Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 14:24 (GMT +7)
Ảnh X-quang hé lộ tổn thương do nCoV ở phổi bệnh nhân
Chủ nhật, 02/02/2020 | 14:51:59 [GMT +7] A A
Các nhà nghiên cứu chia sẻ phim chụp X-quang lồng ngực của một bệnh nhân nhiễm nCoV với tổn thương kính mờ lan rộng ở phổi.
Phổi của bệnh nhân nCoV trong lần chụp đầu tiên (A) và lần thứ hai sau đó ba ngày (B). Ảnh: Business Insider. |
Khi người phụ nữ 33 tuổi nhập viện ở Lan Châu, Trung Quốc, bệnh nhân giấu đã sốt và ho 5 ngày với nhiệt độ cơ thể 38,9 độ C, thở kém và số lượng tế bào bạch cầu thấp, dấu hiệu viêm nhiễm. Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Radiology hôm 31/1, nhóm nghiên cứu ở bệnh viện Đại học Lan Châu chia sẻ hai ảnh chụp X quang lồng ngực của người phụ nữ.
Trong ảnh chụp, những mảnh trắng xuất hiện ở góc bên dưới phổi của bệnh nhân, các bác sĩ X quang gọi đó là "tổn thương kính mờ". "Nếu phóng to hình ảnh, bạn sẽ thấy vùng tổn thương trông như vụn thủy tinh nghiền nhỏ bị mờ", Paras Lakhani, bác sĩ X quang ở Đại học Thomas Jefferson. "Chỗ đó biểu thị dịch lỏng trong khoang phổi". Hình ảnh X quang cũng cung cấp cho các nhà nghiên cứu một vài manh mối mới về bản chất của nCoV.
nCoV rất giống virus gây dịch SARS và MERS
Virus corona là một họ virus lớn thường ảnh hưởng đến đường hô hấp. Chúng cũng gây viêm phổi và cảm lạnh. Các triệu chứng nhiễm nCoV bao gồm sốt, ớn lạnh, đau đầu, khó thở và đau họng. Trước tháng 12/2019, virus này chưa bao giờ được bắt gặp ở người.
nCoV được nhận dạng lần đầu tiên ở một nhóm nhỏ bệnh nhân có triệu chứng viêm phổi ở Vũ Hán, Trung Quốc cuối năm ngoái. Bệnh nhân 33 tuổi được chụp X-quang làm việc ở Vũ Hán nhưng du lịch tới Lan Châu một ngày trước khi triệu chứng khởi phát. "Nếu không biết về dịch bệnh này, bạn sẽ đọc phim chụp và kết luận bệnh nhân này bị viêm phổi bởi đó là bệnh phổ biến nhất mà chúng ta biết", Lakhani chia sẻ.
Theo Lakhani, tổn thương kính mờ không thực sự giúp ích trong việc nhận dạng virus corona. "Bạn có thể bắt gặp tổn thương này ở mọi loại bệnh viêm nhiễm do vi khuẩn, virus hoặc đôi khi ở ca không lây nhiễm. Ngay cả phổi của bệnh nhân hút thuộc lá điện tử đôi khi cũng trông như vậy", Lakhani nói.
Nhưng nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh vùng tổn thương kính mờ đã mở rộng tới rìa phổi của bệnh nhân. "Đó là điều chúng tôi không thường thấy. Chúng tôi mới chỉ bắt gặp tổn thương diện này ở hội chứng suy hô hấp cấp (SARS) và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS)", Lakhani nhận xét.
Cả dịch SARS và MERS đều do các chủng virus corona gây ra. Dịch SARS ở Trung Quốc gây ra 8.000 ca nhiễm bệnh và 774 ca tử vong từ tháng 11/2002 đến tháng 7/2003. Lakhani nói phim chụp của bệnh nhân nhiễm SARS và MERS có nhiều đặc điểm tương tự phim chụp của bệnh nhân 33 tuổi.
nCoV gây tổn thương nghiêm trọng hơn sau 3 ngày
Nhóm nghiên cứu nhận thấy những mảng trắng ở phổi của bệnh nhân trở nên rõ rệt hơn ở ảnh thứ hai, chụp sau ảnh đầu tiên 3 ngày. "Điều đó giúp loại trừ khả năng mắc viêm phổi thường bởi bệnh này không tiến triển nhanh. Phần lớn bệnh viện sẽ điều trị bằng kháng sinh, tình trạng của bệnh nhân sẽ ổn định dần và sau đó tốt hơn", Lakhani cho biết.
Tại bệnh viện ở Lan Châu, nữ bệnh nhân được cho uống một loại protein dùng để điều trị lây nhiễm do virus gọi là interferon. Các bác sĩ cũng tiến hành điều trị hỗ trợ nhưng tình trạng của người phụ nữ tiếp tục trở nên xấu hơn. Theo Lakhani, điều tương tự cũng xảy ra ở bệnh nhân SARS.
Cách tốt nhất để chẩn đoán virus corona không phải thông qua phim chụp X quang mà là qua kiểm tra mẫu nước bọt hoặc dịch nhầy lấy từ mũi/miệng của bệnh nhân trong phòng thí nghiệm. Nhưng xét nghiệm không phải phương pháp hoàn hảo bởi cách này chỉ có thể phát hiện virus khi người bệnh bộc lộ triệu chứng.
Theo vnexpress.net
Liên kết website
Ý kiến ()