Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 02:32 (GMT +7)
'Anh/chị hết thời rồi' - nhận xét nặng nề, tổn thương nghệ sĩ Việt
Thứ 3, 14/03/2023 | 15:07:24 [GMT +7] A A
Nhiều nghệ sĩ Việt, nhất là những người bước qua tuổi 40 đều ít nhất trong đời nhận được một bình luận với nội dung: "Cô ấy/Anh ấy hết thời/qua thời".
Ở bên kia bán cầu, Dương Tử Quỳnh vừa nhận tượng vàng Oscar đầu tiên trong sự nghiệp. Ở khoảnh khắc bước đến đỉnh cao, chị sắp chạm ngưỡng 61 tuổi. Minh tinh phát biểu trên sân khấu: “Đừng để ai nói với bạn rằng bạn hết thời rồi".
Thế nhưng, không phải ai, nhất là nghệ sĩ nữ, cũng làm được như Dương Tử Quỳnh. Nhất là tại thị trường giải trí liên tục trẻ hóa, đào thải như ở Việt Nam. Nơi nhà sản xuất, tổ chức, khán giả luôn háo hức với những gương mặt mới lạ và cũng sớm lãng quên những tên tuổi được xem là già cả, giảm sức hút.
Có lẽ, nhiều nghệ sĩ Việt, nhất là những người bước qua tuổi 40 đều ít nhất trong đời nhận được một bình luận với nội dung: “Cô ấy/Anh ấy hết thời/qua thời”.
“Hết thời” trở thành cụm từ ám ảnh với nhiều ca sĩ, diễn viên trong nước. Ở ranh giới của định kiến đó, không ít nghệ sĩ Việt đã chấp nhận bỏ cuộc, tìm một ngành nghề khác để mưu sinh. Số ít hiếm hoi trụ lại showbiz bằng cách giữ gìn bản sắc cá nhân hoặc nỗ lực thay đổi, chấp nhận guồng quay của thị trường để níu giữ ánh hào quang.
Già đồng nghĩa với hết thời?
Oscar năm nay đặc biệt với nhiều câu chuyện truyền cảm hứng từ các nghệ sĩ gạo cội. Hầu hết nghệ sĩ giành thưởng cao nhất đều đã luống tuổi. Dương Tử Quỳnh, Jamie Lee Curtis nhận tượng vàng khi đã ngoài 60. Tài tử Quan Kế Huy hay Brendan Fraser lần đầu phát biểu trên sân khấu Oscar ở tuổi ngoài 50. Tất cả trong số họ đều trải qua những thăng trầm trong nghề diễn, cả khi đỉnh cao được triệu người trọng vọng hay lúc chạm đáy, gần như phải rời xa ống kính.
Showbiz Hollywood vốn khắc nghiệt nhưng không phải không có đất dụng võ cho những nghệ sĩ lớn tuổi. Trái lại, ở thị trường giải trí châu Á, trong đó có Việt Nam, một quy luật bất thành văn là nghệ sĩ già đồng nghĩa với hết thời. Tuổi tác nghiễm nhiên trở thành thước đo vô hình để đánh giá vị thế của một nghệ sĩ. Đồng thời, những ca sĩ, diễn viên ít hoạt động trong một thời gian hoặc không còn được khán giả ưa chuộng cũng được xếp vào danh sách nghệ sĩ hết thời.
Trước khi trở thành đạo diễn mát tay, với series Lật mặt làm mưa, làm gió trên thị trường điện ảnh Việt, Lý Hải từng là ca sĩ với những ca khúc nằm lòng của thế hệ 8X, 9X như Khi người đàn ông khóc, Liều thuốc cho trái tim, Trọn đời bên em… Thế nhưng, vào những năm cuối của thập niên 1990, khi Làn sóng xanh ra mắt và thay đổi thị hiếu thưởng thức âm nhạc của khán giả trong nước, Lý Hải bị “thất sủng”.
Từ một người chạy 20 show một đêm, ở thời điểm đó, Lý Hải gần như không được ai mời diễn. Bầu show gặp anh không hỏi han, đàn em trong nghề thấy không chào. Không còn ánh hào quang, Lý Hải có ý muốn giải nghệ. Anh từng có thời gian đi học may để mưu sinh.
Trong một talk show vào năm 2017, Lý Hải bật khóc khi nhớ lại quãng thời gian đó. Anh chia sẻ: “Tôi cảm thấy mình đã hết thời, khán giả không còn thích nghe tôi hát nữa còn bầu show gặp tôi cũng làm ngơ. Tôi chỉ biết tự nhủ đi kiếm nghề khác cho ấm chứ mình qua giai đoạn đỉnh cao rồi”.
Tương tự Lý Hải, Khổng Tú Quỳnh, Minh Hằng, Bảo Thy cũng từng đối diện với nỗi ám ảnh khi bị gọi là ca sĩ hết thời. Năm 2018, Khổng Tú Quỳnh khi đó vừa tròn 27 tuổi, đi casting cho một bộ phim thì bị thẳng thắn từ chối. Sau này, thông qua một người quen, cô được biết lý do là đơn vị sản xuất xem cô là nghệ sĩ hết thời vì lâu không ra sản phẩm.
Nữ ca sĩ cho biết sự việc nói trên như một cú sốc, khiến cô cảm thấy chán nản, thất vọng, không dám tự đi tìm cơ hội cho mình lần nữa.
“Lúc mà tôi đang là ca sĩ nổi tiếng thì có nhiều phim mời còn bây giờ mọi chuyện đã khác. Sau khi được anh Thanh Duy khuyên nhủ, tôi nghĩ thông suốt và cho rằng nếu người ta lỡ nghĩ như vậy thì mình phải thay đổi và chứng tỏ là họ sai. Tôi không có hết thời chỉ là tôi sẽ phải đi lại một con đường mới”, Khổng Tú Quỳnh chia sẻ trong bài phỏng vấn trên Zing.
Còn Bảo Thy, trước những bình luận từ khán giả về việc đã qua thời hoàng kim và chật vật lấy lại hào quang, cô thẳng thắn đáp trả: “Cát-xê của tôi hiện tại có thể nói là cao gấp 3 lần thời trước. Như vậy có phải là 'hết thời' không? Tôi đã qua 30 tuổi nên không thể mặc trang phục hở hang, diễn ở quán bar lúc nửa đêm. Hiện tại, tôi muốn hát bằng tất cả cảm xúc của mình chứ không phải hát như một cái máy giống lúc trước”.
Minh Hằng nhiều lần cũng sợ cảm giác bị khán giả lãng quên. Cô nói điều đó đồng nghĩa với thất bại. Áp lực khiến cô luôn vùng vẫy để tìm cho mình những chân trời mới ngoài hoạt động ca hát. Cô tìm đến với vai trò diễn viên phim điện ảnh, truyền hình, nhà sản xuất, giám khảo game show để không bị chìm khuất.
Áp lực của nghệ sĩ kỳ cựu
Ở địa hạt điện ảnh, việc thiếu vắng những tác phẩm, vai diễn đủ sức nặng dành cho nghệ sĩ lớn tuổi tạo ra một vấn đề nhức nhối của ngành nghệ thuật thứ 7 trong nước nhiều năm qua: phần lớn vai chính điện ảnh thường được giao cho những diễn viên trẻ, đẹp, có thể là gương mặt mới, chưa qua đào tạo hay thử sức ở bất kỳ bộ phim nào trước đó. Trái lại, những vai phụ trong phim mặc định dành cho nghệ sĩ gạo cội, giàu kinh nghiệm.
Ở lĩnh vực âm nhạc, sự chênh lệch về tuổi tác càng thể hiện rõ nét hơn. Việc phát triển như vũ bão của các nền tảng mạng xã hội khiến cuộc đua về trend, view trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Ở đó, các ca sĩ Gen Z tỏ ra thức thời, làm chủ cuộc chơi và sẵn sàng thử sức với nhiều dòng nhạc khác nhau rap, R&B, jazz, punk rock... để phù hợp với dòng chảy âm nhạc thế giới.
Một thế hệ ca sĩ mới như Mỹ Anh, Tlinh, Wren Evans… còn có thể tự mình đảm nhận và hoàn thiện nhiều khâu khác nhau trong dây chuyền: sáng tác, hòa âm - phối khí, trình diễn.
Các nghệ sĩ lớn tuổi vì thế đối diện với nỗi áp lực vô hình. Một số ca sĩ kỳ cựu tự nhận mình hết thời/qua thời và khẳng định đây là thời của các ca sĩ Gen Z. Họ tự lui về sau để làm những hoạt động khác như giảng viên, mở lớp đào tạo hoặc đi hát ở các phòng trà, sự kiện với đối tượng khán giả riêng. Nhiều ca sĩ lấn sân sang lĩnh vực diễn xuất, đạo diễn hoặc lấy kinh doanh làm ngành nghề chính.
Số khác nỗ lực vượt qua vòng an toàn để thử sức với những dòng nhạc mới, cố gắng bắt trend, làm mới bản thân trong cuộc đua với ca sĩ trẻ. Tất nhiên, có người thành công và cũng không ít người thất bại.
Thị trường hoa hậu, người mẫu, áp lực về tuổi tác, sắc vóc còn là nỗi kinh hoàng của không ít người đẹp. Việt Nam hiện là đất nước chuộng các cuộc thi hoa hậu, người mẫu nhất nhì trong khu vực. Mỗi năm có hàng chục sân chơi sắc đẹp ra đời. Câu chuyện “ra ngõ gặp hoa hậu” phổ biến trong những năm gần đây.
Trong bối cảnh đó, những người đẹp ngoài 28 tuổi gần như không còn cơ hội. Áp lực về sắc đẹp xuống dốc, tuổi già trở thành nỗi lo thường trực của nhiều người mẫu. 6 năm trước, khi Võ Hoàng Yến ở tuổi 29, cô đã tự nhận mình hết thời, đến lúc ngơi nghỉ để chuyên tâm đào tạo thế hệ kế tiếp.
Bình luận hết thời gây áp lực tâm lý cho nghệ sĩ
Trao đổi với Zing, anh Hồng Quang Minh - 15 năm hoạt động trong lĩnh vực truyền thông - cho biết hết thời là bình luận nặng nề, chứa đựng định kiến của khán giả, người trong nghề khi nhận xét về nghệ sĩ có dấu hiệu bước qua thời kỳ đỉnh cao.
Nghệ sĩ Việt dễ bị áp lực tâm lý khi khán giả cho rằng người đó hết thời vì tuổi cao, nhan sắc không còn như thời xuân xanh, công việc ít đi và lương giảm.
“Theo quan điểm cá nhân, có 3 yếu tố chính, nếu nghệ sĩ vẫn còn sức khỏe, tâm huyết với nghệ thuật, và năng lực, tài năng của họ vẫn được khán giả chấp nhận, yêu mến ở thời điểm đó, thì tuổi tác không phải vấn đề quá quan trọng ảnh hưởng đến bình luận “còn thời, hết thời” đối với một nghệ sĩ. Bản thân tôi thấy rất tiếc là nhiều nghệ sĩ thực lực, còn sức khỏe và khả năng cống hiến, nhưng cũng bị tâm lý này đánh gục và xói mòn động lực”, Hồng Quang Minh chia sẻ.
Theo anh Hồng Quang Minh, bài phát biểu của Dương Tử Quỳnh tại lễ trao giải Oscar 2023 đã truyền động lực, cảm hứng cho các thế hệ nghệ sĩ Việt Nam đang hoạt động. Nếu vượt qua định kiến, rào cản về tuổi tác, thời cuộc, nỗ lực vun đắp tài năng thì nghệ sĩ dễ hái quả ngọt. Khán giả hiện đại đã từ bỏ định kiến về hai chữ “hết thời” để cảm nhận được những cái hay, đẹp của nghệ thuật. Hơn ai hết, nghệ sĩ là người tạo ra sản phẩm nghệ thuật thì nên cởi bỏ áp lực trước tiên.
“Với những nghệ sĩ Việt Nam, nếu đưa về hệ quy chiếu trong nước, rõ ràng vẫn còn rất nhiều cơ hội, thử thách để họ chinh phục và chứng tỏ khả năng. Thị trường nghệ thuật, sự kiện, phim ảnh, âm nhạc ngày càng mở rộng với chất lượng nâng cao tỷ lệ thuận với dân trí của công chúng. Chưa có một thời điểm nào cơ hội được mở ra và công bằng như vậy cho các nghệ sĩ ở nhiều ngành nghề. Có thể chúng ta không đến được mục tiêu vì một số lý do tư duy hay nguồn lực hạn chế. Nhưng nếu giữ nguyên được ngọn lửa và sự chăm chỉ, tôi nghĩ bất kỳ nghệ sĩ nào cũng sẽ bất ngờ về những gì họ làm được trong một khoảng thời gian nhất định, khi họ nhìn lại”, anh nhìn nhận.
Theo Zing
Liên kết website
Ý kiến ()