Toàn huyện có 9 dân tộc cùng chung sống với tỷ lệ lao động qua đào tạo chưa cao.
Thực hiện “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020”, UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, truyền thông tư vấn nghề, điều tra khảo sát nhu cầu học nghề... gắn với chương trình nông thôn mới để người dân nắm được các ngành, nghề phù hợp với địa phương, phù hợp với từng hộ gia đình và gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới giúp người dân lựa chọn đăng ký nghề theo lĩnh vực sản xuất.
Phòng LĐ-TB&XH huyện mở các lớp dạy nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp, Phòng NN&PTNT huyện mở các lớp dạy nghề nông nghiệp. UBND các xã, thị trấn phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn nghề cho hội viên, đoàn viên lựa chọn và đăng ký học theo ngành nghề được quy định và phù hợp với thực tiễn nhu cầu cần đào tạo và việc làm cho người dân sau khi học.
Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giai đoạn 2011-2020, huyện Ba Chẽ đã đạt được một số kết quả nhất định, bên cạnh việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lao động nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của huyện, huyện luôn chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm nguồn lao động nông nghiệp, tăng ngành lao động phi nông nghiệp cho người nghèo, người dân tộc thiểu số.
Bà Phạm Thị Hằng, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện, cho biết: Từ năm 2011 đến hết năm 2020, huyện đã tổ chức đào tạo 55 lớp nghề cho lao động nông thôn với 1.565 người. Riêng trong năm 2021, huyện đã và đang đào tạo 5 lớp nghề với 100 học viên gồm 2 lớp nông nghiệp và 3 lớp phi nông nghiệp. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên cũng đang duy trì 3 lớp trung cấp nghề với 76 học viên.
Trong năm 2021, huyện đã tổ chức cho 105 lao động đi tham quan tìm hiểu nơi làm việc của các doanh nghiệp ngành Than, kết nối làm hồ sơ tuyển dụng cho 500 lao động, đưa 88 thanh niên đi tham quan thực tế và 20 lao động đi tập huấn tại Công ty TNHH ANZ (Cụm công nghiệp Nam Sơn).
Từ năm 2010 đến nay, toàn huyện đã có 1.478/1.565 người có việc làm sau đào tạo, đạt 94,44%. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo tính đến hết năm 2020 đạt trên 65%. Số lao động còn lại tiếp tục tìm việc làm, chủ động thay đổi căn bản cách lao động thuần túy nông nghiệp trước đây, từng bước chuyển từ nông nghiệp sang tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Đời sống của lao động tham gia học nghề từng bước được cải thiện.
Hàng năm, huyện tiến hành hợp đồng với các cơ sở dạy nghề bố trí giáo viên dạy lý thuyết và thực hành theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng và số lượng. Huyện đã triển khai đào tạo nhiều nhóm nghề khác nhau: Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, điện nước nông thôn, kỹ thuật chế biến món ăn, lái xe ô tô hạng C, sửa chữa máy nông nghiệp... Các mô hình hiệu quả nhất là lớp lái xe hạng C, nề hoàn thiện và kỹ thuật chế biến và phục vụ món ăn.
Sau khi tham gia các lớp nghề, học viên được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết cơ bản về kỹ thuật nền về sửa chữa máy nông nghiệp, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng trọt; nâng cao hiểu biết về trồng trọt và chăn nuôi như cách chọn cây, con giống, cách thức chăm sóc, kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và mở rộng dịch vụ, sản xuất.
Học viên sau khi đào tạo xong đều tự tạo được việc làm, trong đó có các nhóm học viên đã đứng lên tập hợp các học viên thành lập các tổ đội xây dựng mỗi tổ có khoảng 15-20 lao động, thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng. Các lớp kỹ thuật nấu ăn đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động, người học nghề sau khi tốt nghiệp các lớp nấu ăn đã tự mở quán ăn, thành lập các tổ nấu ăn phục vụ tại các nhà hàng trên địa bàn, nấu ăn cho các lớp bán trú tại các trường học, đáp ứng nhân lực cho các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn, mức lương từ 4-6 triệu đồng/tháng. Lao động học nghề lái xe ô tô hạng C sau khi học xong phần lớn đã tự tạo được việc làm hoặc có nhiều cơ hội tìm kiếm được việc làm, tạo thu nhập ổn định, nhiều người có thu nhập ở mức từ 7-9 triệu đồng/tháng.
Ông Vũ Quang Trực, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, nhận định: Huyện Ba Chẽ đã triển khai Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đã giải quyết được nhu cầu học nghề, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận lao động nông thôn, góp phần giải quyết được nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo của một số doanh nghiệp và đáp ứng sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương, thực hiện các chỉ tiêu trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời đây là một trong 3 khâu đột phá góp phần đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
Trong thời gian tới, huyện Ba Chẽ xác định sẽ tiếp tục tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn khi xác định được nơi làm việc và mức thu nhập với việc làm có được sau khi học nghề; đảm bảo các nghề nông nghiệp phải phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sản xuất nông nghiệp; các nghề phi nông nghiệp phải xuất phát từ quy hoạch sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, quy hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp, nhu cầu sử dụng lao động theo vị trí việc làm của các công ty, doanh nghiệp. Giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030, huyện sẽ đào tạo ở trình độ sơ cấp cho khoảng 600 lao động nông thôn (300 người học nghề nông nghiệp, 300 người học nghề phi nông nghiệp); trình độ trung cấp cho khoảng 250 lao động.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()