Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 19/01/2025 07:01 (GMT +7)
Australia nhấn mạnh tiêm chủng là chìa khóa để hạn chế tử vong
Thứ 3, 31/08/2021 | 15:06:14 [GMT +7] A A
Ngày 31/8, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm vaccine ngừa COVID-19, theo đó chỉ ra sự khác biệt rõ rệt về tỷ lệ tử trong đợt bùng phát lớn nhất ở bang Victoria vào năm 2020 và làn sóng biến thể Delta hiện đang tấn công bang New South Wales (NSW).
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, trao đổi với báo giới, Thủ tướng Morrison cho biết tỷ lệ tử vong ở bang Victoria trong đợt bùng phát dịch năm ngoái là 4,3%, khi chưa có vaccine ngừa COVID-19. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong hiện nay ở bang NSW chỉ là 0,4%, khi có cùng số ca mắc COVID-19 và tỷ lệ người dân từ 16 tuổi trở lên đã tiêm chủng đủ liều là hơn 36%.
Thủ tướng Morrison cũng khẳng định ông ủng hộ kế hoạch cho phép người dân Australia trở về từ nước ngoài được cách ly tại nhà khi 70% dân số được tiêm chủng đủ liều. Hiện việc cách ly tại nhà đang được thực hiên thí điểm tại bang Nam Australia. Tuy nhiên, ông Morrison cảnh báo một số biện pháp hạn chế sẽ cần được duy trì, ngay cả khi Australia đạt được mốc tiêm chủng 80%.
Thủ tướng Morrison cũng thông báo Australia sẽ tiếp nhận 500.000 liều vaccine của Pfizer từ Singapore trong tuần này. Đổi lại, Australia cũng sẽ cung cấp số vaccine tương tự cho Singapore vào cuối năm nay. Thoả thuận trao đổi vaccine này sẽ cho phép Australia đẩy nhanh chương trình tiêm chủng.
Cùng ngày, chính quyền thủ đô Canberra của Australia đã gia hạn lệnh phong toả nghiêm ngặt thêm 2 tuần trong bối cảnh thành phố này đang nỗ lực kiểm soát số ca nhiễm biến thể Delta gia tăng mạnh. Theo đó, các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt sẽ được duy trì cho tới ít nhất ngày 17/9.
Thủ đô Canberra đã áp dụng lệnh phong tỏa trong 3 tuần sau khi phát hiện một loạt trường hợp mắc mới COVID-19 được cho là lây lan từ bang NSW, tâm chấn của đợt bùng phát dịch COVID-19 mới nhất ở Australia. Ngày 31/8, Canberra ghi nhận 13 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua. Trong khi đó, bang NSW có thêm 1.164 ca mắc mới, giảm nhẹ so với mức kỷ lục 1.290 ca ghi nhận một ngày trước đó. Bang Victoria, cũng đã trải qua 5 tuần phong toả, cùng ngày ghi nhận 76 ca mắc mới trong 24 giờ qua, tăng nhẹ so với 73 ca được báo cáo 1 ngày trước đó. Thủ hiến bang Victoria Dan Andrews cho biết hiện vẫn còn quá nhiều người chưa tiêm chủng để có thể nới lỏng các biện pháp chống dịch.
Tới nay, Australia đã ghi nhận gần 54.000 ca mắc COVID-19 và 1.006 ca tử vong kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi đầu năm ngoái.
*Tại nước láng giềng New Zealand, chính phủ nước này ngày 31/8 thông báo số ca mắc mới COVID-19 đã giảm ngày thứ 2 liên tiếp, xuống còn 49 ca.
Tổng số ca mắc trong đợt bùng phát hiện nay ở New Zealand là 612 ca, với 597 ca ở thành phố lớn nhất Auckland và 15 ca ở thủ đô Wellington.
Khoảng 1,7 triệu cư dân Auckland phải tiếp tục sống trong lệnh phong toả nghiêm ngặt cấp độ 4 thêm 2 tuần nữa, trong khi các biện pháp hạn chế được áp đặt đối với phần còn lại của đất nước sẽ được nới lỏng từ ngày 1/9. Các trường học, văn phòng và địa điểm công cộng trên toàn quốc vẫn phải đóng cửa, song các doanh nghiệp sẽ được phép vận hành các dịch vụ không tiếp xúc.
Tới nay mới chỉ có hơn 25% dân số New Zealand đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 - tốc độ chậm nhất trong số các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
*Cùng ngày, hãng Reuters đưa tin Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Norihisa Tamura cho biết tạp chất lạ được phát hiện trong vaccine của Moderna ở tỉnh Okinawa nhiều khả năng do kim tiêm bị kẹt trong ống vaccine.
Ngày 29/8 vừa qua, Nhật Bản đã đình chỉ sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Moderna ở tỉnh Okinawa, miền Nam nước này sau khi phát hiện các chất lạ trong lọ vaccine và ống tiêm. Bộ Y tế Nhật Bản sau đó cho biết các trường hợp này có thể do cắm kim tiêm vào lọ không đúng cách, làm vỡ phần chặn bằng cao su của các lọ vaccine. Trong khi đó, hãng dược phẩm Moderna của Mỹ cũng khẳng định lô vaccine ngừa COVID-19 vừa bị đình chỉ sử dụng ở Nhật Bản không liên quan đến an toàn hay hiệu quả của vaccine.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()