Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 19:08 (GMT +7)
Anh và Pháp hàn gắn rạn nứt
Thứ 2, 13/03/2023 | 08:12:27 [GMT +7] A A
Lần đầu sau 5 năm quan hệ nguội lạnh, Anh và Pháp tổ chức hội nghị cấp cao song phương, với sự chủ trì của Thủ tướng Rishi Sunak và Tổng thống Emmanuel Macron. Hội nghị không chỉ là cơ hội để hai nước láng giềng hàn gắn rạn nứt và hợp tác tháo gỡ khó khăn chung, mà còn giúp Anh cải thiện quan hệ với Liên minh châu Âu (EU).
Việc Anh và Pháp khôi phục cơ chế hội nghị cấp cao thường niên sau nhiều năm gián đoạn được đánh giá là nỗ lực thổi làn gió mới cho mối quan hệ giữa hai nước láng giềng. Thông báo về cuộc gặp giữa ông Macron và Thủ tướng Anh, Văn phòng Tổng thống Pháp khẳng định, một chương mới trong quan hệ hai nước đã được mở ra. Trong khi đó, Thủ tướng Anh cũng dành những lời nói thân tình tới Pháp, khi gọi Paris là “hàng xóm thân thiết, người bạn tuyệt vời và đồng minh lịch sử”.
Một trong những kết quả nổi bật đạt được sau cuộc hội đàm tại Điện Elysee ở thủ đô Paris của Pháp là thỏa thuận ngăn dòng người di cư bất hợp pháp từ Anh sang Pháp.
Theo thỏa thuận mới ký kết, Anh sẽ chi trả cho Pháp 577 triệu USD trong vòng ba năm để chặn dòng người di cư vượt eo biển Manche, tăng cường hoạt động tuần tra, vận hành các trung tâm tạm giữ người di cư trái phép. Thủ tướng Sunak nhấn mạnh, hai nhà lãnh đạo có chung quan điểm về vấn đề này và thỏa thuận mới đã nâng hợp tác hai nước lên cấp độ cao nhất từ trước tới nay.
Giới phân tích nhận định, việc ký kết thỏa thuận nêu trên có ý nghĩa quan trọng đối với London, bởi di cư trái phép là vấn đề nhức nhối tại Anh, cũng là một trong năm thách thức mà Thủ tướng Sunak ưu tiên xử lý trong nhiệm kỳ. Năm 2022, có tới hơn 45.000 người di cư trái phép vượt eo biển Manche bằng tàu thuyền cỡ nhỏ để tới Anh, tăng hơn 60% so với con số được ghi nhận một năm trước. Trong bối cảnh đó, hợp tác với Paris là một trong những yếu tố then chốt giúp London giải quyết bài toán khó này.
Bên cạnh nạn di cư bất hợp pháp, Thủ tướng Anh và Tổng thống Pháp cũng thảo luận những thách thức chung như nguồn cung năng lượng, an ninh… Các chuyên gia cho rằng, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo mở đường cho việc Nhà vua Anh Charles III thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Pháp lần đầu kể từ khi lên ngôi vào tháng 9/2022.
Thủ tướng Sunak nêu rõ, quan hệ lịch sử lâu đời, sự gần gũi về địa lý, tầm nhìn chung trong các vấn đề toàn cầu cho thấy mối quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa hai nước đóng vai trò rất quan trọng. Theo lãnh đạo Anh, trước các mối đe dọa mới và chưa từng có, hai nước cần củng cố các cấu trúc liên minh để sẵn sàng vượt qua những sóng gió. Tổng thống Macron cũng khẳng định đã đến lúc hai nước có khởi đầu mới; Anh và Pháp gắn liền với nhau khi cùng đương đầu nhiều thách thức.
Tạo cơ hội hàn gắn những rạn nứt kéo dài nhiều năm và đặt nền móng xây dựng chương mới trong quan hệ song phương là mục tiêu hai nước kỳ vọng đạt được sau cuộc gặp lần này. Kể từ khi người dân Anh bỏ phiếu lựa chọn rời EU trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016, quan hệ giữa Anh và Pháp đã trải qua nhiều sóng gió. Paris là một trong những thành viên EU duy trì quan điểm cứng rắn nhất trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận hậu Brexit với London. Hai nước cũng mâu thuẫn trong nhiều vấn đề, như đánh bắt cá, tình trạng di cư bất hợp pháp qua eo biển Manche, hay tranh cãi liên quan thỏa thuận an ninh ba bên giữa Mỹ, Anh và Australia (AUKUS).
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, việc Anh xích lại gần Pháp, quốc gia đóng vai trò then chốt trong EU, cũng phản ánh mong muốn của London về cải thiện quan hệ với khối này, sau thời gian dài căng thẳng do bất đồng liên quan Brexit. Tháng trước, Anh và EU đạt bước đột phá trong đàm phán giải quyết tranh chấp về thỏa thuận thương mại hậu Brexit.
Không chỉ có triển vọng hợp tác rộng mở trong các lĩnh vực kinh tế, năng lượng, an ninh…, Anh và Pháp còn chia sẻ lợi ích sát sườn trong nhiều vấn đề quốc tế. Khi những rạn nứt dần được hàn gắn, giới phân tích kỳ vọng, mối quan hệ giữa London và Paris tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()