Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:24 (GMT +7)
Anh hùng Đào Phúc Lộc và những năm hoạt động ở Đông Bắc
Chủ nhật, 20/08/2023 | 11:22:50 [GMT +7] A A
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Anh hùng liệt sĩ Đào Phúc Lộc như một huyền thoại gắn liền với những chiến công lừng lẫy, đặc biệt là những năm trước, trong và sau Cách mạng Tháng Tám ở vùng Đông Bắc.
Anh hùng LLVTND Hoàng Minh Đạo tên thật là Đào Phúc Lộc (còn có tên gọi khác là Đào Lộc, Năm Thu, Năm Đời, Chín Cọc Cạch), sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước ở Móng Cái. Mẹ mất, cha mải việc thầu khoán cho phu mỏ ở Hồng Gai lại lấy thêm vợ kế, Đào Phúc Lộc theo chị gái là Đào Hải, cô giao liên mang mật danh ZT, sang Hải Phòng. Tại Hải Phòng, cậu bé Đào Phúc Lộc vừa đi học vừa phụ việc sửa chữa xe đạp.
Được cao trào cách mạng 1936-1939 cuốn hút, hai chị em sớm giác ngộ, nhiều lần được tổ chức giao nhiệm vụ đưa tài liệu và truyền đơn về Vùng mỏ. Căn nhà trọ của hai chị em trở thành địa điểm liên lạc tạm thời của tổ chức với phong trào ở Vùng mỏ.
Bởi vậy, khi mới 13 tuổi, Đào Phúc Lộc với tố chất thông minh thiên bẩm đã được lựa chọn, dìu dắt, định hướng để làm cách mạng. Hai chị em Đào Phúc Lộc cũng là những người che giấu và chăm sóc đồng chí Tô Hiệu tận tình trong thời gian ông hoạt động và bị ốm nặng ở Hải Phòng.
Từ rất sớm, ông tham gia phong trào học sinh yêu nước ở Hải Phòng. Năm 1939, khi mới 17 tuổi, Đào Phúc Lộc được đồng chí Tô Hiệu giới thiệu vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuối năm 1939, hai chị em được tổ chức bố trí về Trà Cổ ăn Tết cũng là để đưa tài liệu của Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế ra Khu mỏ và về Móng Cái.
Năm 1940, ông đang là chi uỷ viên Chi bộ Đảng Uông Bí - Vàng Danh, vừa về đến Hải Phòng thì sa lưới mật thám, bị tra khảo rồi đưa về Hỏa Lò - Hà Nội, về Quảng Yên khai thác. Tại đây, Đào Phúc Lộc bị kết án quản thúc 5 năm tại quê hương.
Cuối năm 1940, Móng Cái bỗng xôn xao chuyện Đào Phúc Lộc đang học trung học bỗng thành Cộng sản, chịu án quản thúc 5 năm. Vì lòng ngưỡng mộ, một người tên là Trần Quang làm thư ký sở mật thám Pháp, biết Đào Phúc Lộc muốn vượt biên sang Trung Quốc, nên đã giả mạo chữ ký của sếp, bí mật cấp giấy thông hành để cho ông trốn thoát. Khi Đào Phúc Lộc tới Liễu Châu, được Hoàng Văn Thái chỉ đường về Việt Bắc.
Tại Việt Bắc, đồng chí Trường Chinh giao cho ông nhiệm vụ trở về quê xây dựng lại Mặt trận Việt Minh, củng cố đường giao thông liên lạc của Đảng từ Hải Phòng qua Móng Cái sang Trung Quốc. Đây chính là cơ quan giao liên Duyên hải do đồng chí Đào Phúc Lộc xây dựng với hai ban giao liên của các xã Ninh Dương và Vạn Ninh được trang bị thuyền câu cá làm phương tiện liên lạc.
Cũng trong thời gian này, Đào Phúc Lộc về nước lập chi bộ Đảng đầu tiên của Móng Cái tại Đông Hưng, Trung Quốc do ông làm Bí thư với bí danh là Hoàng Minh Đạo. Ông cũng là người đã đưa các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thái và Đào Chính Nam là chú ruột của ông đi theo con đường bí mật để ra nước ngoài tạo dựng cơ sở cách mạng.
Tổ Việt Minh đầu tiên ở Móng Cái được thành lập, Đào Phúc Lộc là tổ trưởng, rất nhiều thanh niên ở Móng Cái đã hướng theo Việt Minh như: Nguyễn Hải, Doãn Khắc Hàm, Cao Thành, Hoàng Minh Đường, Trần Văn Hứa, Lê Văn Quảng v.v.. Trong số thanh niên Việt Minh hăng hái vừa góp tiền của, vừa trực tiếp đi vận động có Hoàng Minh Phụng, một tiểu thư khuê các “mê” con đường cách mạng của Đào Phúc Lộc nên đã trốn nhà, tình nguyện gia nhập trung đội du kích vũ trang.
Nhìn chung, trong 3 năm từ 1943 đến 1945, vượt qua nhiều thử thách, hiểm nguy, Đào Phúc Lộc với bí danh Hoàng Minh Đạo đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ Trung ương Đảng giao cho, đưa phong trào cách mạng của Hải Ninh đi từ chỗ không đến có. Đồng thời, ông cũng đã giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo nhiều hạt giống tốt cho cách mạng. Nhiều người đã trưởng thành, trở thành cán bộ nòng cốt cho quân đội và đặc biệt là cho ngành tình báo.
Tháng 6/1945, bọn Việt Cách đã chiếm huyện Ba Chẽ. Cả trung đội quân cách mạng sa vào tay bọn Việt Cách. Đào Phúc Lộc vào Ba Chẽ giả dạng người bán cua đã ra mật hiệu cho anh em đồng đội còn lại trốn đi. Anh em đồng chí đã giả vờ ra chợ Ba chẽ rồi luồn rừng khi trời tối bơi qua sông Hà Gián thì bị bắt giải về Mông Dương. Đồng chí Đào Phúc Lộc dùng mưu hoà hoãn với bọn Việt Cách để cứu thoát cả trung đội. Ông chỉ dẫn cho đơn vị tìm đường về tham gia chiến khu Đông Triều.
Riêng ông về Quảng Yên ngày 17/7/1945 bàn việc khởi nghĩa cướp chính quyền. Khi có tin bọn Đại Việt ở Hải Phòng sẽ tới Quảng Yên đòi tỉnh trưởng giao chính quyền cho chúng, Tư lệnh Nguyễn Bình cùng với Đào Phúc Lộc quyết định phải chặn ngay bọn chúng, giải phóng Quảng Yên, tỉnh lỵ đầu tiên trong cả nước.
Một số đồng chí quê ở Móng Cái đã được Đào Phúc Lộc đưa về Hà Nội làm công tác tình báo. Đào Phúc Lộc thay mặt Tư lệnh Chiến khu Đông Triều Nguyễn Bình về báo cáo với Trung ương đúng ngày Hà Nội khởi nghĩa. Ông được đồng chí Võ Nguyên Giáp giữ lại làm Chính trị viên đơn vị Quân giải phóng thủ đô. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Phòng Tình báo thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam chính thức thành lập. Đào Phúc Lộc mới 22 tuổi đã được cử làm Trưởng phòng.
Là Thủ trưởng đầu tiên của ngành Tình báo quân sự Việt Nam, Đào Phúc Lộc đã tuyển rất nhiều người Móng Cái, trong đó có Hoàng Minh Phụng. Cùng hoạt động, cùng quê hương, cùng chí hướng cách mạng, hai người đã yêu nhau. Đầu năm 1946, Bộ Tổng Tham mưu tổ chức đám cưới tác thành cho Đào Phúc Lộc và Hoàng Minh Phụng.
Những năm sau đó, đồng chí Đào Phúc Lộc xây dựng tổ chức Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương ở Móng Cái, hoạt động bí mật ở vùng Hải Phòng, Móng Cái, Trung Quốc, xây dựng mạng lưới tình báo từ Huế, Đà Nẵng đến Khu 5 và Nam Bộ, Chính uỷ lực lượng Biệt động Sài Gòn...
Đêm 24/12/1969, đồng chí Đào Phúc Lộc bị quân Mỹ phục kích trên sông Vàm Cỏ Đông, đoạn qua tỉnh Tây Ninh và đã anh dũng hy sinh. Năm 1998, đồng chí được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương Hồ Chí Minh. Ở thành phố Hạ Long, thành phố Móng Cái và thành phố Hồ Chí Minh đều có những con đường và trường học mang tên ông.
Phạm Học
- Đoàn Đại biểu Cháu ngoan Bác Hồ dâng hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và Tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu
- Thắp nến tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ
- Đoàn đại biểu tỉnh dâng hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và Tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu
- Tỉnh Đoàn và Hội đồng Đội tỉnh thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng
- BĐBP tỉnh Quảng Ninh dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sĩ tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia Pò Hèn
- 'Đi cùng năm tháng' - Chương trình nghệ thuật đặc biệt tri ân các Anh hùng, thương binh, liệt sỹ
- Hội CCB Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Pò Hèn
Liên kết website
Ý kiến ()