Thủ tướng Anh Rishi Sunak ngày 12/10 cho biết động thái triển khai tàu cho thấy nước này muốn "góp phần đảm bảo ổn định khu vực và ngăn chặn tình hình leo thang", đồng thời đảm bảo viện trợ nhân đạo đến được với các nạn nhân sau đợt tấn công của Hamas nhằm vào Israel.
Hai tàu hải quân Anh, gồm tàu hỗ trợ hậu cần RFA Lyme Bay và tàu bệnh viện RFA Argus, cùng khoảng 100 lính thủy đánh bộ và một số trinh sát cơ sẽ lên đường tới khu vực phía đông Địa Trung Hải ngày 13/10 để hỗ trợ Israel.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết đây là "biện pháp dự phòng" nhằm hỗ trợ các nỗ lực nhân đạo.
Anh đang triển khai hai chiến hạm trong khu vực, trong đó có khu trục hạm HMS Duncan đang làm nhiệm vụ dưới sự chỉ huy của NATO và hộ vệ hạm HMS Lancaster, con tàu tham gia nhiệm vụ hiện diện hải quân thường trực tại Vịnh Ba Tư.
Máy bay tuần thám P-8 Poseidon và các trinh sát cơ khác của Anh sẽ bắt đầu hoạt động trong khu vực từ ngày 13/10, thực hiện nhiệm vụ giám sát nỗ lực chuyển vũ khí từ nước khác cho lực lượng Hezbollah ở Lebanon.
Những đơn vị quân đội và tiêm kích của Anh đang đóng quân tại lãnh thổ hải ngoại Akrotiri và Dhekelia trên đảo Cyprus được đặt trong tình trạng báo động, trong bối cảnh lực lượng phòng vệ Israel dự kiến mở chiến dịch trên bộ nhằm vào Dải Gaza.
Nhóm Hamas ngày 7/10 phóng loạt rocket rồi mở đợt tấn công phối hợp bằng đường bộ, đường không và đường biển vào Israel. Giới chức Israel sau đó phát động chiến dịch trả đũa, phong tỏa và chặn mọi nguồn cung thực phẩm, nhiên liệu và nhu yếu phẩm vào Dải Gaza.
Đụng độ khiến khoảng 1.300 người tại Israel thiệt mạng, 3.200 người bị thương. Tại Dải Gaza, hơn 1.500 người thiệt mạng và hơn 6.600 người bị thương.
Sau đợt tấn công của Hamas, Mỹ thông báo điều nhóm tác chiến tàu sân bay USS Gerald R. Ford tới Địa Trung Hải để thị uy. Nhà Trắng ngày 11/10 cho biết Mỹ có thể cử thêm nhóm tác chiến tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower tới khu vực nếu cần, song chưa có quyết định chính thức về điều này.
Ý kiến ()