Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 08:17 (GMT +7)
Áp dụng một số chính sách đặc thù thí điểm ở khu vực cửa khẩu Móng Cái
Thứ 6, 15/09/2023 | 08:04:27 [GMT +7] A A
Theo sách Quảng Ninh 30 năm đổi mới cùng đất nước, ngày 18/9/1996, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ban hành Quyết định số 675/TTg cho phép Quảng Ninh được áp dụng một số chính sách đặc thù thí điểm ở khu vực cửa khẩu Móng Cái - là bước đột phá của Quảng Ninh ở tầm phạm vi cả nước.
Sau khi Việt Nam bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc năm 1991, Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã nhạy bén chớp thời cơ, đề ra những quyết sách quan trọng về phát triển kinh tế đối ngoại, hoạt động giao thương qua cửa khẩu với Trung Quốc phát triển sôi động, khơi thức và giải phóng các nguồn lực phát triển của tỉnh. Trải qua quá trình thực hiện với nhiều giải pháp mới, đột phá, chưa có tiền lệ, Quảng Ninh đề xuất với Trung ương về cơ chế đặc thù với cửa khẩu Móng Cái. Sau quá trình thuyết phục bền bỉ với các bộ, ngành Trung ương, ngày 18/9/1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ban hành Quyết định số 675/TTg cho phép Quảng Ninh được áp dụng một số chính sách đặc thù thí điểm ở khu vực cửa khẩu Móng Cái.
Theo đó, chính sách khuyến khích đầu tư thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động thương mại và dịch vụ thương mại tại khu vực cửa khẩu Móng Cái bao gồm hoạt động xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, vận chuyển hàng hoá quá cảnh, kho ngoại quan, cửa hàng miễn thuế, hội chợ triển lãm, các cơ sở sản xuất, gia công hàng xuất khẩu, chợ cửa khẩu…
Trong 5 năm (1996-2000), mỗi năm Nhà nước đầu tư cho Móng Cái không dưới 50% tổng thu ngân sách trên địa bàn khu vực cửa khẩu Móng Cái (ở thời điểm đó, tổng thu ngân sách trên địa bàn Móng Cái đạt trên 200 tỷ đồng). Đây là nguồn vốn rất lớn dành cho Móng Cái để đầu tư phát triển. Từ chính sách trên, chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, quy mô lớn được đầu tư xây dựng, như hệ thống đường giao thông, cầu Ka Long II, công trình cấp điện, cấp nước, chợ trung tâm, công trình cửa khẩu Bắc Luân, trụ sở huyện, nhà văn hoá, khu du lịch Trà Cổ… được xây dựng. Diện mạo của Móng Cái thay đổi nhanh chóng từng ngày.
Hoạt động kinh tế, nhất là hoạt động thương mại, du lịch phát triển sôi động, tốc độ tăng trưởng nhanh chưa từng có (25-30%/năm). Quyết định số 675/QĐ-TTg thực sự là dấu mốc lịch sử của TP Móng Cái nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Những quyết sách đúng đắn, sáng tạo của Tỉnh uỷ đưa kinh tế cửa khẩu trở thành một trụ cột, động lực phát triển của Quảng Ninh trong giai đoạn này, cũng như làm tiền đề cho các giai đoạn phát triển về sau. Từ kinh nghiệm của Móng Cái, Quảng Ninh cũng đề xuất và được Trung ương cho áp dụng cơ chế riêng trong quản lý Vịnh Hạ Long, được để lại 100% thu phí tham quan trong 10 năm để đầu tư cho công tác quản lý Vịnh; đồng thời cơ chế này cũng là cơ sở, kinh nghiệm quý để Chính phủ cho áp dụng trên diện rộng tại các địa phương khác trong cả nước.
Đáng chú ý, cùng với những quyết sách quan trọng trong phát triển kinh tế TP Móng Cái, năm 1992, tỉnh đã đề xuất và được Bộ Công an cho phép vận dụng cơ chế đặc thù, tạo sự thông thoáng trong việc giải quyết các thủ tục, xuất nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ và phương tiện thuỷ qua cửa khẩu cảng. Đặc biệt, ngày 17/4/1994, cửa khẩu quốc tế Móng Cái - Đông Hưng khai trương và thông cầu Bắc Luân. Nhờ đó, giao thương hàng hóa giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc không ngừng gia tăng suốt những năm qua.
Đặng Dung (Tổng hợp)
Liên kết website
Ý kiến ()