Apple cho biết người dùng có thể gặp phải nhiều vấn đề về quyền riêng tư khi lướt web, như có thể bị công ty dữ liệu có thể theo dõi trên các trang web, thông tin vị trí bị thu thập khi chưa có sự cho phép và nhiều tiện ích mở rộng có thể vi phạm quyền riêng tư mà họ không biết.
Tình trạng phổ biến người dùng gặp phải là sau khi xem một sản phẩm online, họ sẽ bắt gặp quảng cáo sản phẩm đó trên nhiều trang web khác. "Việc theo dõi này rất phổ biến. Một số trang web có đến 100 trình theo dõi (tracker) hoặc hơn, từ nhiều công ty khác nhau", đánh giá của Apple có đoạn.
Ngoài ra, hãng cũng cho rằng các công ty dữ liệu luôn tìm cách mới để khai thác dữ liệu về người dùng, từ thông tin quan trọng như địa chỉ IP, vị trí đến thông tin mà người dùng ít cảnh giác như thông tin về thiết bị, phần mềm cài đặt.
Những kỹ thuật này được Apple gọi là "lấy dấu vân tay". Các website có thể được thiết lập để theo dõi cấu hình hệ thống, phông chữ, độ phân giải màn hình và các plug-in mà người dùng cài đặt. Khi kết hợp các đặc điểm này trên thiết bị, họ tạo ra "dấu vân tay" để theo dõi người dùng trực tuyến. Sau đó, các dữ liệu có thể bị sử dụng, hoặc bán cho đơn vị quảng cáo mà không có sự cho phép.
Để ngăn chặn, Apple cho biết đã phát triển một số tính năng như chặn toàn bộ cookie bên thứ ba, tạo tính năng Ngăn chặn theo dõi thông minh, ứng dụng công nghệ học máy để tìm hiểu tên miền nào được sử dụng để theo dõi người dùng, sau đó cô lập và xóa dữ liệu đó khỏi thiết bị.
Trình duyệt Safari được khẳng định sẽ ẩn địa chỉ IP của người dùng khỏi các trình theo dõi đã biết. "Điều này rất quan trọng vì địa chỉ IP có thể được sử dụng để nhận dạng bạn trên nhiều trang web, nhiều phiên làm việc khác nhau, đồng thời có thể tiết lộ vị trí chính xác của bạn", chuyên gia của Apple nói.
Là đơn vị đầu giới thiệu chế độ duyệt web riêng tư năm 2005, hãng cho rằng cách này có thể giúp bảo vệ lịch sử duyệt web của người dùng khỏi những người khác có quyền truy cập thiết bị. Sau gần 20 năm, trình duyệt này cũng được cập nhật để đối phó các mối đe dọa mới, như không lưu các trang web người dùng đã truy cập, thông tin tìm kiếm. Trình duyệt cũng yêu cầu xác thực bằng Face ID và Touch ID trong trường hợp người dùng muốn mở lại trang web duyệt riêng tư.
Sự phát triển nhanh chóng của thế giới mạng khiến dữ liệu riêng tư của người dùng ngày càng trở thành "miếng mồi ngon" cho các trang web, công ty thu thập dữ liệu quảng cáo. Những nâng cấp lớn về khả năng bảo mật của Safari cho thấy cam kết của Apple xuyên suốt trong các sản phẩm của hãng khi luôn lấy tiêu chí bảo vệ dữ liệu người dùng là trung tâm.
Theo báo cáo của SimilarWeb tháng 6, Safari là trình duyệt phổ biến thứ hai trên thế giới, với thị phần 20,88%, gấp gần bốn lần Microsoft Edge. Chrome vẫn là trình duyệt web phổ biến nhất thế giới với hơn 64% thị phần.
Ý kiến ()