Đại diện Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, từ 1.1.2021, các xe ôtô được sản xuất trong giai đoạn 1999-2008 được áp theo tiêu chuẩn mức 2. Việc áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải cao hơn đối với nhóm phương tiện có tuổi đời trên là thực hiện theo Quyết định số 16/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn khí thải đối với xe ôtô nhằm tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường. Đây cũng là mức đã áp dụng từ năm 2020 đối với nhóm xe ôtô được sản xuất trong giai đoạn từ sau năm 2008.
Theo ông Nguyễn Minh Hải - Giám đốc Trung Tâm đăng kiểm xe cơ giới 2903S - Hà Nội, trước việc bùng nổ của phương tiện với lượng khí phát thải lớn như hiện nay, nếu không kiểm soát tốt khí thải của xe cơ giới sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường, do đó đây là chủ trương đúng đắn và bắt buộc phải thực hiện.
Cùng theo ông Hải, hiện các xe sản xuất từ 1999-2008 đến trạm kiểm tra cũng rất ít, cùng với đó tỉ lệ không đạt khoảng 8% và chủ yếu rơi vào phương tiện chạy diesel (máy dầu). Cùng đó, xe diesel không đạt tiêu chuẩn khí thải là do muội bám và các chủ xe không để ý và chăm sóc phương tiện, những phương tiện đến kiểm tra không đạt về khí thải thì sau khi được các kỹ thuật viên tư vấn vệ sinh đến kiểm tra lần 2 đều đạt.
Theo các đăng kiểm viên, khi đăng kiểm định kỳ, trường hợp phương tiện không đạt tiêu chuẩn khí thải phải sửa chữa, khắc phục để đăng kiểm tiếp. Nếu khắc phục và quay lại kiểm tra trong ngày và đạt ở lần thứ 2 sẽ không mất thêm chi phí, còn từ lần thứ 3 mới đạt hoặc ngày hôm sau mới quay lại sẽ mất thêm 50% phí đăng kiểm. Chủ xe, nhất là xe tải, xe khách nên quan tâm hơn đến việc bảo dưỡng các chi tiết liên quan đến khí thải để giảm nguy cơ bị trượt khí thải theo chuẩn mới.
Qua tìm hiểu tại một số trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội, tỉ lệ xe không đạt tiêu chuẩn khí thải trong lần kiểm định đầu tiên ở mức từ 8% đến trên dưới 10%. Phần lớn xe bị trượt là xe sử dụng nhiên liệu diesel, trong đó khá nhiều xe được sản xuất trong giai đoạn trước và sau năm 2000. Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, trước khi nâng chuẩn, tỉ lệ xe dùng nhiên liệu diesel sản xuất từ sau năm 2008 không đạt tiêu chuẩn khí thải (trong lần kiểm tra thứ nhất) là 6,5%, sang năm 2020 giảm xuống còn 6,3%. Trong khi đó, tỉ lệ không đạt đăng kiểm khí thải lần đầu của xe sản xuất trong giai đoạn 1999-2008 cũng giảm 0,2-0,3%.
Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam khuyến cáo trường hợp xe không đạt tiêu chuẩn khí thải không do khói bụi bị đóng trong ống xả mà liên quan đến các bộ phận cần khắc phục như kim phun nhiên liệu, lọc dầu, lọc gió, píttông, thậm chí vòng tua động cơ không đạt mức độ cực đại... thì chủ phương tiện cần thay dầu, cốc lọc nhiên liệu và bảo dưỡng động cơ theo khuyến cáo của nhà sản xuất và không nên chở quá tải.
Nâng cao tiêu chuẩn khí thải là cần thiết
Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải (GTVT) gần đây cho thấy, tỉ lệ trung bình xe không đạt tiêu chuẩn khí thải trong lần kiểm định khí thải đầu tiên khoảng 13-15%. Xe tải loại trọng tải 2-7 tấn có tỉ lệ không đạt cao nhất, tiếp đến là xe khách. Trao đổi với PV Báo Lao Động, PGS-TS Vũ Ngọc Khiêm - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ GTVT - cho rằng, đây chủ trương đúng, phù hợp và nhân văn vì đã chia ra thành các giai đoạn và ảnh hưởng của các đời xe, là chính sách bảo vệ môi trường, ngày càng phải có các biện pháp để giảm sự phát thải của phương tiện giao thông, đặc biệt là các phương tiện có gắn động cơ diesel ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Hiện ở một số thành phố của Châu Âu đã có lệnh cấm động cơ diesel lưu hành. Việc đưa ra các biện pháp nhằm giảm phát thải, để có một môi trường tốt hơn là chủ trương đúng đắn, phần lớn người dân chưa nhận thấy tác hại lâu dài mà mới chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt.
Theo nghiên cứu của Trường Đại học Công nghệ GTVT, số lượng xe tồn tại từ 1999 trở về trước là quá ít và số lượng xe từ 1999-2008 có số lượng xe cũng không phải quá nhiều. Công tác vận hành, duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị phương tiện là vô cùng quan trọng, tại các nước hiện đại các phương tiện rất được quan tâm đến việc duy tu, bảo dưỡng… ngoài việc an toàn thì phương tiện cũng tiêu hao nhiên liệu ít, phát thải ít.
Công tác duy tu bảo dưỡng phương tiện được đánh giá rất quan trọng, tại mỗi kỳ đăng kiểm các chủ phương tiện cũng nhận rõ điều này. Do đó, ngoài việc bảo quản, duy tu, bảo dưỡng phương tiện cũng cần thiết phải thay thế các thiết bị, như vòi phun, hơi, cân lại bơm cao áp, lắp bộ lọc thải.
Ý kiến ()