Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:38 (GMT +7)
Ba Chẽ đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn
Thứ 4, 24/02/2021 | 09:49:16 [GMT +7] A A
Xác định lâm nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của địa phương, Ba Chẽ đã và đang đẩy mạnh phát triển kinh tế từ rừng theo hướng bền vững. Thực hiện mục tiêu này, huyện đã xây dựng và triển khai 2 đề án: Phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn và Bảo tồn, phát triển dược liệu.
Huyện Ba Chẽ vừa tiến hành trồng mới hơn 5.000 cây dổi và cây lim xanh trong những ngày đầu xuân. Đây là việc làm góp phần quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai, điều hòa khí hậu, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nhân dân.
Lực lượng Kiểm lâm huyện Ba Chẽ trồng cây đầu năm. |
Chỉ sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, huyện Ba Chẽ đã ươm thành công 650.000 cây lim xanh, dổi xanh bản địa bằng cả phương pháp gieo hạt truyền thống và ghép, nhằm phục vụ trồng 650ha rừng.
Đây là hướng đi đúng trong chuyển đổi cơ cấu nông, lâm nghiệp gắn với giảm nghèo bền vững và bảo vệ tài nguyên rừng. Bởi chỉ riêng giống dổi đang được ươm từ phương pháp ghép, hiện đang giảm thời gian sinh trưởng từ 40 năm xuống còn 30 năm. Chỉ sau 5 năm trồng, dổi đã có thể cho thu hoạch hạt. Với giá thị trường hiện nay là trên 1 triệu đồng/kg hạt thì 1ha dổi mỗi năm có thể cho nguồn thu hàng trăm triệu, thậm chí lên tới 1 tỷ đồng.
Nhờ làm tốt công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, tỉ lệ che phủ rừng của huyện Ba Chẽ đến hết năm 2020 đạt 72%. |
Ông Đỗ Khánh Tùng, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Ba Chẽ là địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn. Hiện diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp toàn huyện đạt 56.691ha, chiếm trên 93,4% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện, trong đó diện tích rừng trồng đạt hơn 38.777,7ha.
Xác định công tác trồng rừng, trồng cây mang lợi ích to lớn, năm 2020, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm đẩy mạnh sản xuất nông lâm nghiệp, huyện Ba Chẽ đã trồng được 3.854ha rừng, đạt 128,5% kế hoạch; trong đó đã trồng được 813ha cây gỗ lớn; tỷ lệ che phủ rừng toàn huyện đạt 72%, tăng 0,5% so với năm 2019.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Bí thư Huyện ủy Ba Chẽ, khẳng định: Huyện đang tích cực triển khai thực hiện đề án phát triển rừng trồng gỗ lớn giai đoạn 2021-2025, trong đó mỗi năm sẽ phấn đấu trồng mới 650ha rừng gỗ lớn với các loài như: Sa mộc, lim, thông mã vỹ, keo úc, dổi, lát hoa.
Và đến năm 2025, huyện sẽ có tổng diện tích hơn 3.000ha rừng gỗ lớn. Huyện Ba Chẽ đồng thời đẩy mạnh các giải pháp bảo tồn giá trị rừng nguyên sinh hiện có với tổng diện tích hơn 7.000ha trên địa bàn toàn huyện để gắn phát triển kinh tế lâm nghiệp và du lịch bản địa, sinh thái rừng, huyện cũng sẽ thực hiện việc cấp chứng chỉ rừng bền vững cho 30% diện tích rừng hiện có, để nâng cao giá trị rừng trồng.
Công tác trồng, chăm sóc bảo vệ rừng không chỉ góp phần quan trọng trong việc điều tiết khí hậu phòng chống bão lũ mà còn mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho người dân, là nguồn thu nhập chính của người nông dân huyện miền núi. Vì vậy, công tác này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo người dân trên địa bàn huyện.
Chị Triệu Thị Dung, xã Thanh Sơn, cho biết: Người dân chúng tôi sẽ tăng cường công tác trồng, quản lý, chăm sóc bảo vệ rừng, nhất là trong thực hiện đề án trồng rừng gỗ lớn của huyện để bảo vệ môi trường tự nhiên và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của gia đình.
Anh Triệu A Tiến ở thôn Pắc Cáy, xã Đồn Đạc chủ động phát triển kinh tế rừng để vươn lên thoát nghèo. |
Năm 2021, huyện Ba Chẽ quyết tâm thực hiện tốt Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Chỉ thị số 02-CT/HU ngày 1/9/2020 của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đề án trồng rừng gỗ lớn, đề án bảo tồn, phát triển một số loài dược liệu quý của huyện.
Ba Chẽ hướng đến mục tiêu trồng rừng đạt 3.000ha, duy trì độ che phủ rừng đạt 72%; phấn đấu trồng 650ha cây gỗ lớn và 84ha cây dược liệu; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức các tầng lớp nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng.
Thiết nghĩ, để đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, huyện Ba Chẽ cần vận động người dân hiểu được các lợi ích lâu dài, bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường khi trồng rừng gỗ lớn, thay thế các cây rừng khác hiện nay, ngắn ngày hơn như keo, hiệu quả kinh tế thấp lại làm nghèo dinh dưỡng của môi trường đất. Đồng thời, chủ động đề xuất tỉnh ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ về cây giống và khuyến khích nhân dân trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng gỗ lớn, nhất là giống lim, dổi bản địa; cần nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật để các loại cây này sinh trưởng tốt, sớm cho hiệu quả kinh tế.
Các xã, thị trấn, các ban, ngành, đoàn thể huyện tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân, doanh nghiệp hăng hái triển khai thực hiện các dự án trồng rừng gỗ lớn, dự án trồng cây dược liệu, hoàn thành tốt chỉ tiêu diện tích trồng rừng gỗ lớn và trồng cây dược liệu được giao năm 2021. Về lâu dài, cần hướng đến việc kết hợp quản lý chặt chẽ, bảo vệ, phục hồi, phát triển bền vững, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái gắn với phát triển du lịch, dịch vụ, khám phá, trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên Khu bảo tồn Đồng Sơn - Kỳ Thượng, gắn với những nét văn hóa đặc sắc các dân tộc huyện Ba Chẽ; tập trung phát triển và nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực của địa phương.
Được biết, với các giải pháp đồng bộ, huyện Ba Chẽ đặt ra mục tiêu trong 5 năm tới sẽ chuyển đổi thành công ít nhất 3.000ha rừng sản xuất từ những cây ngắn ngày hiện nay sang trồng cây gỗ lớn, các loài cây bản địa. Từ đây, sẽ tạo bước đột phá trong tái cơ cấu, phát triển lâm nghiệp bền vững, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập, mang lại đời sống khá giả cho người dân miền núi, góp phần thực hiện mục tiêu thu hẹp chênh lệch vùng miền trong tỉnh.
Với quyết tâm thực hiện tốt Chỉ thị 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XXV, trong tương lai không xa huyện Ba Chẽ sẽ trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh.
Huỳnh Đăng
Ông Vi Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Lương Mông: "Người dân tự bỏ vốn đầu tư trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp"
Thực hiện sự chỉ đạo của huyện, trong những năm qua chúng tôi đã tập trung ưu tiên, khuyến khích người dân trên địa bàn xã trồng cây gỗ lớn kết hợp với trồng cây dược liệu dưới tán rừng có chu kỳ kinh doanh dài như lát, lim, quế và các loại cây bản địa. Việc này vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân và bảo vệ được rừng. Đồng thời, chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về lợi ích của việc trồng rừng. Chính vì vậy, từ chỗ người dân chỉ trồng rừng ngắn vụ theo phương thức chỉ chờ đợi sự hỗ trợ của Nhà nước thì đến nay hầu hết các gia đình đều đã tự bỏ vốn đầu tư trồng rừng, góp phần vào sự phát triển kinh tế lâm nghiệp chung của huyện Ba Chẽ.
Ông Lý Quang Cường, thôn Nam Hả Trong, xã Nam Sơn:"Rừng mang lại nguồn thu nhập chủ yếu cho chúng tôi"
Gia đình tôi cũng như nhiều hộ gia đình trong thôn trước đây chủ yếu trồng cây keo mà chưa nghĩ đến những cây lâu năm, cây gỗ lớn. Nhưng giờ đây, chúng tôi nhận thấy rằng trồng cây gỗ lớn có giá trị cao hơn, nhất là những diện tích rừng ở xa đường giao thông. Vì vậy, gia đình tôi đã dành một phần diện tích để trồng cây gỗ lớn. Để cây sinh trưởng và phát triển tốt, chúng tôi chú trọng đến mùa vụ, vì nếu trồng đúng vụ rất thuận lợi cho việc trồng và chăm sóc. Thời tiết phù hợp cây cũng bén rễ tốt hơn có sức phát triển nhanh hơn. Hiện nay, gia đình tôi đã chuẩn bị sẵn hiện trường làm đất đầy đủ để đầu tháng 3 sẽ trồng keo. Đối với người dân Ba Chẽ thì trồng rừng mang lại nguồn thu nhập chủ yếu. Chúng tôi mong muốn người dân Ba Chẽ tăng cường trồng nhiều hơn nữa các loại cây gỗ lớn để có thu nhập cao hơn.
Ông Triệu Kim Phượng, thôn Tàu Tiên, xã Đồn Đạc:"Trồng cây gây rừng không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn bảo vệ môi trường sinh thái"
Qua nhiều năm trồng rừng, tôi thấy các loài cây như keo, sa mộc, quế, thông… rất phù hợp với điều kiện khí hậu và đất đai của huyện Ba Chẽ. Minh chứng là cây trồng phát triển rất tốt nên chúng tôi chủ động đầu tư trồng rừng. Như gia đình tôi hiện tại đã trồng trên 15ha, chủ yếu là keo và sa mộc. Gia đình tôi đã chuyển 5ha rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn với 2 loại cây là quế, sa mộc. Đến nay, diện tích rừng của gia đình phát triển rất tốt.
Theo tìm hiểu của tôi thì hiện nay, việc trồng gỗ lớn cho lợi nhuận gấp nhiều lần trồng gỗ nhỏ thông thường. Cây gỗ lớn trồng từ 8-12 năm cho lãi trên 500 triệu đồng/ha tùy vào chất đất của từng vùng. Bên cạnh đó, tôi thấy rằng việc trồng cây gây rừng không chỉ có lợi cho người dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tăng độ che phủ rừng của huyện nên chúng tôi sẽ tiếp tục tích cực trồng rừng để làm giàu cho gia đình và quê hương.
Ông Nguyễn Xuân Tĩnh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển rừng bền vững xã Thanh Sơn:"Mong huyện quan tâm tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp phát triển rừng"
Thực hiện "Đề án phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn trên địa bàn huyện", Công ty Cổ phần Phát triển rừng bền vững xã Thanh Sơn chúng tôi đã tự nhân giống và trồng được trên 3ha, với giống cây chủ lực là cây dổi. Lý do để chúng tôi chọn dổi vì loại cây này rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và phát triển rất tốt, hơn gấp nhiều lần so với rừng trồng của nhiều người dân đang làm. Ngoài cây gỗ lớn, chúng tôi quan tâm đến trồng dược liệu dưới tán rừng, chúng tôi tận dụng và khai thác độ che phủ của rừng dổi để xen canh trà hoa vàng và ba kích tím. Vì đây là 2 sản phẩm hàng đầu và đặc sản của huyện, là cơ hội cho thu nhập cao. Rất mong huyện tiếp tục quan tâm đến các doanh nghiệp để chúng tôi có thêm điều kiện thực hiện việc trồng rừng trên diện tích hiện có.
Thùy Loan (Trung tâm TT&VH Ba Chẽ)
Liên kết website
Ý kiến ()