Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:53 (GMT +7)
Ánh sáng bí ẩn lóe lên trước động đất Morocco, chuyện gì xảy ra?
Thứ 6, 15/09/2023 | 23:21:54 [GMT +7] A A
Trước trận động đất mạnh 6,8 độ ở Morocco khiến gần 3.000 người thiệt mạng, camera an ninh ghi lại được ánh sáng bí ẩn lóe lên trên bầu trời.
Ông John Derr - một nhà địa vật lý từng làm việc tại Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ - cho biết thứ ánh sáng này trông giống ánh sáng được camera an ninh ghi lại trong trận động đất năm 2007 ở Pisco, Peru.
Nó được gọi là ánh sáng động đất (EQL), được ghi nhận từ thời Hy Lạp cổ đại.
Chia sẻ với Đài CNN, ông cho hay đến nay cộng đồng khoa học vẫn chưa có sự đồng thuận về nguyên nhân hình thành EQL nhưng hiện tượng này “chắc chắn là có thật”.
Những chòm sáng báo hiệu động đất
Là đồng tác giả của một số bài báo khoa học về EQL, Derr cho biết ánh sáng động đất có thể có nhiều dạng khác nhau.
Đôi khi chúng trông như tia sét thông thường, hoặc giống một dải phát quang trong bầu khí quyển, như cực quang.
Những lúc khác, chúng trông giống những quả cầu phát sáng lơ lửng giữa không trung.
Chúng cũng có thể trông như những ngọn lửa nhỏ bập bùng bò dọc gần mặt đất hoặc những ngọn lửa lớn hơn bồng bềnh trong khí quyển.
Một đoạn video được quay ở Trung Quốc ngay trước trận động đất Tứ Xuyên năm 2008 cho thấy những đám mây phát quang lơ lửng trên bầu trời.
Để hiểu rõ hơn về các chòm sáng động đất, ông Derr và các đồng nghiệp đã thu thập thông tin về 65 trận động đất ở Mỹ và châu Âu, kết hợp với các báo cáo khả tín về chòm sáng động đất có từ năm 1600.
Họ phát hiện khoảng 80% số lần xuất hiện EQL đều gắn với những trận động đất có cường độ lớn hơn 5,0 độ.
Trong hầu hết trường hợp, hiện tượng này được ghi nhận ngay trước hoặc trong khi xảy ra địa chấn và nó có thể nhìn thấy cách tâm chấn 600km.
Khoa học bối rối
Các trận động đất, đặc biệt là động đất có cường độ mạnh, thường xảy ra dọc theo hoặc ở vùng lân cận các khu vực nơi các mảng kiến tạo của lớp vỏ Trái đất gặp nhau.
Tuy nhiên, nghiên cứu năm 2014 cho thấy phần lớn các trận động đất liên quan đến hiện tượng phát sáng xảy ra bên trong các mảng kiến tạo chứ không phải ở ranh giới của chúng.
Ông Friedemann Freund - giáo sư tại Đại học San Jose từng là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Ames của NASA - đã đưa ra một lý thuyết về hiện tượng này.
Theo giải thích của ông Freund, khi một số khiếm khuyết hoặc tạp chất nhất định trong tinh thể đá phải chịu các ràng buộc cơ học - chẳng hạn như ở thời điểm tích lũy áp lực kiến tạo trước hoặc trong một trận động đất lớn - chúng ngay lập tức vỡ ra và phóng điện.
Đá là chất cách điện nhưng khi bị tác động về mặt cơ học, nó sẽ trở thành chất bán dẫn.
“Trước khi xảy ra động đất, khối lượng đá khổng lồ - hàng trăm nghìn km khối đá ở lớp vỏ Trái đất - đang bị chèn ép và gây ra sự dịch chuyển của các hạt khoáng chất, chúng tương tác với nhau tạo nên điện tích. Điện tích di chuyển rất nhanh, lên tới khoảng 200m/giây", Freund giải thích.
Tuy nhiên, cũng có nhiều lý thuyết về nguyên nhân gây ra ánh sáng động đất, bao gồm tĩnh điện được tạo ra do sự nứt vỡ của đá và phóng thích nguyên tố phóng xạ thể khí radon.
Freund hy vọng một ngày nào đó người ta có thể sử dụng chòm sáng địa chấn hoặc điện tích tạo ra các chòm sáng đó, kết hợp với các yếu tố khác, để giúp dự báo động đất sắp xảy ra.
Theo Tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()