Việc phe ly khai ở Nagorno-Karabakh đầu hàng quân đội Azerbaijan khiến Thủ tướng Armenia đối mặt làn sóng đòi từ chức, đẩy đất nước vào khủng hoảng chính trị.
Nhóm ly khai thân Armenia ở Nagorno-Karabakh ngày 20/9 ký thỏa thuận ngừng bắn với quân đội Azerbaijan, chấp nhận buông vũ khí và giải tán lực lượng. Phe ly khai còn chấp thuận đề xuất từ chính quyền Azerbaijan về các cuộc đàm phán nhằm tái sáp nhập khu vực này vào Azerbaijan.
Bộ Quốc phòng Azerbaijan sau đó khẳng định phe ly khai Nagorno-Karabakh đã đầu hàng, thêm rằng toàn bộ đạn dược và thiết bị quân sự hạng nặng của lực lượng này sẽ phải giao nộp cho Azerbaijan.
Đây được coi là chiến thắng lớn của Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev trong nỗ lực đưa Nagorno-Karabakh trở lại dưới quyền kiểm soát của Baku. Trong khi đó, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan bị chỉ trích nặng nề và đối mặt những lời kêu gọi từ chức.
Một cuộc khủng hoảng chính trị đang bao trùm thủ đô Yerevan của Armenia, khi người biểu tình đổ ra đường phố trong ba ngày liên tiếp, phản đối cách chính phủ của Thủ tướng Pashinyan xử lý cuộc khủng hoảng Nagorno-Karabakh, cho rằng ông đã chấp nhận quá nhiều nhượng bộ trước Azerbaijan.
Phe đối lập cáo buộc Thủ tướng Pashinyan "phản quốc", yêu cầu ông rời ghế ngay lập tức, thậm chí đã khởi động tiến trình luận tội ông tại quốc hội.
Người dân từ Yerevan và những khu vực lân cận đã phong tỏa các tuyến đường tới thủ đô. Họ giận dữ vì Thủ tướng Pashinyan quyết định đứng ngoài cuộc đụng độ ở Nagorno-Karabakh, khiến phe ly khai tại đây phải hạ vũ khí đầu hàng.
"5 năm dưới chính quyền Nikol Pashinyan, chúng tôi đã mất Artsakh và an ninh quốc gia của Armenia cũng bị đặt dấu hỏi", một người biểu tình tên Suren nói, sử dụng tên mà người Armenia vẫn dùng để chỉ khu vực Nagorno-Karabakh. "Việc ông ấy tiếp tục lãnh đạo đất nước là điều không thể chấp nhận được. Nếu điều này tiếp diễn, chúng ta sẽ sớm mất Armenia".
Andranik Tevanyan, cựu nghị sĩ và hiện là chủ tịch liên minh Đức mẹ Armenia đối lập, cũng kêu gọi Pashinyan rút lui vì đã "từ bỏ" Nagorno-Karabakh.
"Chúng tôi kêu gọi Thủ tướng Pashinyan rút lại tuyên bố tháng 10/2022 được đưa ra sau cuộc đàm phán ở Praha, trong đó ông công nhận toàn vẹn lãnh thổ của Azerbaijan, gồm cả khu vực Nagorno-Karabakh, dẫn chúng ta đến tình trạng đáng buồn hiện nay", Tevanyan nói.
Tevanyan, người thường xuyên phát biểu tại các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Yerevan, gọi Thủ tướng Pashinyan là "mối đe dọa lớn nhất đối với Armenia". "Chúng ta phải đảo ngược hoàn toàn các chính sách của Pashinyan", ông tuyên bố.
Arman Babajanyan, chủ tịch đảng Vì Cộng hòa của Armenia, cho rằng sau biến cố ở Nagorno-Karabakh, nơi có đông đảo người gốc Armenia sinh sống, tình hình chính trị trong nước có thể còn trở nên bất ổn hơn nữa, nhưng không đồng tình việc yêu cầu Thủ tướng Pashinyan từ chức.
"Nếu những cuộc biểu tình gây sức ép đòi Thủ tướng Pashinyan từ chức không thành công, hoàn toàn có khả năng Azerbaijan sẽ có thêm hành động quyết liệt chống lại Armenia", ông suy đoán.
Chuyên gia chính trị Armen Baghdasaryan tại Yerevan nhận định Thủ tướng Pashinyan vẫn có triển vọng tiếp tục nắm quyền, miễn là người gốc Armenia ở Nagorno-Karabakh không bị Azerbaijan trục xuất.
"Nếu 120.000 người ở Nagorno-Karabakh phải sơ tán đến Armenia, khi đó, làn sóng phản đối mới đủ mạnh để khiến chính phủ bị lật đổ", ông nói.
Theo Baghdasaryan, phe đối lập chỉ đơn giản là đang tận dụng thời cơ để tăng sức ép buộc Thủ tướng Pashinyan từ chức, trong khi họ không đưa ra được kế hoạch hành động cụ thể nào để cải thiện tình hình. "Gần như không thể tạo ra bất kỳ thay đổi nào trong bộ máy lãnh đạo với một chương trình nghị sự như vậy", ông cho hay.
Lo sợ về một tương lai bất ổn, hàng nghìn người Armenia đã đổ đến sân bay ở Stepanakert, thủ phủ vùng Nagorno-Karabakh, nơi được Azerbaijan gọi là Khankendi, để tìm đường sơ tán. Những người khác tới căn cứ lực lượng gìn giữ hòa bình Nga để trú ẩn.
Azerbaijan tuyên bố sẽ tiếp nhận 120.000 người dân tộc Armenia ở Nagorno-Karabakh và quyền lợi của họ sẽ được bảo vệ theo hiến pháp. Nhưng nhiều người Armenia tỏ ra hoài nghi, cáo buộcAzerbaijanđang tìm cách "thanh lọc sắc tộc" ở Nagorno-Karabakh, điều Baku phủ nhận.
"Về cơ bản, họ đang nói rằng chúng tôi cần phải rời đi, không nên ở lại hoặc phải chấp nhận nơi đây là một phần của Azerbaijan", Ruben Vardanyan, cựu quan chức hàng đầu trong chính quyền người Armenia ở Karabakh, nói vớiReuters.
Peter Stano, người phát ngôn của Liên minh châu Âu về các vấn đề đối ngoại, cho biết điều rất quan trọng là "những diễn biến quân sự hiện tại không được sử dụng như cái cớ để buộc người Armenia ở Karabakh phải sơ tán khỏi khu vực".
"Vấn đề lớn nhất hiện nay là cần làm gì với những người không thể quay trở lại các ngôi làng đã bị Azerbaijan chiếm giữ", Olesya Vartanyan, nhà phân tích của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, cho hay.
Theo Vartanyan, hàng nghìn người ở Nagorno-Karabakh hiện không thể quyết định nên làm gì, trốn trong tầng hầm, ở lại căn cứ của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga hay tìm cách chạy trốn khỏi khu vực. "Mọi người đang hoảng loạn và tình hình nhân đạo ở đó thật khủng khiếp", bà nói.
Nagorno-Karabakh tách khỏi Azerbaijan khi lực lượng ly khai thân Armenia kiểm soát vùng này sau cuộc chiến đầu thập niên 1990. Kể từ đó, hai bên nhiều lần đụng độ, đỉnh điểm là cuộc chiến năm 2020 giúp Azerbaijan giành lại một phần lãnh thổ từ phe ly khai.
Với vai trò trung gian của Nga, Armenia tháng 11/2020 chấp nhận ký thỏa thuận với Azerbaijan để chấm dứt 6 tuần giao tranh ác liệt khiến hàng nghìn người thiệt mạng tại Nagorno-Karabakh.
Theo thỏa thuận,Armeniatrả lại 4 vùng lãnh thổ đang kiểm soát ở Nagorno-Karabakh cho Azerbaijan, còn Nga triển khai gần 2.000 lính gìn giữ hòa bình tới hành lang Lachin nối giữa Nagorno-Karabakh với Armenia trong 5 năm. Thủ tướng Pashinyan khi đó mô tả quyết định này là "đau đớn".
Căng thẳng ở Nagorno-Karabakh leo thang từ năm ngoái, khi Nga tập trung nguồn lực cho chiến sự ở Ukraine và suy giảm ảnh hưởng ở vùng Kavkaz, nơi được coi như "sân sau" của Moskva.
Những tháng gần đây, Armenia đã tìm cách xa rời Nga, do lo ngại rằng Moskva không còn là bên bảo đảm an ninh đáng tin cậy. Armenia lần đầu tiên gửi viện trợ nhân đạo tới Ukraine, mời binh sĩ Mỹ tham gia tập trận chung và rút đại diện khỏi Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), khối quân sự do Moskva dẫn đầu.
Trong một cuộc phỏng vấn vớiPoliticotuần trước, Thủ tướng Pashinyan cho biết lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã thất bại trong nhiệm vụ của mình. Trong khi đó, các đảng đối lập thân Nga ở Armenia đã nhanh chóng kêu gọi thành lập một "chính phủ lâm thời" để giám sát cuộc khủng hoảng.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, hành động của các chính trị gia thân Nga ở Armenia khó có thể cải thiện tình hình, thậm chí còn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn.
"Ngay cả khi có nỗ lực nào đó nhằm thay đổi chế độ hoặc một cuộc đảo chính nhằm đưa lực lượng này lên nắm quyền, tôi không thể hiểu họ sẽ giữ quyền lực thế nào, khi tất cả mọi người đều vỡ mộng về vai trò của Moskva ở Nagorno- Karabakh", Laurence Broers, chuyên gia về xung đột thuộc viện Chatham House, trụ sở tại London, Anh, nhận xét.
Ý kiến ()