Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 25/01/2025 07:35 (GMT +7)
Ảnh hưởng không ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với thể thao
Thứ 6, 24/01/2025 | 23:03:30 [GMT +7] A A
Trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Donald Trump, thể thao sẽ không chỉ là sân chơi giải trí mà còn là trung tâm trong chiến lược chính trị và hình ảnh của ông trên trường quốc tế.
Với việc Mỹ đăng cai Giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup) 2026 và Thế vận hội Mùa hè 2028, vai trò của thể thao trong chương trình nghị sự của Tổng thống Trump trở nên nổi bật hơn bao giờ hết.
Thể thao đã trở thành công cụ thu hút cử tri nam giới của ông Trump, từ các trận đấu bóng bầu dục (NFL), các giải đấm box (UFC) đến bóng đá. Ngay cả Christian Pulisic, ngôi sao của bóng đá Mỹ,cũng từng áp dụng động tác "YMCA phiên bản Trump" để ăn mừng bàn thắng sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Những động thái này cho thấy việc liên kết với ông Trump không còn là điều cấm kỵ trong giới thể thao, đặc biệt khi ông thúc đẩy các chính sách gây tranh cãi như cấm vận động viên chuyển giới thi đấu ở các môn thể thao phân chia theo giới tính.
Bên cạnh chính trị, thể thao còn có sức hấp dẫn cá nhân với Tổng thống Trump. Ông tận dụng các sân golf để duy trì quan hệ với Saudi Arabia, quốc gia đưa giải golf đến các sân của ông. Ngoài ra, việc làm chủ Nhà Trắng trong thời điểm tổ chức World Cup và Thế vận hội Mùa hè giúp ông Trump nâng tầm vị thế cá nhân và quốc gia.
Việc Mỹ tổ chức World Cup 2026, với quy mô lớn chưa từng có (48 đội tuyển tham gia), sẽ thu hút hàng triệu người hâm mộ thể thao đến đất nước này. Ông Trump nhận ra sức mạnh của thể thao và tầm ảnh hưởng mà nó mang lại.
Tuy nhiên, những cam kết của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) về việc đảm bảo quyền nhập cảnh cho người hâm mộ có vé sẽ đối mặt với các chính sách kiểm soát nhập cư chặt chẽ của ông. Thử thách đầu tiên sẽ đến với giải đấu Club World Cup, được sử dụng như sự kiện thử nghiệm vào mùa hè này.
Chủ tịch FIFA Gianni Infantino là một đồng minh thân cận của Tổng thống Trump, từng được mời dự lễ nhậm chức của ông. Tuy nhiên, sự hợp tác giữa hai bên đặt ra câu hỏi về tính độc lập của FIFA khi phải đối mặt với các tuyên bố gây tranh cãi của ông Trump, như loại bỏ các chương trình thúc đẩy đa dạng và hòa nhập trong thể thao.
Một trong những chính sách gây tranh cãi nhất của vị Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ là cấm vận động viên chuyển giới tham gia thi đấu. Ông thường xuyên nhắc lại chủ đề này trong các bài phát biểu vận động, nhấn mạnh "bảo vệ tính công bằng" của thể thao nữ.
Tuy nhiên, cộng đồng vận động viên chuyển giới coi đây là sự kỳ thị và tước đi quyền thi đấu của họ. Mack Beggs, một đô vật chuyển giới, chỉ trích ông Trump vì biến vận động viên chuyển giới thành công cụ chính trị. "Đó không chỉ là thể thao, mà còn là quyền lợi cơ bản của chúng tôi", Beggs nhấn mạnh.
Sự ảnh hưởng của Tổng thống Trump lên thể thao không phải ai cũng ủng hộ. Ông Lord Sebastian Coe, người có thể trở thành Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) vào năm 2028, khẳng định: "Thể thao cần giữ vững tính độc lập và tự chủ của mình".
Tuy nhiên, trong thế giới của ông Trump, điều này không phải lúc nào cũng khả thi. Những gì đã xảy ra trong chiến dịch tranh cử và những ngày đầu nhiệm kỳ hai cho thấy không phải lãnh đạo thể thao nào cũng muốn duy trì sự độc lập, khi bị cuốn vào quỹ đạo của quyền lực chính trị.
Với sự giao thoa giữa thể thao và chính trị, nhiệm kỳ hai của Tổng thống Donald Trump hứa hẹn mang lại nhiều thay đổi đáng kể. Dù là cơ hội hay thách thức, thế giới thể thao Mỹ chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các chính sách và quyết định của ông.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()