Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:37 (GMT +7)
Áp lực cạnh tranh trên thị trường xi-măng
Thứ 4, 08/02/2023 | 17:17:08 [GMT +7] A A
Nguồn cung vốn đã dư thừa lại chuẩn bị đón nhận thêm những dây chuyền mới đưa vào sản xuất, giá cả nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào tăng cao, thị trường bất động sản trầm lắng, ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, chính sách ngặt nghèo tại một số quốc gia nhập khẩu... là những chi tiết tạo nên bức tranh không mấy tươi sáng của thị trường xi-măng Việt Nam trong năm qua.
Dự báo năm 2023, ngành xi-măng còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi các doanh nghiệp phải xây dựng những kịch bản phát triển chủ động, linh hoạt cùng sự nỗ lực cao hơn mới có thể hoàn thành kế hoạch đề ra.
Mặc dù vậy, một số tín hiệu tích cực trong triển khai các công trình sử dụng vốn ngân sách, nhất là loạt công trình giao thông vừa qua, được kỳ vọng sẽ tạo cú huých để ngành xây dựng nói chung và xi-măng nói riêng lấy lại đà phục hồi.
Khó khăn chồng chất
Thứ nhất, cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo theo nguồn cung than khan hiếm, đẩy giá nhập khẩu lên cao. Giá than thế giới bình quân năm 2022 là hơn 360 USD/tấn, tăng 163% so với bình quân năm 2021 (137,28 USD/tấn). Trong khi đó, đối với giá than trong nước, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã điều chỉnh tăng ba lần, khoảng 40-50%, cộng thêm giá xăng dầu trong nước bình quân năm qua tăng khoảng 28% so với cuối năm 2021. Thứ hai, thị trường trong nước tiếp tục cạnh tranh khốc liệt do cung vượt xa cầu, mất cân đối cung-cầu cục bộ giữa các vùng, miền (thừa tại khu vực miền trung, thiếu tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên) khiến chi phí vận chuyển, logistics tăng cao, giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Thứ ba, thị trường bất động sản trầm lắng và việc giải ngân vốn đầu tư công năm qua còn chậm đã ảnh hưởng lớn đến nhu cầu tiêu thụ xi-măng. Lãi suất cho vay tăng cao, nguồn cung tín dụng bị thắt chặt gây khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất xi-măng...
Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty Xi-măng Việt Nam (VICEM) Lê Nam Khánh, ngoài các khó khăn nêu trên, đơn vị còn gặp những khó khăn chưa có tiền lệ. Đơn cử, quý IV hằng năm là thời điểm tiêu thụ xi-măng mạnh nhất, nhưng năm nay lại tiêu thụ rất chậm, thậm chí nhiều nhà máy phải hoạt động cầm chừng, chủ động dừng lò để sửa chữa nhằm tránh tăng tồn kho. Đồng thời, xuất khẩu gặp khó khăn, nhất là hai thị trường lớn là Trung Quốc và Philippines. Trong đó, Trung Quốc áp dụng chính sách kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, còn Philippines đưa ra quy định bảo hộ sản xuất xi-măng trong nước, cộng thêm sự cạnh tranh từ các nguồn dư thừa khác tại Trung Đông, ASEAN..., khiến giá xuất khẩu clanh-ke xuống thấp, thậm chí có thời điểm thấp hơn chi phí biến đổi, giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh của VICEM... Tuy nhiên, Tổng công ty đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mạnh mẽ trong năm 2022 như: Chủ động bảo đảm nguồn cung than cho sản xuất, kết hợp khai thác tối đa nguồn cung từ TKV và nguồn nhập khẩu, đẩy mạnh các giải pháp sử dụng nguồn nhiên liệu thay thế như rác thải, phụ gia có nhiệt; quyết liệt triển khai tiết kiệm các loại chi phí, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sửa chữa, cải tạo, xử lý "nút thắt" dây chuyền, tăng cường sử dụng hiệu quả tài nguyên cũng như tro, xỉ, thạch cao nhân tạo; xây dựng và lựa chọn phương án chạy lò hiệu quả nhất; giữ vững kỷ cương phối hợp thị trường nhằm tránh cạnh tranh nội bộ không lành mạnh; tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu... Chính những giải pháp này đã góp phần giúp VICEM cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, nhất là trong bối cảnh năm 2022 nhiều khó khăn. Cụ thể, sản lượng sản xuất xi-măng đạt 24,56 triệu tấn, bằng 94,8% kế hoạch năm, tăng 1,7% so cùng kỳ; tiêu thụ xi-măng trong nước đạt 21,34 triệu tấn, bằng 95,6% kế hoạch năm, tăng 5,6% so cùng kỳ; nộp ngân sách nhà nước 1.863 tỷ đồng...
Chủ tịch Hiệp hội Xi-măng Việt Nam, Nguyễn Quang Cung nhận định, áp lực tiêu thụ thời gian qua và sắp tới còn tăng cao khi các doanh nghiệp sản xuất xi-măng có thể sản xuất thêm hơn 20 triệu tấn nữa nhờ ứng dụng công nghệ, điều chỉnh tỷ lệ phụ gia và sắp tới sẽ đón thêm khoảng 10 triệu tấn xi-măng của các dây chuyền mới đi vào hoạt động. Như vậy, mỗi năm, cả nước có thể sản xuất hơn 130 triệu tấn xi-măng trong khi tiêu thụ trong nước những năm gần đây chỉ khoảng hơn 60 triệu tấn/năm. Mặt khác, kênh xuất khẩu trong năm 2022 giảm mạnh khiến cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn, đòi hỏi các doanh nghiệp xi-măng phải có những giải pháp hiệu quả, phù hợp để duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh.
Để duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh
Nhận định và dự báo tình hình năm 2023 và thời gian tới, Tổng Giám đốc VICEM Lê Nam Khánh cho rằng thách thức vẫn lớn hơn cơ hội. Những áp lực thời gian qua như cung vượt cầu, thị trường bất động sản chưa mấy khởi sắc, giá nguyên nhiên liệu đầu vào vẫn neo ở mức cao, thị trường xuất khẩu tiếp tục còn gặp vướng mắc về bảo hộ, giá cước vận chuyển cao và còn bị áp thuế xuất khẩu clanh-ke thêm 5% theo Nghị định số 101/2021/NĐ-CP của Chính phủ.... sẽ tiếp tục là những trở ngại lớn đối với các đơn vị kinh doanh xi-măng. Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực không phải không có và sẽ nhiều hơn nếu các giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời được ban hành. Mặc dù vậy, VICEM đã chủ động xây dựng những kịch bản và giải pháp điều hành sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới. Trong đó, tập trung bám sát tình hình thực tế; thực hiện các giải pháp đồng bộ trong quản lý, điều hành sản xuất, tiêu thụ; thực hành triệt để tiết kiệm; tăng cường cải tiến, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nghiên cứu chiến lược xi-măng rời phù hợp với xu thế chuyển dịch nhu cầu từ xi-măng bao sang rời; tiếp tục hoàn thiện hệ thống phân phối; áp dụng số hóa trong tiêu thụ sản phẩm trên diện rộng; mở rộng tìm kiếm thị trường xuất khẩu... Tổng công ty đặt mục tiêu năm 2023 sản xuất 21,2 triệu tấn clanh-ke, tổng sản phẩm tiêu thụ khoảng 29,2 triệu tấn, lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 1.665 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, để phát triển bền vững, đúng định hướng, các doanh nghiệp xi-măng cần tập trung nâng cao tỷ lệ sử dụng rác thải làm nhiên liệu đốt lò, nhất là rác thải sinh hoạt. Hiện nay, các dây chuyền xi-măng mới chỉ sử dụng rác thải công nghiệp, tỷ lệ tận dụng rác thải sinh hoạt thay thế một phần nhiên liệu đốt lò còn rất thấp. Đẩy nhanh lắp đặt hệ thống thu hồi nhiệt khí thải lò nung để phát điện. Theo Chiến lược Phát triển ngành vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 quy định, đến hết năm 2025, tất cả dây chuyền sản xuất xi-măng có công suất từ 2.500 tấn clanh-ke/ngày trở lên phải lắp đặt và vận hành hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải. Tuy nhiên, đến nay, công tác này vẫn còn khá chậm, nhất là khối doanh nghiệp có vốn nhà nước. Tăng cường sử dụng thạch cao nhân tạo trong sản xuất xi-măng nhằm thay thế các nguồn nguyên liệu không tái tạo. Thực tế, một số đơn vị xi-măng đã nghiên cứu đưa thạch cao nhân tạo vào sản xuất nhưng do một số khó khăn, đến nay việc sử dụng sản phẩm này làm phụ gia xi-măng không được chú trọng, tỷ lệ sử dụng thấp.
Vụ trưởng Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Phạm Văn Bắc cho biết, để hỗ trợ ngành xi-măng, trong thời gian tới, Bộ sẽ hoàn thiện "Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" và tổ chức triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt; tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đề xuất các giải pháp quản lý việc đầu tư phát triển các sản phẩm vật liệu xây dựng khi các quy hoạch sản phẩm hết hiệu lực... Đây là một trong những vướng mắc mà một số doanh nghiệp xi-măng gặp phải khi chưa được gia hạn khai thác mỏ đá mới để hoạt động, trong khi năng lực sản xuất ngày càng tăng. Đồng thời, Bộ tiếp tục phối hợp các bên liên quan thúc đẩy tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, từ đó góp phần lấy lại đà phục hồi, duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh cho ngành xi-măng...
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()