Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:54 (GMT +7)
Phạm Tiên Phong với mô hình tái chế nguyên liệu phân bón từ rác
Chủ nhật, 17/09/2023 | 15:44:53 [GMT +7] A A
"Đối với rác thải sinh hoạt, rác thải hữu cơ là phần có thể gây ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp nhất đối với đời sống, môi trường sinh thái. Có nhiều cách xử lý nhưng chúng tôi chọn việc ủ vi sinh. Sau xử lý, rác thải hữu cơ chuyển từ chất thải ô nhiễm sang chất thải có ích, tạo ra nhiều giá trị cho người tiêu dùng" - Đó là chia sẻ của anh Phạm Tiên Phong, Giám đốc Công ty CP Xử lý chất thải miền Đông (Móng Cái), về cách xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ thu gom được từ hoạt động của đơn vị.
Qua thu gom, rác thải nhựa, rác thải hữu cơ được đơn vị phân loại, tách ra chiếm khoảng 50% tổng lượng rác, góp phần hạn chế tối đa lượng nhựa đem đốt, không phát sinh ra chất độc hại cho môi trường. Riêng rác thải hữu cơ được đem ủ vi sinh làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, tránh được việc chất hữu cơ phân huỷ sẽ tạo ra ô nhiễm hữu cơ và phát sinh nước thải, khí thải ra môi trường.
Cách chôn, ủ rác hữu cơ vốn đã được thế hệ trước làm, thông qua các nguyên liệu truyền thống như trấu, vôi... ủ thành đống cho hoai mục rồi bón cho cây. Với điều kiện hiện nay, việc ủ rác hữu cơ được những đơn vị như Công ty CP Xử lý chất thải miền Đông làm bài bản hơn, áp dụng khoa học công nghệ cho hiệu quả cao hơn.
Anh Phong chia sẻ: Phân loại rác là tốt, ủ được như thế cũng là tốt. Quan trọng là ủ như thế nào để không tạo ra ô nhiễm và đảm bảo hiệu quả sử dụng, tốt cho cây trồng mới là quan trọng. Bài toán không dễ dàng này liên quan tới chế phẩm vi sinh sử dụng khi ủ và quy trình ủ. Nếu ủ chưa đạt đến độ chín, hạt hữu cơ vụn như cám nhưng có thể nhân bên trong vẫn đang xảy ra quá trình phân huỷ, tạo ra nhiệt lượng cao, khi bón vào gốc cây có thể phát nhiệt nóng làm chết cây...
Với kinh nghiệm khi làm về xử lý rác và kinh nghiệm từ gia đình, anh Phong vẫn mất nhiều thời gian trực tiếp thử ủ rác hữu cơ qua những cách thức khác nhau, như ủ trên thùng đứng, rồi thùng nằm ngang, chất vi sinh cũng dùng thử nhiều loại, từ đó lựa chọn ra phương pháp thích hợp nhất.
Đưa chúng tôi đi thực tế địa điểm sản xuất, anh cho hay, với dây chuyền xử lý rác thải hữu cơ này, Công ty phải đầu tư nhiều hạng mục hơn và tốn chi phí hơn so với các dạng xử lý khác. Nếu là đốt rác chỉ cần qua phân loại sơ và đốt, còn với phương án xử lý của đơn vị phải sử dụng nhiều máy móc, thiết bị và đặc biệt là cần phải có kinh nghiệm về xử lý rác cùng với sự hỗ trợ của chuyên gia để đưa ra được công thức phù hợp.
Thành thạo với quy trình ủ nguyên liệu phân bón từ rác hữu cơ, anh Phong cũng cho biết, quá trình xử lý rác thải hữu cơ theo phương án này, đơn vị đã mang đi phân tích, kiểm nghiệm nhiều lần. Qua đó cho kết quả rất khả quan với hàm lượng hữu cơ đạt trên 25%; các chủng vi sinh hữu ích tốt cho cây trồng đạt cao; không phát hiện các vi khuẩn có hại và kim loại nặng...
Công ty đã được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón và là đơn vị đầu tiên của tỉnh được cấp giấy chứng nhận này, vào tháng 6/2023.
Hiện nay, Công ty đang kết hợp với Công ty CP Công nghệ sinh học An Sơn (TP Hạ Long) để sản xuất thành phẩm phân bón hữu cơ và đưa sản phẩm ra thị trường với 2 nhóm: Phân hữu cơ khoáng Javanix 15+2-3-5 và phân hữu cơ vi sinh Java 02. Anh Đoàn Việt Lâm, phụ trách kinh doanh của Công ty CP Công nghệ sinh học An Sơn, cho hay, đơn vị hiện đang phân phối sản phẩm cho một số đại lý tại Hạ Long, lượng tiêu thụ khá đều, dự kiến tới đây sẽ mở rộng ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.
“Là sản phẩm còn tương đối mới, chúng tôi đang đầu tư công sức cho phát triển thị trường. Tuy nhiên, việc sử dụng phân hữu cơ là tất yếu để có những nông sản hữu cơ, đặc biệt là nông sản chất lượng cao. Hy vọng thời gian tới, với sự thay đổi về tư duy tiêu dùng kết hợp với truyền thông tích cực, người tiêu dùng sẽ có nhận thức tốt hơn về sản phẩm hữu cơ”- anh Phong chia sẻ thêm.
Ngọc Mai
Liên kết website
Ý kiến ()