Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:52 (GMT +7)
Australia là quốc gia đầu tiên cung cấp bộ dụng cụ tự lấy mẫu tầm soát ung thư cổ tử cung
Thứ 6, 17/06/2022 | 17:17:24 [GMT +7] A A
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, tháng 7 tới, Australia sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cung cấp bộ dụng cụ tự lấy mẫu tầm soát ung thư cổ tử cung cho phụ nữ, không cần sự can thiệp của y tá hoặc bác sỹ.
Đây là một phương pháp mới ít gây xâm lấn, thuận tiện và thoải mái hơn, giúp khuyến khích tầm soát phát hiện sớm ung thư cổ tử cung đối với những người không muốn xét nghiệm định kỳ vì những lý do cá nhân.
Giáo sư Karen Canfell thuộc Trung tâm Daffodil cho biết mỗi năm có trên 900 phụ nữ tại Australia được chuẩn đoán mắc bệnh ung thư cổ tử cung, trong đó khoảng 250 người tử vong. 80% các trường hợp mắc ung thư cổ tử cung mới được phát hiện là những người chưa từng khám sàng lọc hoặc đã quá hạn khám sàng lọc định kỳ. Giáo sư Canfell tin rằng việc đưa thêm phương pháp tự thu thập mẫu xét nghiệm vào hoạt động tầm soát ung thư cổ tử cung sẽ giúp thu hẹp khoảng cách trong các cộng đồng có tỷ lệ sàng lọc thấp hơn.
Vào tháng 12/2017, Australia đã trở thành quốc gia tiên phong toàn cầu áp dụng phương pháp HPV xét nghiệm ung thư cổ tử cung thay phương pháp cũ là PAP.
Nghiên cứu của Hội đồng Ung thư bang New South Wales cho thấy, nhờ việc triển khai trên toàn quốc chiến dịch chủng ngừa virus HPV và chương trình xét nghiệm mới tầm soát ung thư cổ tử cung, tỉ lệ phụ nữ được chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung tại Australia hiện thấp nhất trên thế giới.
Giáo sư Marion Saville, Giám đốc điều hành của Trung tâm phòng chống ung thư cổ tử cung của Australia tin rằng nước này có khả năng xóa bỏ ung thư cổ tử cung "trong vòng 5 hoặc 6 năm tới".
Ung thư cổ tử cung là một trong những loại ung thư phổ biến ở phụ nữ, có nguy cơ gây tử vong. Bệnh thường không có triệu chứng ở giai đoạn sớm. Khi triệu chứng xuất hiện thường là lúc ung thư đã phát triển và ở giai đoạn khó điều trị.
Các nghiên cứu cho thấy với tỉ lệ mắc bệnh ung thư cổ tử cung trên toàn thế giới vào năm 2022 chỉ ở mức chưa đến 6/100.000 người và dự kiến đến năm 2035 chỉ còn 4/100.000, có khả năng đến năm 2060 có thể loại bỏ hoàn toàn căn bệnh này hoặc tỉ lệ chỉ còn 1/100.000. Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi các quốc gia nỗ lực phủ rộng phạm vi tiêm vaccine ngừa ung thư cổ tử cung cho các trẻ em gái đến tuổi trưởng thành và phụ nữ, cũng như tăng cường tầm soát ung thư sớm. Tuy nhiên, đây vẫn là một công tác hết sức khó khăn tại các nước đang phát triển và kém phát triển.
Các chuyên gia cho rằng thách thức lớn là làm sao đưa chương trình chủng ngừa đến các nước đang phát triển, nơi ước tính mỗi năm có 250.000 người tử vong vì bệnh ung thư này. Nếu thành công của Australia được nhân rộng trên toàn thế giới, có thể cứu sống được 62 triệu phụ nữ trong thế kỷ tới.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()